Nguyễn Hữu Nghị điền hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học - Ảnh: M.TRƯỜNG |
Nhưng với ước mơ cháy bỏng được bước vào giảng đường ĐH, cậu học trò Nguyễn Hữu Nghị (xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) - học sinh Trường THPT Ngô Văn Cấn - đã lọt vào tốp 10 học sinh có điểm ba môn xét tuyển ĐH cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 của trường.
Vừa học vừa chữa bệnh
Trong căn nhà tạm bợ ở nhờ của người em gái tại ấp Kinh Gãy, xã Phú Mỹ, ông Nguyễn Văn Điền (48 tuổi, cha của Nguyễn Hữu Nghị) cho biết vườn tắc của gia đình mỗi tháng mang về hơn 2 triệu đồng. Sau khi cắt đất bán dần để chữa bệnh cho con, nay gia đình chỉ còn ít đất để trồng tắc nhằm nhanh chóng thu hoạch chứ không dám đầu tư những cây ăn trái dài ngày.
“Nếu giờ không có đồng ra đồng vào thường xuyên như vậy, các con tôi sẽ chết vì thiếu thuốc chứ đừng nói tới việc học” - ông Điền nói.
Ông Điền có hai con trai là Nguyễn Thái Huy (21 tuổi) và Nguyễn Hữu Nghị (20 tuổi). Cả hai anh em đều học giỏi có tiếng nhưng “sức khỏe lại chẳng bằng ai” - như lời ông Điền nói. Huy học năm nhất Trường trung cấp Y Bến Tre và mang trong mình căn bệnh dạ dày, viêm bàng quang nên phải vào bệnh viện điều trị liên tục.
Người em - Nguyễn Hữu Nghị phát hiện ung thư hốc mắt từ năm lớp 5. Liên tiếp hai năm sau đó, Nghị phải tạm nghỉ học để thực hiện hai đợt phẫu thuật cắt khối u nằm sâu trong hốc mắt. Sau đó, dù đi học lại nhưng dăm bữa nửa tháng Nghị lại cùng cha hoặc mẹ dắt díu nhau lên các bệnh viện lớn tại TP.HCM để thực hiện các đợt hóa trị, xạ trị.
Mỗi lần đi điều trị, dù được bảo hiểm chi trả nhưng cũng tốn tròm trèm 2 triệu đồng, chưa kể những lần phát bệnh đột xuất phải điều trị ngoài tốn trên dưới 4 triệu đồng.
Bà Bồ Thị Tuyết Thu (47 tuổi, mẹ của Nghị) cho biết thời gian sắp thi THPT quốc gia 2016 là thời gian căng thẳng không chỉ đối với Nghị mà cả gia đình đều đặt vào tình trạng “báo động”.
“Tôi có nhiệm vụ nhắc nhở con dù học ôn nhưng phải đề đầu óc thư giãn. Cứ khoảng nửa tiếng, tôi lại nhắc Nghị nghỉ ngơi, tránh để tổn thương các vết mổ vì suy nghĩ nhiều. Còn cha và anh trai nó phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Khi có chuyện thì nhanh chóng đưa con đi cấp cứu” - bà Thu kể.
Nguyễn Hữu Nghị - Ảnh: M.TRƯỜNG |
Ước mơ làm thầy giáo hoặc kỹ sư
Điều trị, vô thuốc để chiến đấu với bệnh tật khoảng một tuần thì Nghị quay lại trường học để tiếp tục với con chữ. Cứ thế, việc học đan xen với phác đồ điều trị bệnh đã theo Nghị từ năm lớp 5 đến nay.
Một mắt của Nghị đã mù vĩnh viễn, đầu luôn bị đau nhức nhưng giấc mơ phải đặt chân vào giảng đường ĐH khiến Nghị có quyết tâm mãnh liệt. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, Nghị đạt điểm số cao nhất lớp và lọt vào tốp 10 học sinh có điểm cao nhất Trường THPT Ngô Văn Cấn với điểm khối A: toán 7; vật lý 7,2; hóa học 7,4.
Nghị dự định sẽ nộp hồ sơ vào ngành sư phạm vật lý và sư phạm toán (khoa sư phạm Trường ĐH Cần Thơ) với ước mơ trở thành một thầy giáo đứng trên bục giảng và ngành kỹ thuật vi sinh của Trường Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
“Nghe tin con đậu điểm cao, tôi mừng đến ứa nước mắt nhưng lo không kém. Đi học xa nhà mỗi khi bệnh trở nặng thì sao? Rồi còn tiền lo thuốc men, tiền học nữa...” - bà Thu tâm tư.
“Gia đình Nghị thường xuyên được UBND xã quan tâm giúp đỡ, riêng Nghị được hưởng hỗ trợ theo chính sách bảo trợ xã hội dành cho người tàn tật mỗi tháng 360.000 đồng” - bà Trần Bạch Tuyết, phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, nói.
Thầy Võ Văn Phong - thầy giáo chủ nhiệm lớp 12 của Nghị - cho biết thầy có dịp đứng lớp dạy Nghị từ hồi lớp 11 và đến lớp 12 thì làm giáo viên chủ nhiệm của Nghị. Lớp 12 Nghị là lớp phó phụ trách học tập, phó bí thư chi đoàn của lớp đồng thời là ủy viên Hội Liên hiệp thanh niên của Trường THPT Ngô Văn Cấn.
Nghị là một học trò mẫu mực, xuất sắc trong học tập và là một cán bộ Đoàn, mọi công tác hội đều tham gia rất nhiệt tình...
Có nhiều hôm, đang học trên lớp bỗng Nghị bị căn bệnh quái ác hành hạ khiến Nghị không thể trụ nổi, gục đầu xuống bàn. Thầy cô và các bạn trong lớp dù đã quen với tình huống này nhưng do nhiều lần vì Nghị cố gắng quá sức nên phải gọi người nhà tới rước về để đưa đi bệnh viện gấp. “Có khi đọc được vài trang sách, giải được một vài bài tập thì đầu óc choáng váng như có búa bổ trên đầu vậy. Ban đầu em cố gắng được nhưng sức khỏe ngày càng yếu, hơn nữa em biết lường sức mình nên giờ cứ học khoảng 15 - 20 phút lại nghỉ ngơi, đi dạo một vòng rồi mới tiếp tục học được” - Nghị nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận