11/03/2012 06:30 GMT+7

Kiều Chinh trở lại

TruongUy
TruongUy

TT - Năm 2012, điện ảnh VN đón nhận sự trở lại đầy ấn tượng của Kiều Chinh với vai người nghệ sĩ về chiều trong phim Ngọc Viễn Ðông. Trước đó Kiều Chinh đã trở về trong dự án xây 58 trường học trên toàn quốc.

Phim Ngọc Viễn Đông thắng 2 giải tại CaliforniaCường Ngô: Ngọc Viễn Đông rất Việt NamMộng tưởng với Ngọc Viễn Đông

TTtdo9SD.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Kiều Chinh (trái) và nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc trong ngôi nhà nhiều kỷ vật quê nhà ở California, Mỹ - Ảnh: Nguyễn Văn NhâN

1. Chị đẹp! Và dáng dấp chị sang trọng quý phái. Nhiều người công nhận điều ấy và ít ai biết được rằng đó là một nhan sắc không hề chỉnh sửa.

Chị thích được lặp lại câu nói của Clint Eastwood: "Vẻ đẹp của những người già như chúng tôi nằm ở những nếp nhăn". Chị bảo nếp nhăn là quà tặng của đời, là những trải nghiệm đẹp về cuộc đời rất đáng sống này. Cường Ngô cũng lặp lại điều đó khi nhiều cô trách anh sao không mời họ vào phim mà cứ đi mời những "bà già giết giặc" cỡ Kiều Chinh, Như Quỳnh, Minh Ngọc.

2. Cái đẹp của chị là một thứ ánh sáng hắt ra từ bên trong. Một người đẹp trong giới biểu diễn mà gần như chưa vướng vào bất cứ một xìcăngđan tình ái nào. Năm 1955, bố gửi chị 16 tuổi cho gia đình người bạn thân lên máy bay vào Nam, còn ông ở lại để tìm đứa con trai đang tham gia kháng chiến quân. Sau này chị nhận lời lập gia đình với người con trai của gia đình ấy vì nghĩa hơn vì tình. Khi con cái đã trưởng thành, chị xin phép được chia tay để có thể sống trọn vẹn với nghề.

Tôi đã chứng kiến cảnh người chồng cũ cùng vợ mới ghé thăm người vợ cũ vẫn sống đời cô quạnh như một ni cô của mình. Cả hai đều trân trọng thương yêu chị. Từ đó đến nay, biết bao nhiêu người đeo đuổi với bao lời hứa hẹn giàu sang, nhưng chị chia tay với cuộc sống gia đình này không phải để chui vào một cuộc hôn nhân khác. Chị sống chật vật, chấp nhận 40% mức thuế đánh vào lương cho một người độc thân ở Mỹ, mong ngày bán được nhà sẽ kiếm một chỗ ở nho nhỏ, vừa đủ để chị kê giường ngủ, và quan trọng nhất, có nơi đặt chiếc bàn và ngọn đèn để chị có thể ghi chép cuộc đời đầy những khúc quanh, dấu ấn của mình cùng phận nước nổi trôi.

Nhưng viết về chị mà không nhắc đến những công việc từ thiện của chị là một thiếu sót lớn, cho dù chị vẫn thực hiện việc này một cách âm thầm. Chỉ kể ra đây một việc làm của chị được nhiều người biết thôi. Mấy mươi ngôi trường đã được chị cùng những cựu chiến binh Mỹ xây ở Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt. Tập thể này vẫn cố vận động để con số ấy lên đến 58. Tại sao lại 58. Xin thưa, xuất phát từ 58.000 lính Mỹ đã mất khi tham chiến tại Việt Nam. Chị cùng những người sống sót trở về góp tay vào dự án xây trường này, như một cách xoa lành những nỗi đau...

ukYdQjUX.jpgPhóng to
Kiều Chinh trong bộ phim Ngọc Viễn Đông - Ảnh: Poster phim

3. Chị yêu Hà Nội và Việt Nam. Trong kịch bản chúng tôi soạn chung, ở phác thảo đầu, chúng tôi cho nhân vật chính đưa con gái về thăm quê, nơi bà ngoại của đứa con gái có lập một quỹ từ thiện. Cảnh đã chọn để viết là Hà Nội và Hạ Long. Sau nhiều lần chỉnh sửa, phải chuyển Hà Nội về Sài Gòn. Ở bản cuối cùng, không còn một cảnh nào cần quay ở Việt Nam nữa. Chuẩn bị mọi thứ để có thể cùng về Việt Nam (trong chương trình có cả ra Hà Nội) để ra mắt phim Ngọc Viễn Ðông, nhưng ngày ra rạp cứ phải dời, chị chưa về cùng chúng tôi như đã hẹn. Chị nhờ tôi nhắn giùm với khán giả là chị yêu và nhớ mọi người.

Biết bao giờ mới có được một phim thứ hai cho chúng tôi cùng làm? Nhưng đành vậy khi người phụ nữ đa đoan này còn nhiều việc quan trọng hơn cần phải thực hiện. Ði nói chuyện cũng là một nghề của chị. Chị có tên trong câu lạc bộ những diễn giả là những người nổi tiếng. Một trong những chuyên đề chị thường được mời nói với tư cách người từng trải nghiệm là việc sống được sau khi tự tử.

4. Cuốn hồi ký của chị hiện gần hoàn tất. Chị là một người chỉnh sửa kịch bản được nhiều người ở Hollywood trả công cao, nhất là với những dự án phim cần tư vấn về Việt Nam. Năm 2009, một cơ duyên đến, chị rủ tôi sang sống với chị một tuần để hoàn tất kịch bản phim cho một dự án của Hollywood. Trong lúc làm việc, chị vẫn ngẫu hứng kể chơi vài ba cốt truyện phim độc đáo mà chị đã có lời hứa với chính mình là bán được nhà xong sẽ bắt tay khởi viết. Tôi tin khi được thực hiện thành phim, đó sẽ là những cuốn phim hay và lạ.

Thỉnh thoảng, ở nơi xa xôi, gọi điện thăm hỏi vẫn nghe chị kể về những dự định sẽ làm, những cốt truyện mơ viết, cảm nhận được hơi nóng hừng hực từ đầu dây bên kia. Nhiều người ngạc nhiên vì sức làm việc quần quật như một con trâu của tôi. Ðó là vì các bạn ấy chưa được cận kề để chứng kiến sự lao động dẻo dai của người bạn vong niên này của tôi. Một lần ở ngôi nhà cũ, thấy bóng một người bận quần jean, sơmi nâu thùng thình trèo lên bậc thang cao để... thắt tỉa những sợi liễu rủ đẹp xuống sân vườn sau, tôi không tưởng ra đó là một phụ nữ tuổi đã quá thất tuần và quá nổi tiếng như chị Kiều Chinh.

Kiều Chinh là nữ diễn viên chính trong cuốn phim Hồi chuông Thiên Mụ (1957). Sau đó Kiều Chinh mau chóng trở thành một trong những người nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam. Các phim Việt Nam cô tham gia sau đó là Mưa rừng (1962), Bão tình (1972), Chiếc bóng bên đường (1973), Hè muộn (1974). Kiều Chinh là diễn viên chính và cũng là người sản xuất bộ phim phản chiến Người tình không chân dung (1971). Cuốn phim sau này đã được tái bản và trình chiếu trong Ðại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế (Vietnamese International Film Festival) tại Hoa Kỳ năm 2003. Cũng tại đó, Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu suốt đời (Lifetime Achievement Award).

Trong thập niên 1960, Kiều Chinh cũng xuất hiện trong nhiều cuốn phim của Hoa Kỳ. Năm 1975, khi đang thực hiện phim Full house ở Singapore thì Việt Nam thống nhất. Kiều Chinh đến Hoa Kỳ, nơi cô tiếp tục sự nghiệp diễn xuất của mình trong bộ phim M*A*S*H (1977), bộ phim gần như dựa trên câu chuyện về cuộc đời cô.

Ðóng thêm hàng loạt phim truyền hình và phim truyện, đến năm 1993 Kiều Chinh vào vai Suyuan, một phụ nữ trong cuốn phim The joy luck club (Phúc lạc hội - tiểu thuyết Amy Tan, NXB Trẻ 1993) của Wayne Wang. Nhờ vai này mà trong năm 2003, tại Liên hoan phim phụ nữ (Women's Film Festival) ở Turin, Ý, Kiều Chinh được trao giải diễn xuất đặc biệt (Special Acting Award). Năm 1996, Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật truyền hình Mỹ (Academy of Television Arts and Sciences) đã trao giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh: A journey home của đạo diễn Patrick Perez/ KTTV.

NGUYỄN THỊ MINH NGỌC(tác giả kịch bản Ngọc Viễn Ðông)

TruongUy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên