23/05/2017 19:31 GMT+7

Kiên quyết bảo vệ ngư dân đúng, xử lý nghiêm ngư dân vi phạm

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Từ ngày 1-1-2013 đến 31-3-2017, 134 tàu cá/1.014 ngư dân của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị nước ngoài bắt giữ vì lý do đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển của nước bạn.

Quang cảnh hội thảo về thực trạng, giải pháp hạn chế tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Hội thảo về thực trạng, giải pháp hạn chế tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài - Ảnh: ĐÔNG HÀ

​Trong đó, Indonesia bắt 132 tàu cùng 997 ngư dân, Malaysia bắt 2 tàu cùng 17 ngư dân.

Đây là thông tin từ Đại tá Nguyễn Văn Tiến - phó chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết tại hội thảo về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản ngày 23-5, tại TP. Vũng Tàu, tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Dự hội thảo có các ngành liên quan, chính quyền địa phương, ngư dân cũng như các lực lượng chức năng trên biển: bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư.

Đây là vấn đề nóng, khá nhạy cảm và lần đầu tiên được công khai tại một hội thảo để các ngành cùng tìm giải pháp.

Do ngư trường cạn kiệt, lợi ích kinh tế trước mắt

Theo đánh giá của các ngành chức năng và chính quyền, mặc dù đã được tuyên truyền, hướng dẫn, thậm chí buộc cam kết nhưng thực trạng ngư dân Bà Rịa- Vũng Tàu sang vùng biển các nước trong khu vực để đánh bắt cá vẫn thường xuyên xảy ra và có chiều hướng gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu của việc này là do ngư trường Việt Nam ít cá, thậm chí cạn kiệt, trong khi đó, ở vùng biển giáp ranh, chống lấn giữa Việt Nam và một số nước hiện chưa có hiệp định phân định, nguồn lợi thủy sản dồi dào.

Và do áp lực về kinh tế, lợi nhuận, có nhiều ngư dân dù biết đang đánh bắt ở vùng biển nước bạn nhưng vẫn cố tình thả lưới.

Ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) nói thẳng tại hội thảo rằng, đúng là ngư dân cố tình vi phạm “vì hám lợi”, “vì lợi nhuận mà bất chấp, mạo hiểm đưa tàu cá sang vùng biển Indonesia đánh bắt”.

Còn theo đại tá Bùi Văn Thảo, phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, thực trạng trên còn có nguyên nhân do một số cá nhân thuộc lực lượng chấp pháp của nước bạn “bảo kê”, “hợp đồng chui” cho các tàu cá Việt Nam khai thác hải sản tại vùng biển của mình.

Về nguyên nhân ngư trường cạn kiệt, ông Trần Văn Cường, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là do cách khai thác tận diệt bằng hình thức đánh giã cào (cào bay, cào lết).

Đồng thời còn có nguyên nhân đánh bắt bằng thuốc nổ, đèn cao áp, hóa chất, xung điện, kích điện.

Thực trạng này đã gây ra thiệt hại kinh tế, tài sản của chính ngư dân và hệ lụy kéo theo cho Nhà nước, các cấp chính quyền cũng như quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước.

Ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ: “Đề nghị nhà nước cho lực lượng chấp pháp ra vùng biển chồng lấn, giáp ranh với Indonesia để hỗ trợ ngư dân, giúp bà con yên tâm bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền” - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ: “Đề nghị nhà nước cho lực lượng chấp pháp ra vùng biển chồng lấn, giáp ranh với Indonesia để hỗ trợ ngư dân, giúp bà con yên tâm bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền” - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Có việc ngư dân bị nước bạn bắt sai!

Tại hội thảo, ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ nêu lên một thông tin đáng chú ý. Theo ngư dân này, trong thời gian gần đây ông biết có hiện tượng các tàu quân sự của Indonesia đã đi sang vùng biển Việt Nam để đuổi, bắt ngư dân sau đó đưa về vùng biển của họ để lập biên bản.

Và do bất đồng ngôn ngữ, trình độ hiểu biết hạn chế, hơn nữa lại không có lực lượng chấp pháp của Việt Nam nên ngư dân buộc phải ký vào biên bản vi phạm.

Đặc biệt, ngư dân Nhỏ dẫn chứng luôn trường hợp mới đây vào ngày 19-4-2017, ba tàu cá của Phước Tĩnh bị hải quân Indonesia bắt tại vị trí 07012’ vĩ độ Bắc- 108037’ kinh độ Đông.

Theo ông Nhỏ, vị trí này thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam. “Điều này gây hoang mang, lo lắng cho bà con ngư dân chúng tôi”, ông Nhỏ nói.

Thông tin của ngư dân Nhỏ đưa ra đã được thượng tá Nguyễn Văn Tranh - trưởng phòng pháp luật - Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3 xác nhận.

Theo thượng tá Tranh, từ 11- 2016 trở lại đây, hải quân và kiểm ngư của Indonesia thường xuyên sang vùng biển Việt Nam để bắt tàu cá của ngư dân, có khi vào sâu đến vùng biển Việt Nam gần 30 hải lý.

Cụ thể, ngày 3-5, tàu chấp pháp Indonesia sang vùng biển Việt Nam bắt tàu cá của Bến Tre, ngày 21-5, sang bắt năm tàu cá của tỉnh Khánh Hòa. Và hiện cảnh sát biển Việt Nam đang làm việc với nước bạn trong vụ năm tàu cá của Khánh Hòa.

“Hiện hai tàu của cảnh sát biển đang có mặt ở vùng biển giáp ranh với Indonesia để bảo vệ ngư dân”, thượng tá Tranh thông tin.

Để có bằng chứng, cơ sở đấu tranh việc ngư dân bị bắt sai, thượng tá Tranh đề nghị ngư dân khi bị bắt sai phải ngay lập tức liên hệ với cơ quan chức năng, đồng thời phải “đóng băng” máy ngay để có cơ sở khẳng định đang đánh bắt ở vùng biển Việt Nam, xử lý tốt thông tin.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, phải xử lý nghiêm việc ngư dân vi phạm vùng biển nước bạn. Đồng thời, với những việc ngư dân bị bắt sai thì phải kiên quyết bảo vệ, bảo vệ đến cùng.

“Điều quan trọng và lâu dài là phải phục hồi lại ngư trường và đã đến lúc phải thay đổi cách đánh bắt hải sản, phát triển ngành hải sản. Chúng ta phải nuôi lại môi trường, ngư trường ở biển Đông để cho con cháu sau này và không thể đánh bắt theo kiểu tận diệt”, ông Lĩnh nói.   

Từ năm 2016 đến nay, Indonesia và Malaysia, đặc biệt là Indonesia áp dụng một số biện pháp cứng rắn như đánh chìm tàu và phạt tù đối với thuyền trưởng, máy trưởng các tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của họ.

Chưa hết, lực lượng chấp pháp trên biển của hai nước này cũng tăng cường các biện pháp quan sát qua vệ tinh để phát hiện, dùng trực thăng kết hợp tàu cao tốc đuổi bắt tàu nước ngoài xâm phạm.


 

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên