Đại biểu cho rằng cần tăng nguồn vốn đầu tư công cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Quochoi.vn
Nêu quan điểm đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ là cấp thiết, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, chỉ ra hiện chi ngân sách cho khoa học công nghệ đạt không quá 2%, không đảm bảo vai trò vốn mồi, thúc đẩy đầu tư công còn hạn chế.
Dẫn tới đến nay mặc dù hoạt động đầu tư cho khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh đang được triển khai, như việc dự kiến có thể sản xuất một số vắc xin, sinh phẩm y tế, song các sản phẩm có đạt theo yêu cầu hay không là vấn đề đặt ra và cần báo cáo toàn diện…
"Để đảm bảo hiệu quả các nghiên cứu trên, cần ưu tiên vốn cho khoa học công nghệ và phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, trước mắt là nghiên cứu vắc xin cho phòng chống dịch COVID-19. Ưu tiên xây dựng trung tâm nghiên cứu và sản xuất vắc xin quốc gia để phòng bệnh dài hạn", đại biểu Tuấn Anh đề xuất.
Nhìn từ thực trạng nhà ở cho người lao động, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang (đoàn TP.HCM) chỉ ra riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp mới đủ bố trí cho hơn 330.000 người lao động. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, quá ít so với nhu cầu thực tế.
Do đó, ông Khang đề nghị bố trí một phần vốn ngân sách làm nhà ở cho công nhân là vốn mồi, có gói chính sách là nhà ở xã hội cho đối tượng dễ tổn thương, đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) dẫn chứng là tháng 2-2020, một số dự án đã được phân bổ nguồn lực dự phòng xuất phát từ tính "cấp bách", nhưng cũng chính các dự án đó chỉ sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn đã không còn "cấp bách", cho thấy việc xây dựng danh mục dự án xuất phát từ ý muốn chủ quan nhiều hơn.
"Vốn đầu tư công phải được hiểu là tiền thuế của nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân, không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình quyền ban phát và cơ chế xin - cho không biết khi nào mới kết thúc", bà Mai nói và đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về kinh tế.
Đầu tư công chậm và dàn trải do "bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ"
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng giải ngân đầu tư công chậm và dàn trải không chỉ do thể chế, mà còn do địa phương lựa chọn dự án chưa bám sát yêu cầu thực tiễn. Thậm chí còn có những trường hợp do "bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ", làm theo phong trào mà không xuất phát từ khả năng cân đối ngân sách.
Từ đó dẫn tới nhiều dự án chưa cần thiết, quy mô quá lớn so với nhu cầu, không kiểm soát được tổng mức đầu tư nên vượt dự toán, ảnh hưởng hiệu quả dự án. Thu ngân sách hiện nay cũng khó khăn, thiếu giải pháp khả thi đảm bảo nguồn vốn, trong khi tổng ngân sách nhà nước tăng, việc kiểm tra giám sát chưa nghiêm, khâu tổ chức thực hiện còn bất cập…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận