Sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ có liên quan mật thiết đến chất lượng lẫn số lượng nhân lực IT trong nước (ảnh chụp tại không gian làm việc chung Dreamplex) - Ảnh: C.Nhật |
Do đội ngũ lao động trong ngành IT quá trẻ và hay nhảy việc, kinh nghiệm và kỹ năng không sâu, vì vậy càng lên đến những vị trí cao thì nguồn cung nhân lực ngành này tại VN càng trở nên thiếu trầm trọng |
Bà NGUYỄN PHƯƠNG MAI |
“Hiện tại giá nhân công trong ngành IT của VN không còn rẻ nữa, mặt bằng chất lượng nhân sự lại không cao nên mức độ cạnh tranh của chúng ta giảm sút” - bà Nguyễn Phương Mai (CEO Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung - cao Navigos Search) cảnh báo.
Lợi trước mắt, “hiểm họa” đường dài
Bà Phương Mai chia sẻ thêm về việc Ấn Độ gần đây đã được chọn để xây nhà máy sản xuất iPhone của Apple thay vì VN và Apple tiếp tục xây dựng trung tâm R&D thứ hai tại Trung Quốc cũng như sẽ đầu tư xây dựng trung tâm R&D ở Indonesia trong năm nay.
“Tại VN, vào đầu năm 2016 cũng có một công ty lớn trong ngành IT của Mỹ phải đóng cửa hoạt động sau thời gian dài không tìm được nhiều lập trình viên giỏi dù mức lương 2.000 USD/tháng” - bà tiết lộ.
Bà Vũ Thị Thu Hiền (giám đốc tuyển dụng nhân sự cấp cao Công ty tuyển dụng HR2B) phân tích: “Thông thường các công ty chuyên nghiệp khi tuyển người sẽ đánh giá về kinh nghiệm chuyên môn, thành tựu trong công việc cũ. Và những yếu tố này không thể hình thành nếu ứng viên chuyển việc trong thời gian ngắn”.
Bà cho biết đặc thù của khối IT là công nghệ luôn thay đổi. Do vậy, nhân lực trong khối IT cần phải thường xuyên cập nhập kiến thức mới để theo kịp xu thế, nếu không sẽ nhanh chóng bị đào thải.
“Nhu cầu tăng cao dẫn đến khả năng xảy ra “bong bóng” IT nên nhân lực trong khối này cần phải tỉnh táo và biết giá trị thực của mình nằm ở đâu để đưa ra những quyết định chính xác và không bị rơi vào tình trạng giống như “bong bóng đầu tư” ở năm 2007” - bà Thu Hiền nói.
“Do được giành giật nhiều nên sinh viên IT bây giờ ảo tưởng hơn nhiều so với ngày xưa, điều này hệt như trường hợp “bong bóng” bất động sản trước đây, mọi thứ đẩy giá lên trời trong khi giá trị thật sự ở dưới đất. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, hệ quả sẽ rất khó lường. Sau này khi cơn sốt nhân lực IT qua đi, các bạn bị trả lại giá trị thật thì sẽ “chao đảo”, không biết nên đi tiếp như thế nào” - ông Hoàng Quốc Việt (CEO ứng dụng TeraApp) chia sẻ.
Các công ty khởi nghiệp trong nước cũng được nhận định sẽ là “nạn nhân” trong câu chuyện này. “Thực tế đã cho thấy do chi phí nhân sự IT quá cao, tỉ lệ lao động xin nghỉ/chuyển việc cũng cao khiến yếu tố rủi ro, bất ổn trong doanh nghiệp không nhỏ, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ vì không ai can đảm vạch ra kế hoạch đường dài, bộ máy cũng dễ rơi vào tình trạng trì trệ. Nhiều công ty khởi nghiệp đã phá sản vì lý do trên” - ông Nguyễn Hữu Quang (CEO Công ty EXE) nói.
“Hệ quả “bong bóng” IT với doanh nghiệp là do nhu cầu lao động IT cao nên họ phải trả lương cao hơn khả năng, hiệu quả đóng góp của nhân sự, điều này làm giảm sự phát triển của doanh nghiệp và làm “méo mó” thị trường lao động, tạo ra sự chuyển dịch lao động bất bình thường, phá vỡ hệ thống quản trị của doanh nghiệp... những điều ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” - ông Vũ Anh Tuấn (tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM) phân tích.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Thiên Phúc (CEO Công ty SetechViet) cho biết hệ quả của “bong bóng” IT đang dần hình thành.
“Các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gặp khó khăn rất nhiều do nhân sự chủ chốt về công nghệ lần lượt ra đi, với những công ty đặc thù thì khả năng phá sản là rất cao vì để những nhân sự làm được việc thường phải trải qua quá trình đào tạo từ sáu tháng tới hai năm, trong khi vừa đào tạo xong thì bị các “ông lớn” thâu tóm nguồn nhân lực ngay thì họ sẽ không cách nào trở tay kịp” - ông nói.
Cần có giải pháp cấp thiết lẫn dài hạn
Đó là nhận định chung từ nhiều phía xoay quanh vấn đề trên. Theo bà Phương Mai, thực trạng này khó có thể thay đổi trong thời gian tới do nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong ngành IT khoảng 80.000 người/năm, trong khi sinh viên tốt nghiệp ngành này hiện chỉ 30.000 người/năm.
ThS Lâm Quang Vũ (phó trưởng khoa CNTT ĐH KHTN ĐHQG TP.HCM) cho rằng đây là hệ quả của việc thị trường IT phát triển quá nhanh mà chưa có định hướng rõ ràng trong quản lý tầm vĩ mô. “Chẳng hạn quy mô đào tạo và đầu tư cho các trường đào tạo CNTT không thay đổi nhiều trong những năm qua, chính điều này tạo ra một số bất cập trong đào tạo nhân lực CNTT” - ông nói.
Ông Nguyễn Đình Nam (sáng lập viên VP9.TV) nêu quan điểm: “Giải pháp cho vấn đề này, theo tôi, khả thi nhất là tăng số lượng người học (tăng cung) bởi chúng ta không thể nào “giảm cầu” của thị trường. Chúng ta cũng không thể buộc các công ty giảm lương thưởng vì các doanh nghiệp phải có quyền quyết định điều này, chỗ nào trả cao hơn chứng tỏ hiệu quả kinh tế của họ tốt hơn. Nếu cấm đoán điều này là đi ngược lại với kinh tế thị trường”.
Bên cạnh đó ông cho rằng Nhà nước, nhà trường cần tăng cường hướng nghiệp nhiều hơn cho các bạn sinh viên, học sinh để tăng chất lượng đầu vào.
Ông Hoàng Quốc Việt cho rằng Nhà nước cần kiểm soát chất lượng giáo dục và các giáo trình IT, kiểm tra lại toàn bộ hoạt động các trường dạy IT hiện mọc lên như nấm nhưng chất lượng bị “thả nổi”. Việc đào tạo cho sinh viên hành trang vững chắc và tạo cho họ nhiều giá trị về tư duy, kỹ năng, định hướng con đường đi sau này là việc chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu quyết tâm.
Tìm giải pháp phù hợp Theo chia sẻ của tiến sĩ Trần Việt Hùng (CEO ứng dụng GotIt!), đối với nhóm IT đã có kinh nghiệm làm việc, ông hiện không tuyển được nhiều bạn có khả năng đáp ứng đòi hỏi của công việc (tỉ lệ được tuyển nhỏ hơn 2%) trong khi luôn đòi lương cao. Tuy nhiên đối với các bạn mới ra trường thì khả quan hơn nên GotIt! hiện tập trung vào các bạn mới hoặc sắp ra trường và đào tạo lại. Quá trình này có thể hơi chậm hơn một chút để có kết quả vì công ty phải tốn công đào tạo kỹ nhưng về lâu về dài kết quả sẽ tốt hơn nhiều. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận