17/07/2013 10:53 GMT+7

Kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã ở dưới mức 8% trong năm quý liên tiếp. Dù vậy, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn tỏ ra lạc quan trước chính sách “tập trung chất lượng tăng trưởng kinh tế”.

jSa0GugG.jpgPhóng to
Một công trình xây dựng ở khu kinh doanh trung tâm tại Bắc Kinh. Trên poster che công trình là dòng chữ “Giấc mộng Trung Hoa, giấc mộng của tôi” - Ảnh: Reuters

Theo công bố ngày 15-7, tăng trưởng GDP quý 2 của Trung Quốc chỉ đạt 7,5%, giảm thêm so với quý 1 (7,7%). Người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia Thịnh Vận Lai tuy vậy lại rất lạc quan: “Từ các con số trên, theo như phán đoán của chúng tôi, nền kinh tế vẫn cân bằng. Hơn nữa kinh tế sẽ tiếp tục phát triển trong sự ổn định đó và tập trung vào phần chất”.

Tuy nhiên, AFP ngày 15-7 lại tỏ ra âu lo khi đặt vấn đề về khả năng sụt giảm này sẽ như “hòn tuyết lăn” đối với phần còn lại của thế giới và cho biết cả thế giới “đang tự hỏi liệu Trung Quốc có đảm bảo được thành công trong quyết định tập trung vào phát triển cân bằng hay không”.

Ba cỗ xe ngựa cùng giảm tốc

ADB hạ dự báo tăng trưởng

Ngày 16-7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố bản phụ trương “Triển vọng phát triển châu Á”, trong đó dự báo tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc tạo sức ép lên triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á. ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2013 của 45 quốc gia đang phát triển xuống còn 6,3% và giảm mức dự báo năm 2014 xuống còn 6,4%. Trước đó, vào tháng 4-2013, ADB dự báo khu vực châu Á sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và 6,7% trong năm tới.

Tân Hoa xã ngày 15-7 thừa nhận ba cỗ xe ngựa là đầu tư, tiêu thụ, xuất khẩu đều giảm sút so với năm ngoái. Tuy nhiên, ông Thịnh Vận Lai cho biết Bắc Kinh đang chú trọng tái cơ cấu, tăng cường siết chặt bất động sản, ngăn chặn việc lạm dụng công quỹ, chấm dứt một số chính sách kích thích kinh tế. Điều này chắc chắn sẽ có một số tác động đối với tăng trưởng trong giai đoạn ngắn, “nhưng về lâu dài sẽ có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc”.

Theo AFP, trong cuộc họp báo tại “Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung” hôm 11-7 ở Washington, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ đã tuyên bố: “Cho dù tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ còn 6,5% thì đó cũng không phải là vấn đề gì lớn”.

Ông Trương Quân Chỉ, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu kinh tế Phúc Đán, nhận định: “Bộ trưởng Lâu muốn nhấn mạnh rằng việc đạt được tỉ lệ tăng trưởng 7% không phải là vấn đề lớn. Những phát biểu “không thể lấy GDP để luận anh hùng” của Chủ tịch Tập Cận Bình và “tập trung phát triển kinh tế bền vững” của Thủ tướng Lý Khắc Cường những ngày gần đây cho thấy các lãnh đạo ở trung ương đã cùng chung nhận thức về tỉ lệ tăng trưởng GDP giới hạn là 7%”.

Theo các chuyên gia kinh tế, từ đại hội đảng lần thứ 18, tăng trưởng GDP đã không còn là tiêu chí quan trọng nữa. Hiện giờ các lãnh đạo Trung Quốc đang nhắm vào việc tái cơ cấu và giảm tỉ lệ thất nghiệp.

Hệ lụy cho thế giới

Dù các lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra bình tĩnh với các giải pháp của mình, nhưng như AFP bình luận, cả thế giới phải nín thở theo dõi các bước đi đó bởi “giờ đây các thị trường chứng khoán cũng theo sát các chỉ số ở Trung Quốc hệt như với các chỉ số của Mỹ”.

Ông Ishaq Siddiqi, nhà phân tích của quỹ ETX Capital, bình luận với AFP: “Sự giảm nhịp của Trung Quốc đang có tác động ngày càng tăng với các quốc gia láng giềng ở châu Á. Sự giảm sút về cầu từ Trung Quốc, đặc biệt về nguyên liệu, ảnh hưởng không chỉ đối với các nền kinh tế mới nổi mà cả với những nền kinh tế lớn như Úc”. Ông khẳng định rằng Trung Quốc giảm tăng trưởng thì đầu tư ra nước ngoài cũng giảm, “điều đó sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến Đài Loan mà cả đến các quốc gia phát triển khác”.

Đáng lo ngại là theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng giảm sút tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm tiếp theo. “Đến nay, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã ở dưới mức 8% trong năm quý liên tiếp, một dấu hiệu rõ ràng của sự sụt giảm” - AFP dẫn lời nhà nghiên cứu kinh tế Nhậm Hiện Phương, thuộc Công ty tư vấn Mỹ IHS Global Insight. Theo bà Nhậm, “việc giảm tốc độ tăng trưởng khá mạnh và bất ổn thị trường tài chính gần đây cho thấy những rủi ro đã được hình thành trên cả hai lĩnh vực tài chính và bất động sản”.

Cùng lúc, kênh truyền hình kinh tế tài chính CNBC dẫn lời chuyên gia Michala Marcussen của Ngân hàng Société Générale cho biết “tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm năm tới sẽ chỉ còn hơn 6%, và sẽ giảm còn 4-5% vào cuối thập kỷ này”.

Theo bà Marcussen, có ba yếu tố khiến tăng trưởng giảm sút. Đầu tiên là chính sách chú trọng tăng trưởng bền vững và chất lượng, đặt dấu chấm hết cho việc lấy tăng trưởng GDP làm mục tiêu. Kế đến, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn trả nợ kéo dài. Nguyên do thứ 3 là dân số trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc đã giảm sút đáng kể, cùng với các biện pháp cải cách cơ cấu không đầy đủ.

Những nguyên nhân đó đang trở thành trở ngại tiềm tàng cho tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên