10/07/2017 14:59 GMT+7

Kỳ 3: Những đứa trẻ mồ côi

NGỌC HIỂN - THÁI LỘC, ngochien@tuoitre.com.vn
NGỌC HIỂN - THÁI LỘC, ngochien@tuoitre.com.vn

TTO - Buổi chiều thâm u đầu mùa thu Đà Lạt, một người phụ nữ xách giỏ đứng bên ngoài khuôn viên gõ lớn vào cánh cửa làng SOS.

Hai mẹ con chị Tà Thị Mai và Ly Thị Xía ở mái ấm làng Điện Biên - Ảnh: NGỌC HIỂN
Hai mẹ con chị Tà Thị Mai và Ly Thị Xía ở mái ấm làng Điện Biên - Ảnh: NGỌC HIỂN

“Nếu không vào làng SOS thì chắc chắn 100% các em sẽ thất học bởi các em mồ côi, lo miếng ăn đã khó nói chi chuyện học hành

Anh TRƯƠNG TUẤN ANH

Khi có người bước ra, người phụ nữ đã mất hút, chỉ để lại chiếc giỏ có một bé trai kháu khỉnh bật khóc oa oa dưới gốc thông già. Từ thời khắc đó, cháu trở thành đứa con của Làng trẻ em SOS Đà Lạt và được các mẹ đặt tên, chăm bẵm...

Số phận đưa đẩy...

Lật giở những tập hồ sơ dày cộm, lưu lại tỉ mỉ từng cảnh ngộ các con của làng, anh Trần Bảo Long, giám đốc Làng trẻ em SOS Đà Lạt, cho biết ở làng có gần 10 trường hợp các cháu bị bỏ rơi khi mới lọt lòng.

Theo anh Long, khi để cháu trước cổng làng, người mẹ này cẩn thận bỏ trong giỏ một bình sữa, mấy bộ đồ và một lá thư tay gửi người phụ trách làng.

Dù nhiều năm đã trôi qua nhưng làng vẫn cẩn trọng lưu lại lá thư như là kỷ vật duy nhất về tình mẫu tử của đứa trẻ mồ côi khi chưa đầy một tháng tuổi.

Trên mảnh giấy trắng tinh, những nét mực tím ghi rõ ngày, giờ sinh cháu và những loại văcxin đã tiêm phòng.

Vài dòng ngắn ngủi nhưng như nặng trĩu nỗi lòng của người mẹ: “Xin làng và các mẹ cưu mang giúp con đứa trẻ này. Vì hoàn cảnh mà con không thể, mong làng và các mẹ nuôi nấng bé...”.

Nhìn nét chữ, anh Long đoán chắc đó là một người mẹ trẻ, có thể là một nữ sinh viên Trường đại học Đà Lạt, khi mang thai người mẹ này đã tìm hiểu về làng SOS rồi đem con đến gửi.

Như chú chim non lạc mẹ trước dông tố cuộc đời, nhưng giờ đây cậu bé này đã 5 tuổi và lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của người mẹ mới trong làng. Dù trong giấy khai sinh khuyết tên cha, tên mẹ nhưng em không khuyết tình mẹ, tình người.

Tại Làng trẻ em SOS Đà Lạt, có một người mẹ cương quyết không rời xa đứa con dù không phải do mình sinh ra. Ngay cả giám đốc làng cũng phải thừa nhận ở họ có một sợi dây vô hình gắn kết như tình cảm mẹ con.

Đó là câu chuyện của mẹ Đào - em Mun trong căn nhà mang tên Hoa Hướng Dương. Mun là tên gọi thân thương mà mẹ Nguyễn Thị Đào (59 tuổi) đặt cho khi nhận nuôi em vào năm 2001.

Mun bị suy dinh dưỡng ngay trong bào thai. Khi em chưa kịp cất tiếng khóc chào đời thì mẹ em mất ngay trên bàn mổ.

Cha em, năm đó cũng đã 62 tuổi, gia cảnh quá cơ cực lại rơi vào cảnh gà trống nuôi con nên từng ngày em lớn lên bằng... nước cơm thay sữa.

Ngày giỗ đầu mẹ, Mun được đưa vào làng SOS và trở thành con của mẹ Đào. Gian nan nuôi con nhưng đến một ngày chị Đào bủn rủn tay chân khi bác sĩ thông báo Mun yếu hẳn hệ vận động và mang di chứng của bệnh bại não. Khi đó, chị mới ngộ ra vì sao mấy năm nay Mun không bò, không lật cũng chẳng thấy nói năng.

Sau đó, làng muốn đưa Mun đến một cơ sở khuyết tật để chị dành thời gian chăm chín đứa con còn lại. Nhưng không, chị phản đối kịch liệt: “Tôi xin làng được nghỉ việc, đem Mun về nhà nuôi bởi tôi tin không ai chăm sóc cháu kỹ lưỡng bằng mình và tôi không đành lòng bỏ nó”.

Đêm xuống, nhìn đứa con chẳng máu mủ ruột rà gì đang thiếp ngủ mà chị lại rơi nước mắt. Nhờ sự cương quyết của chị, lãnh đạo làng đã gật đầu để chị tiếp tục nuôi nấng Mun như một ngoại lệ đặc biệt.

Ngày chúng tôi đến thăm, mẹ Đào tất bật mỗi ngày bốn dạo chở Mun đi học rồi về lo tắm giặt, cơm nước cho các con. “Biết là sẽ khổ với Mun nhưng tôi sẽ chăm sóc cháu đến cuối đời...” - chị khẳng định.

Bé Mun lớn lên từng ngày trong vòng tay chở che của mẹ Nguyễn Thị Đào - Ảnh: NGỌC HIỂN
Bé Mun lớn lên từng ngày trong vòng tay chở che của mẹ Nguyễn Thị Đào - Ảnh: NGỌC HIỂN

Mái nhà thứ hai

Căn nhà Hoa Hồng nằm bên cánh đồng Mường Thanh ở Làng trẻ em SOS Điện Biên chiều xuống rộn vang tiếng cười trẻ thơ.

Ngồi trước thềm nhà, Ly Thị Xía (13 tuổi, người Mông) vừa chuyện trò, vừa búi tóc cho người mẹ của mình là chị Tà Thị Mai (43 tuổi, người Thái).

Phút giây yên bình đó là cả ước mơ của hai mẹ con tám năm trước bởi khi vào làng hai mẹ con khác nhau tiếng nói.

Chỉ tay vào tấm hình một cô bé gầy nhom, đen đúa từ những xấp ảnh cũ, anh Trương Tuấn Anh (trợ lý giám đốc Làng SOS Điện Biên) cho biết đó là ngày Xía được đưa vào làng.

Nhà Xía cách làng hơn 100km, để đến được ngôi nhà nằm cheo leo trên đỉnh núi của Xía phải lội qua mấy con suối suốt cả ngày đường.

“Mẹ mất sớm, cha đã già và gia cảnh quá nghèo khó nên cuộc đời, tương lai của em sẽ ở bên bờ vực nếu không được làng đón vào” - anh Tuấn Anh nói.

Những bữa cơm đầu tiên trong làng Xía chỉ quen ăn cơm chan với nước lã, thậm chí còn không biết ăn thịt. “Khi đó cháu như một cây cỏ dại yếu ớt, tôi chăm cháu từng li, từng tí, bây giờ cháu mới được như vậy. Mừng vì nó học giỏi và hiếu thảo lắm, giờ là chị cả của 10 đứa em trong nhà này” - bà Mai chia sẻ.

Theo anh Tuấn Anh, tại Làng SOS Điện Biên có 141 trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng, trong đó đến 60% trẻ là người Mông, còn lại là các dân tộc Thái, Khơ Mú, Tày...

Tuy nhiên, anh Tuấn Anh cho rằng số trẻ mà làng đang nuôi dưỡng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của số trẻ mồ côi tại Điện Biên hiện nay vào khoảng 3.000 trẻ.

“Nếu không vào làng SOS thì chắc chắn 100% các em sẽ thất học bởi các em mồ côi, lo miếng ăn đã khó nói chi chuyện học hành” - anh nói.

Làng trẻ em SOS Việt Trì hiện đang nuôi dưỡng sáu đứa con người Mông mang trong mình số phận bi thương. Cha mẹ các em đã tử nạn trong vụ lở núi vùi chết 20 người ở xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) chấn động cả nước vào năm 2012.

Anh Nguyễn Văn Hải, giám đốc dự án Làng trẻ em SOS Việt Trì, cho biết ngay khi vừa biết tin vụ lở núi, làng đã chạy thẳng lên Yên Bái đón một lần sáu cháu về nuôi dưỡng năm năm nay.

“Khi đó các cháu rất nhỏ, đứa lớn nhất chỉ mới 7 tuổi, nhìn chúng như những cánh chim lạc đàn đáng thương lắm” - anh Hải nói.

Những “cánh chim” này đã được các mẹ chăm bẵm chu đáo, cháu nào lớn lên cũng học tập giỏi giang.

Trong bộ phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng giành nhiều giải thưởng quốc tế, bốn diễn viên nhí tham gia đóng trong phim đã gây ấn tượng với người xem chính là bốn đứa con mồ côi của vụ sạt lở núi La Pán Tẩn năm xưa hiện đang sống trong Làng SOS Việt Trì.

Kỳ tới: Trái tim những người mẹ

Anh Trần Bảo Long, giám đốc Làng trẻ em SOS Đà Lạt, cho biết các em khi được đón vào làng đều rất bỡ ngỡ, thậm chí nhiều em vẫn chưa chịu từ bỏ cuộc sống hoang dã bên ngoài. Cứ tối tối, các em lại trèo lên cây để... tìm chỗ ngủ.

Có em suốt ngày cứ vào nhà vệ sinh mở vòi nhìn dòng nước tuôn chảy. “Các em nói nước chảy từ suối chứ tại sao ở trong làng lại có nước chảy từ bức tường nên tò mò” - anh Long nói.

Theo chị Nguyễn Thị Hà - giám đốc Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, nhiều đứa trẻ mồ côi khi được đón vào làng, một miếng thịt các em cũng chẳng biết ăn. Hỏi ra mới biết cuộc sống cơ cực nên em lớn lên bằng toàn những bữa cơm rau.

“Mỗi đứa con vào làng mang một thân phận mồ côi khác nhau nhưng đều có điểm chung là sống lay lắt bên bờ vực thẳm, khiến chúng tôi không thể kiềm lòng khi chứng kiến cảnh ngộ của các em” - chị Hà nói.

Kỳ 1: Ông Kutin và làng SOS đầu tiên ở Việt Nam

Kỳ 2: Đà Lạt và những ngôi làng khác

NGỌC HIỂN - THÁI LỘC, ngochien@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên