24/11/2015 08:55 GMT+7

Kiên quyết xử lý cán bộ hải quan tiêu cực

MAI HOA - ĐỨC THANH (maihoa@tuoitre.com.vn)
MAI HOA - ĐỨC THANH (maihoa@tuoitre.com.vn)

TT - Đó là yêu cầu đầu tiên mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho lực lượng hải quan TP.HCM tại buổi làm việc với 
Cục Hải quan TP.HCM chiều 23-11.

Cán bộ hải quan và an ninh hàng không thực hiện quy trình soi chiếu chung tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Hồng Trường
Cán bộ hải quan và an ninh hàng không thực hiện quy trình soi chiếu chung tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Hồng Trường

"Kiên quyết kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ công chức có hành vi dung túng, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại” - ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bị phạt án treo, nhưng không bị đuổi việc

Nghị định 34/2011 của Chính phủ quy định: công chức bị phạt tù cho hưởng án treo thì kỷ luật cảnh cáo đối với công chức không giữ chức vụ. Cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

"Quy định như vậy không có tính giáo dục, răn đe, công bằng, nhất là trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Đề nghị Chính phủ sửa đổi hình thức kỷ luật đối với công chức bị phạt tù cho hưởng án treo, là phải buộc thôi việc thì mới có thể ngăn chặn được cán bộ công chức vi phạm pháp luật” - ông Hoàng Việt Cường, phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, phụ trách Cục Hải quan TP.HCM, nói.

Theo báo cáo, trong 10 tháng đầu năm 2015, các mặt công tác của hải quan TP.HCM đều đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác thu thuế xuất nhập khẩu tính đến giữa tháng 11 đã đạt gần 80.300 tỉ đồng, đạt 89,2% chỉ tiêu pháp lệnh.

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, phát hiện và xử lý trên 2.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 22 tỉ đồng.

Việc rà soát, kiểm tra các container nghi chứa hàng lậu, hàng cấm tại các cảng của TP, bước đầu đã rà soát 1.054 container tồn đọng lâu ngày, soi chiếu 921 container, phát hiện 213 container có dấu hiệu vi phạm...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó thủ tướng thì kết quả trên chưa tương xứng với tình hình thực tế, nơi có kim ngạch xuất nhập khẩu rất lớn với gần 67 tỉ USD/năm.

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là việc một số cán bộ công chức tha hóa, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, trốn thuế...

Ông Phúc nhấn mạnh với một địa bàn quan trọng như TP.HCM thì công tác cán bộ càng phải được coi trọng, không để xảy ra tình trạng dung túng, tiếp tay cho buôn lậu...

Cần phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, điều chuyển, bố trí công tác khác đối với người đứng đầu các chi cục, đơn vị để xảy ra buôn lậu, thất thu thuế, tiêu cực nghiêm trọng kéo dài

Chống buôn lậu từ gốc

Đã thành quy luật, trước Tết Nguyên đán là thời điểm mà các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới “sôi động” hẳn lên.

Ông Hoàng Việt Cường trăn trở: “Chống buôn lậu, gian lận thương mại là công tác hết sức khó khăn, nhất là dịp trước Tết Nguyên đán. Bên cạnh cơ chế chính sách còn phải chú trọng đến khâu tổ chức thực hiện nữa.

Có hai vấn đề lớn. Một là làm sao để tìm ra được các đường dây, đầu nậu đưa ra truy tố, xét xử thì mới đánh được tận gốc buôn lậu. Thứ hai là các cơ quan thực thi pháp luật phải nghiêm”.

Đồng tình với quan điểm này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng điều đó đặt ra vấn đề phối hợp giữa các lực lượng để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

“Chẳng hạn, đối tượng cầm đầu ở ngay trong TP thì công tác quản lý địa bàn phải chặt chẽ để phát hiện, trong đó điều tra cơ bản của công an rất quan trọng. Các cơ quan thuế, quản lý thị trường, công an, hải quan phải phối hợp với nhau”.

Trung tướng Đồng Đại Lộc, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, cũng kiến nghị cần phải sớm có quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Hải quan trong công tác điều tra cơ bản để lần ra các đường dây, phối hợp tốt hơn trong kiểm tra hành chính, kiểm tra nghiệp vụ…

Thời gian thông quan hàng hóa sẽ giảm thêm 3 - 4 ngày

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo đó, đến năm 2016, thời gian thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phải giảm thêm 3 - 4 ngày, trong đó hàng xuất khẩu còn dưới 10 ngày và hàng nhập khẩu dưới 12 ngày, đến năm 2020 còn dưới 5 ngày.

Nhằm thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý chuyên ngành phải rà soát và xây dựng danh mục các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo hướng thu hẹp diện kiểm tra.

Ngoài ra, phải xác định những mặt hàng trọng điểm cần kiểm tra tại cửa khẩu, cần kiểm tra trước, sau khi thông quan.

Quyết định cũng yêu cầu các bộ quản lý chuyên ngành như công thương, y tế, giao thông vận tải... phải nghiên cứu, xây dựng và đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của VN, đồng thời xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu, nhất là các mặt hàng Nhà nước không khuyến khích nhập khẩu để bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.

L.THANH - L.C.

Nhiều khiếu nại gửi “sai địa chỉ”

Đó là khẳng định của ông Lê Tuấn Bình, phó chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Lực lượng hải quan chỉ đảm nhận một số khâu trong quá trình xuất nhập cảnh của hành khách.

Từ ngày 15-11, hải quan và các đơn vị tại sân bay Tân Sơn Nhất triển khai bố trí lực lượng hải quan cùng với an ninh hàng không cùng kiểm tra hành lý xách tay tại cùng một địa điểm. So với quy trình cũ, hành khách giảm được một lần kiểm tra.

MAI HOA - ĐỨC THANH (maihoa@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên