Sau những thất bại thảm hại ở World Cup 1998 và Euro 2000, người Đức đã thức tỉnh và quyết tâm thay đổi. Sau hơn 10 năm ươm mầm và trồng cây, cuối cùng bóng đá Đức cũng đến ngày hái quả ngọt.
Toàn bộ câu chuyện này được DFL (Ban tổ chức các giải bóng đá Đức) kể lại trong cuốn sách 10 năm của những học viện bóng đá Đức. Phụ trương Tuổi Trẻ & Euro xin trích dịch giới thiệu.
TT - Ở tuổi 21, Thomas Mueller, sản phẩm của lò đào tạo trẻ Bayern Munich, đã trở thành vua phá lưới World Cup 2010. Bên cạnh đó, Manuel Neuer là một trong những thủ môn xuất sắc nhất thế giới.
Rồi khi mới 18 tuổi, Mario Gotze đã được mô tả là “tài năng của thế kỷ”. Cứ mỗi năm, 36 học viện bóng đá trẻ ở giải Bundesliga và Bundesliga 2 liên tục xuất xưởng những tài năng trẻ xuất sắc. Đội hình đội tuyển Đức dự Euro 2012 chưa đầy 25 tuổi.
650 triệu USD cho 10 năm
Hơn một thập kỷ trước, đó là điều khó có thể tưởng tượng nổi. Tại Euro 2000, huyền thoại Lothar Matthaeus dù đã 39 tuổi vẫn là trụ cột ở hàng phòng ngự Đức.
Đó cũng là thành tích đáng xấu hổ nhất của bóng đá Đức ở một giải đấu lớn: bị loại ngay từ vòng đấu bảng, chỉ ghi được vỏn vẹn một bàn thắng và có 1 điểm. Một cú trượt dài cay đắng của nền bóng đá từng ba lần vô địch thế giới, ba lần vô địch châu Âu.
Ngay sau thảm họa đó, Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) đã triệu tập quan chức của các câu lạc bộ Bundesliga để họp khẩn. Trong cuộc họp đó, DFB quyết định cải tổ mạng lưới đào tạo các cầu thủ trẻ theo mô hình của các trung tâm nổi tiếng như Học viện Ajax (Hà Lan) và Trung tâm Clairefontaine (Pháp). Một nhóm công tác có nhiệm vụ tư duy đột phá để phát triển tài năng trẻ được thành lập.
Nếu không có nỗ lực phát triển bóng đá trẻ, đội tuyển quốc gia Đức đã không tiến bộ vượt bậc như thế. Nhờ vào các học viện bóng đá, Đức sản sinh ra ngày càng nhiều các cầu thủ có chất lượng kỹ thuật cao Giám đốc DFL Christian Seifert |
Khi đó, chủ tịch Ủy ban Học viện Andreas Rettig đã phải dành nhiều ngày thuyết phục các câu lạc bộ tham gia chương trình. Bởi đó là khái niệm giáo dục bóng đá hoàn toàn mới. Theo đó, bóng đá Đức phải xây dựng hạ tầng để thiếu nhi có thể phát triển mọi kỹ năng.
Các câu lạc bộ phải thuê huấn luyện viên bóng đá trẻ toàn thời gian, xây dựng các trung tâm luyện tập, cơ sở y tế và tăng cường hợp tác với các trường học. Tại các học viện bóng đá, những chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, quản lý, y tế, tâm lý... cùng hợp tác để giáo dục và đào tạo các cầu thủ nhí. Kỹ thuật và tư duy chiến thuật là những ưu tiên hàng đầu. Không chỉ đào tạo bóng đá, các học viện trở thành những ngôi trường thật sự cho các cậu bé mới lớn.
Khảo sát của tiến sĩ Uwe Harttgen, giám đốc Học viện Werder Bremen, cho thấy tỉ lệ tốt nghiệp trung học ở các học viện còn cao hơn tỉ lệ trung bình quốc gia. Chỉ có những tài năng sáng giá nhất mới có cơ hội bước vào thế giới bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng các học viện luôn đảm bảo môi trường giáo dục tốt nhất dành cho các cậu bé. Trong vòng một thập kỷ, các câu lạc bộ Đức đã đầu tư 520 triệu euro (650 triệu USD) vào công tác đào tạo bóng đá trẻ.
Hái quả
Đến năm 2002, các học viện bóng đá Đức đã đuổi kịp Học viện Ajax và Trung tâm Clairefontaine xét về tiêu chuẩn hoạt động. Một đặc điểm quan trọng của các học viện bóng đá Đức là thúc đẩy sự hòa hợp của các cầu thủ trẻ gốc nhập cư.
Bất kể họ từ đâu, các cầu thủ trẻ luôn được giáo dục trong môi trường văn hóa Đức thuần chất. Tất cả đều được đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Đức một cách sâu rộng. Công tác đào tạo bóng đá trẻ đã góp phần to lớn vào sự hòa hợp sắc tộc ở Đức.
Và sau 10 năm, khoản đầu tư đó đã đem lại những hiệu quả đột phá. Trong tổng số 525 cầu thủ ở Bundesliga có 275 cầu thủ (52,4%) được đào tạo tại các học viện. Trung bình mỗi câu lạc bộ có 15 cầu thủ “cây nhà lá vườn”. “Các con số trên cho thấy công tác đào tạo bóng đá trẻ ở Đức đang hái quả ngọt” - chủ tịch Ban tổ chức các giải đấu bóng đá Đức (DFL) Reinhard Rauball khẳng định.
Dòng máu trẻ từ các câu lạc bộ bắt đầu chảy vào đội tuyển quốc gia Đức. Năm 2010 thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của Manuel Neuer, Thomas Mueller, Mesut Oezil, Sami Khedira, Tony Kroos... Hai năm sau, một dàn sao mới bước ra vũ đài châu Âu, từ Mats Hummels, Lars Bender cho tới Marco Reus và Andre Schuerrle. Và còn rất nhiều cầu thủ trẻ khác dù rất tài năng nhưng vẫn phải ngồi nhà như thủ môn Marc-Andre ter Stegen, tiền vệ Patrick Herrmann, Lewis Holtby, Marco Marin...
NGUYỆT PHƯƠNG (lược dịch)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận