01/11/2018 15:42 GMT+7

Kinh doanh cà phê: chỉ ngon, mộc thôi chưa đủ

TRẤN KIÊN
TRẤN KIÊN

TTO - Cà phê đã trở thành một lifestyle (phong cách sống) chứ không phải hoạt động thương mại hóa sản phẩm đơn thuần, vì thế chỉ có sản phẩm ngon thôi chưa đủ mà khách hàng cần thêm sự trải nghiệm.

Kinh doanh cà phê: chỉ ngon, mộc thôi chưa đủ - Ảnh 1.

Các thương hiệu nhượng quyền cà phê Việt cũng bắt đầu nổi lên để khẳng định vị thế với các hoạt động quảng bá quốc tế - ẢNH : TRẤN KIÊN

Nhận định trên đây được chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân đưa ra tại Triển lãm Coffee Expo 2018 và các hoạt động bán lẻ - nhượng quyền diễn ra từ ngày 1-11 tại TP.HCM.

Bà Vân nhận định hoạt động bán lẻ - nhượng quyền của ngành cà phê phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh đang được thay đổi khá lớn. Nếu trước đây cà phê được biết đến như một loại fastfood (thức uống nhanh) có thể phục vụ nhanh chóng thì khi bước chân vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dịch vụ mà người châu Á mong muốn là sự trải nghiệm.

"Sự chuyển động của kinh tế trải nghiệm trong thời gian qua làm cho rất nhiều mô hình cà phê thay đổi theo cách đưa nhiều yếu tố lifestyle vào thương hiệu. Việc các chuỗi Circle K, 7 Eleven tập trung bán cà phê nhiều cho thấy sự tham gia rất lớn của ngành bán lẻ vào ngành cà phê", bà Vân nói.

Theo vị chuyên gia này, một chuyển động đáng ghi nhận tiếp theo là sản phẩm cà phê trở thành hàng hóa phổ cập cho các gia đình, thúc đẩy hoạt động sử dụng, chế biến cà phê tại nhà nhưng đảm bảo chất lượng tương đương với thương hiệu ngoài cửa hàng. 

Ngành cà phê tại Việt Nam hiện đang phát triển rất sôi nổi khi có nhiều thương hiệu quốc tế và khu vực như Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singpore... đổ bộ vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, các thương hiệu nhượng quyền cà phê Việt cũng bắt đầu nổi lên khẳng định tên tuổi với sự góp mặt của hàng loạt hệ thống như Napoli (gần 3.000 chi nhánh), Viva Star (khoảng 160 chi nhánh), The Coffee House, Z! Café…

Theo bà Vân, ở chiều đi vào, các thương hiệu nước ngoài đang cạnh tranh trên phương diện chế biến - sáng tạo sản phẩm cà phê mới lạ. 

Tuy nhiên, vị thế cạnh tranh này sẽ không giữ được lâu vì các thương hiệu cà phê trong nước đã học được cách phát triển sản phẩm tương tự.

"Sự chuyển đổi có thể nhìn thấy ở các thương hiệu quốc tế là họ xây dựng không gian phục vụ thức ăn kết hợp cà phê. Trước đây, tổng doanh thu về cà phê chiếm 60-70% thì nay con số này có thể rớt xuống 50-60%. Hiện nay, có sự tham gia rất lớn của thực phẩm vào ngành cà phê, tương ứng với 25-40% tổng doanh thu", Vân thống kê.

Còn ở chiều đi ra, cà phê Việt Nam muốn đem mô hình ra nước ngoài cạnh tranh sẽ rất khó khăn vì những rào cản liên quan đến sự am hiểu cà phê, cách chế biến, trình bày, trình diễn chuyên nghiệp…

Theo vị chuyên gia này, thế mạnh của cà phê phải đi kèm với ẩm thực, một mô hình đã thành công ở nhiều nước châu Á vì các chuỗi không chỉ bán cà phê mà bán kèm với thực phẩm bản địa.

Bà Nguyễn Phi Vân gợi ý rằng các startup cần khẳng định sự khác biệt về kiểu mẫu và thiết kế, tìm kiếm thị trường ngách, hoặc tăng cường các giá trị cộng thêm như kết hợp hệ thống bán lẻ cà phê thành kios tự động trong văn phòng, cửa hàng tiện lợi. Nếu chỉ có cà phê ngon, cà phê mộc thì không thể cạnh tranh được.

TRẤN KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên