03/07/2015 06:00 GMT+7

Kinh hoàng nạn ném đá xe khách... cho vui

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY
VÕ HƯƠNG - TRÀ MY

TTO - Chỉ vài năm qua, số nạn nhân bị ném đá đến trọng thương, hỏng mắt ngày một nhiều. Người dân vô cùng bức xúc. Đã đến lúc cần có một chiến dịch ngăn chạn nạn ném đá.

Tài xế Phan Văn Đoàn, nạn nhân của vụ ném đá xe khách, phải khâu hơn 20 mũi quanh hốc mắt, tình trạng sắp tới chưa biết ra sao - Ảnh: Mậu Trường

Tình trạng ném đá từng diễn ra trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, quốc lộ 1 đoạn qua Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào năm 2013.

Từ năm 2014 đến nay, hiện tượng này rộ lên nhiều nhất tại quốc lộ 14, đoạn từ Đắk Nông đi Kon Tum. Tình trạng này cũng diễn ra tại Bình Phước, Đồng Nai...

Việc lặp đi lặp lại, ai chịu trách nhiệm?

Nhóm người có hành vi ném đá thường là các thanh thiếu niên địa phương. Nguyên nhân ném đá, theo thanh thiếu niên này là để cho vui hay vì bị xe khách rọi đèn vào mặt hoặc tự nghĩ rằng tài xế đang nhìn đểu mình…

Từ những nguyên nhân hết sức vặt vãnh, các thanh thiếu niên đã gây nên nỗi ám ảnh kinh hoàng cho các nhà xe, các tài xế và hành khách bởi tính mạng, tài sản của họ có thể gặp nguy hiểm bất cứ khi nào.

Ném đá xe khách đã làm tài xế nguy kịch, có hành khách bị mù mắt, hàng chục hành khách nhập viện cấp cứu, làm cháu bé 23 tháng tuổi tổn thương nặng một mắt, làm bể kính, hư xe…

Khi đá "bay" vào mặt tài xế cũng là lúc tính mạng của tất cả hành khách trên xe như ngàn cân treo sợi tóc...

Hàng ngàn bạn đọc trên cả nước bức xúc vì sự việc đã lặp đi lặp lại trong thời gian dài, gần như chưa giải quyết được. Ai kêu vẫn cứ kêu, tai nạn vẫn cứ xảy ra...

Câu chuyện một nhóm thanh niên sau khi nhậu xong ra ném đá xe khách cho vui gây hậu quả nghiêm trọng. Bạn đọc Trang Thảo thảng thốt “Tại sao các thanh niên, họ lại ác như thế? Thật không tưởng tượng được sự vô cảm đến đáng sợ của những người ném đá khi lấy tai họa thảm thương của người khác làm cảm hứng vui vẻ cho mình. Rõ ràng đây là sự tồi tàn của nhận thức”.

Theo bạn đọc Phan Hiệp thì “phải xem lại trách nhiệm của chính quyền tại các địa phương này, đặc biệt là lực lượng giữ gìn an ninh trật tự. Kế hoạch của họ là gì để ngăn chặn tình trạng này?".

Về hình thức xử phạt đối với những thiếu niên có hành vi ném đá xe khách, nhiều bạn đọc cho rằng vẫn chưa đủ sức răn đe. Cần phải có khung hình phạt nặng hơn.

Theo anh Cao Sơn cần liệt tội ném đá xe khách vào khung hình phạt thật nặng vì chỉ cần tài xế mất tập trung thì hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc.

Bên cạnh những biện pháp xử phạt theo quy định của pháp luật, nhiều người đặt ra vấn đề cần có sự tuyên truyền sâu rộng về nhận thức để các thanh thiếu niên ý thức được sự nguy hiểm trong hành vi của mình.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ nhận định hành vi vi phạm luật của trẻ dù nghiêm trọng nhưng lỗi không chỉ riêng các em mà còn từ nhiều phía, trong đó sự chưa quan tâm giáo dục của cha mẹ, nhà trường, đoàn thể… đối với trẻ em.

“Phải tuyên truyền, giáo dục để các em tự xấu hổ với hành vi của mình" - luật sư Trương Thị Hòa khẳng định

"Nếu chúng ta có nhiều hình thức xử phạt nhưng chúng ta quên tuyên truyền, giáo dục cho trẻ hiểu biết thì trẻ cũng không biết ứng xử như thế nào cho đúng. Cần phải có sự giáo dục một cách toàn diện, sâu rộng về văn hóa, pháp luật… để thanh thiếu niên ý thức được sự nguy hiểm của những hành vi tưởng chừng rất nhỏ”, luật sư Hồ Nguyên Lễ kết luận.

Cháu bé An Khang, một nạn nhân của việc ném đá xe khách - Ảnh: Thiện Trí

 

Cần lắm một chiến dịch ngăn chặn

Nhiều bạn đọc cho rằng vì đối tượng đi ném đá là đối tượng trẻ, nhỏ, thiếu tiếp cận được các luồng thông tin, báo chí thậm chí cha mẹ các em cũng không nắm bắt được thời sự.

Trong những dịp hè, địa phương, khu phố có thể có kế hoạch tuyên truyền, nói chuyện với gia đình có các em đang trong độ tuổi này.

Hay nói cách khác cần phải có một chiến dịch ngăn chạn nạn ném đá tại những vùng, khu vực thường xảy ra loại tai nạn này.

Việc tổ chức đi tuần tra, bắt và xử phạt những thanh thiếu niên ném đá chỉ giải quyết được phần ngọn. Cái chính là cha mẹ các em đã thiếu quan tâm, dạy dỗ các em. Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề này, rất cần chính quyền địa phương phối hợp với các tổ dân phố, đoàn thanh niên tổ chức nói chuyện, định hướng, thông tin cho các thanh niên ở địa phương. 

Tỉnh đoàn, đoàn thanh niên các cấp có thể phối hợp với nhà trường để tuyên truyền cho các em học sinh ở độ tuổi vị thành niên để các em biết được việc ném đá gây nguy hiểm và hậu quả sẽ như thế nào.

Bạn đọc Phương Nga đề nghị cần có sự tuyên truyền với tần suất dày tại các phường, xã về vấn đề ý thức của thanh thiếu niên. Ngoài ra còn có thể phát tờ rơi tuyên truyền, tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề và tạo sân chơi lành mạnh để giới trẻ không sa đà vào những suy nghĩ tiêu cực, những hành vi thiếu ý thức.

Xe khách của nhà xe Thái Sơn hư hại sau khi bị tấn công đêm 11-6 - Ảnh: B.D.

Sự kiện mới nhất vào đêm 1-7, ba thiếu niên trú tại thôn 3, xã Tân Cảnh (huyện Đắk Tô) đứng hai bên đường và ném đá vào xe khách của nhà xe Minh Quốc (Kon Tum) làm em Lê Hà Phương Uyên (15 tuổi) bị thương ở mắt.

Bà Ngô Thị Sâm, bí thư Đảng ủy xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô (Kon Tum) cho biết các đối tượng thực hiện hành vi ném đá đều ở lứa tuổi học sinh.

Bà Sâm nói:“ người ném đá không phải thanh niên, phụ nữ hay nông dân và đôi khi bố mẹ chủ quan trong việc quản lý các em...”.

“Bây giờ đang là hè, thời tiết lại nắng nóng nên nhiều em tụ tập ra đường chơi và thách đố nhau thực hiện trò ném đá. Cậu bé nhỏ nhất thách hai bạn lớn hơn là tụi mày ném đi, có gì tao chịu trách nhiệm”, bà Sâm giải thích.

THÁI BÁ DŨNG 

 

Nghe các phát biểu trong bài:

>> Luật sư Huỳnh Phước Hiệp

>> Luật sư Trương Thị Hòa

>> Bà Ngô Thị Sâm

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên