![]() |
Quảng cáo, rao vặt trái phép trên cột điện (ảnh chụp chiều 18-3 ở đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Thạch vân |
Đại diện các quận huyện và các đơn vị tham gia đều thống nhất ý kiến phải xử phạt thật mạnh để dẹp vấn nạn này.
Dân đòi xóa rao vặt trái phép Kết quả khảo sát của tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho thấy với 500 người được hỏi thì có đến 91,4% cho rằng rao vặt trên tường, cột điện, cây xanh là hành vi cần phải xóa bỏ trong năm 2011. |
Ông Đỗ Mạnh Khôi, Phòng văn hóa - thông tin Q.11, cho rằng chuyện quảng cáo khoan cắt bêtông, rao vặt (gọi chung là rao vặt) trái phép không phải là vấn đề mới mà đã xuất hiện tại TP khoảng mười năm nay.
Năm 2002, UBND TP có chỉ thị giao các sở ngành liên quan xử lý vấn đề này, nhưng đến nay loại hình này vẫn phát triển. Nếu tiếp tục cách làm như hiện nay thì 5-7 năm nữa cũng không xử lý được. Theo ông, phải xử lý từ gốc, tức cắt tất cả số điện thoại quảng cáo, rao vặt để họ không liên lạc được.
Tuy nhiên, vừa qua khi các quận huyện chụp hình gửi lên đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý thì không nhận được phản hồi. Ông Khôi bức xúc: Trước đây có lý do phần lớn những số điện thoại quảng cáo là thuê bao trả trước, không truy tìm được chủ, nhưng nay đã có quy định buộc chủ thuê bao đăng ký, chẳng lẽ lại tiếp tục bó tay?
Ông Bùi Việt Dương, trưởng phòng bưu chính - viễn thông Sở Thông tin - truyền thông, nói theo quy định, ngoài số điện thoại phải kèm theo quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với chủ thuê bao, khi đó mới có cơ sở đề nghị các đơn vị quản lý thuê bao cắt liên lạc.
Theo ông Dương, thực tế có nhiều người đăng ký thông tin cá nhân nhưng khai không đúng sự thật hoặc có trường hợp do tư thù cá nhân, lấy số điện thoại của người khác dán lên quảng cáo, rao vặt để trả thù. Nếu chưa xác minh kỹ, cắt nhầm điện thoại của những người không vi phạm sẽ bị kiện.
Phải được dân đồng thuận
Đại diện P.11, Q.Tân Bình báo cáo hiện trên địa bàn phường không còn rao vặt trái phép. Ông Lê Minh Hùng, phó chủ tịch UBND P.11, cho biết để làm được điều này, từ cán bộ, đảng viên, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ hưu trí và cả nhân dân phường đã cùng nhau tham gia giải quyết liên tục trong vòng ba năm qua (2007-2010).
Ý tưởng ban đầu từ một cựu chiến binh tại khu phố 7: đi tập thể dục buổi sáng kết hợp với việc gỡ giấy, đềcan in quảng cáo trên các trụ đèn, tường nhà dân, từ đó đến nay đã lan tỏa thành phong trào. Theo Phòng văn hóa - thông tin Q.Tân Bình, đến nay 100% các tuyến đường, hẻm tại P.11 không còn rao vặt và mô hình này đang mở rộng ra các phường khác thuộc quận.
Tiến sĩ Nguyễn Lưu Bảo Đoan, giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP, thông tin vấn nạn rao vặt không chỉ có ở VN mà còn làm “đau đầu” nhiều nước trên thế giới, kể cả Mỹ, dù đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Ở VN, nghị định 75 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa có hiệu lực từ ngày 11-9-2010, quy định xử phạt rao vặt trái phép với mức cao nhất lên đến 10 triệu đồng. Nhưng do chi phí quảng cáo thấp, cộng với yếu tố rủi ro bị bắt và xử phạt cũng thấp nên loại hình này sẽ còn tồn tại.
Phó bí thư Thành đoàn TP Bùi Tá Hoàng Vũ lưu ý vấn đề đặt ra tại buổi tọa đàm không phải nhằm triệt tiêu rao vặt mà để hướng loại hình này hoạt động hợp pháp. Nếu nơi nào cũng có sự đồng thuận như cán bộ, người dân tại P.11, Q.Tân Bình mới có thể hi vọng dẹp được quảng cáo trái phép.
“Đã đến lúc phải có biện pháp kiên quyết trong vấn đề này và trách nhiệm không chỉ ở Sở Thông tin - truyền thông mà còn của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch” - ông Nguyễn Văn Minh, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, chia sẻ.
Ông cho biết sắp tới hai sở trên sẽ tăng cường phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm cũng như kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tăng mức xử phạt rao vặt trái phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận