05/10/2013 08:35 GMT+7

Kiến nghị táo bạo: hợp pháp hóa ma túy

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Trung tâm Khoa học quốc tế về chính sách ma túy (ICSDP) vừa có bản báo cáo mới nhất, kiến nghị thế giới nên xem xét và hợp pháp hóa việc buôn bán, cung cấp và sử dụng ma túy. Đây là một kiến nghị đang gây tranh cãi.

hAczAgQJ.jpgPhóng to
Trang web “ngầm” bán ma túy Silk Road vừa bị cảnh sát Mỹ đóng hôm 2-10 có doanh thu đến 1,2 tỉ USD trong hai năm hoạt động.

Ma túy bị xem là một tệ nạn xã hội và người sử dụng, buôn bán ma túy cũng là tội phạm hình sự theo quy định pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng báo cáo mới của ICSDP chỉ rõ cuộc chiến chống ma túy toàn cầu đang thất bại, đồng thời yêu cầu chính quyền các nước nhanh chóng hành động để cứu sống hàng triệu mạng người mỗi năm.

IYi6nsBm.jpgPhóng to
Chủ nhân trang web “ngầm” bán ma túy là Ross William Ulbricht - một thạc sĩ 29 tuổi - đang bị cáo buộc nhiều tội nghiêm trọng.

Ma túy giá rẻ, chất lượng cao

Dựa trên số liệu thống kê trong mười năm từ bảy hệ thống giám sát ma túy quốc tế do chính phủ các nước tài trợ về giá cả và độ tinh khiết của ma túy, cũng như các nguồn cung cấp ma túy tại Mỹ, châu Âu, Úc và các khu vực chuyên sản xuất ma túy như châu Mỹ Latin, Afghanistan và Đông Nam Á, ICSDP cảnh báo ma túy đang có giá thành thấp nhưng chất lượng lại tăng cao.

Theo CNN, ma túy trên thị trường ngầm của thế giới bao gồm cocaine, heroin... đang đạt độ tinh khiết cao nhất với giá cả rẻ hơn hết trong 20 năm qua. Tại Mỹ, giá trung bình của ma túy giảm ít nhất 80% từ năm 1990-2007 trong khi độ tinh khiết tăng mạnh. Theo thống kê của ICSDP, tại Mỹ độ tinh khiết của heroin tăng 60%, của cocaine tăng 11% trong khi của ma túy chiết xuất từ cây gai dầu tăng 161%.

Một số quốc gia trên thế giới đã có những bước đầu tiên để hợp pháp hóa ma túy. Tại Uruguay, hạ viện đã thông qua dự luật hợp pháp hóa cần sa, trong đó quy định chỉ chính phủ mới có quyền bán cần sa. Trong khi đó tại Bồ Đào Nha, người nghiện ma túy bị cảnh sát bắt giữ sẽ không phải chịu hình phạt pháp lý nếu đồng ý tiếp nhận điều trị cai nghiện. Hoặc tại Hà Lan, nơi cần sa là bất hợp pháp nhưng vẫn được phép bán và sử dụng “quy hoạch” trong khoảng 700 quán cà phê.

Ở châu Âu, giá thành thuốc phiện giảm 74% và cocaine giảm 51% trong giai đoạn từ năm 1990-2010. Trong khi đó giá thành ma túy tại Úc giảm 14-49% trong giai đoạn từ năm 2000-2010.

Trước những số liệu trên, báo cáo nhấn mạnh rằng “nguồn cung cấp ma túy toàn cầu dường như đã tăng nhiều so với hai thập niên trước dẫn đến giá thành giảm”. Nhóm nghiên cứu Mỹ và Canada thuộc ICSDP đưa ra kết luận rằng cuộc chiến với ma túy của chính quyền các nước đang đi vào ngõ cụt và thất bại.

Hợp pháp hóa ma túy, nên hay không?

Theo BBC, hầu hết chiến lược kiểm soát ma túy cấp quốc gia đều tập trung vào việc thực thi pháp luật để hạn chế nguồn cung cấp chất cấm này mà bỏ ngoài tai lời kêu gọi của một số tổ chức quốc tế về các cách tiếp cận khác. ICSDP cho biết một trong những cách tiếp cận khác là hợp pháp hóa cũng như quy định chặt chẽ về pháp luật việc sở hữu, phân phối và sử dụng ma túy.

Ngoài tác hại từ việc nghiện và kinh doanh ma túy với mục đích xấu, loại chất gây ảo giác này thật ra cũng được giới y khoa sử dụng với nhiều công dụng bao gồm việc giảm đau cho bệnh nhân.

Do vậy, ICSDP kiến nghị nên xem xét việc sử dụng ma túy như một vấn đề y tế cộng đồng hơn là một vấn đề tội phạm hình sự. Ông Evan Wood - chủ tịch khoa học của ICSDP - cho rằng khi đã công nhận việc kiểm soát nguồn cung cấp thuốc thất bại thì vấn đề rõ ràng nhất mà chính phủ các nước cần làm là mở rộng quy mô việc điều trị cai nghiện và các chiến lược khác, nhắm đến việc giảm tác hại của sử dụng ma túy.

Ông Mike Barton - giám đốc Sở cảnh sát Durham (Anh) - đồng tình khi tin rằng hợp pháp hóa việc mua bán, phân phối và sử dụng ma túy sẽ làm mất nguồn thu nhập cũng như phân tán sức mạnh của các đại lý chui và băng đảng ma túy trên thế giới, bởi lúc ấy quyền kiểm soát ma túy thuộc về chính phủ các nước.

Nhóm nghiên cứu thuộc ICSDP nhận định chính sách về ma túy nên dựa vào khoa học, y tế và quyền con người hơn là việc ngăn cấm. “Lệnh cấm cùng các biện pháp hình sự đối với vấn đề kiểm soát ma túy toàn cầu đã chứng minh sự tốn kém, không hiệu quả và phản tác dụng” - giám đốc Liên minh chính sách ma túy có trụ sở tại Mỹ Ethan Nadelmann nhìn nhận.

Theo ông Nadelmann, việc này tạo ra một mức độ bất thường của bạo lực, tội phạm và tham nhũng trong khi thất bại trong việc giảm sử dụng các chất kích thích ảnh hưởng đến thần kinh này.

“Chúng ta nên thay đổi từ một chế độ cấm mua bán ma túy sang chế độ mua bán ma túy theo quy định hợp pháp của pháp luật” - ông Danny Kushlick thuộc Tổ chức cải tiến chính sách ma túy có trụ sở tại Anh đề xuất.

Tuy nhiên vẫn có rất nhiều ý kiến cho rằng ma túy là một chất gây nghiện nguy hiểm chết người. Điển hình như BBC đưa tin Bộ Nội vụ Anh cho rằng cần đảm bảo việc thực thi pháp luật để bảo vệ xã hội bằng cách ngăn chặn các nguồn cung và giải quyết tội phạm có tổ chức liên quan đến buôn bán ma túy.

Trung tâm Khoa học quốc tế về chính sách ma túy (ICSDP) có trụ sở tại Vancouver, Canada là một mạng lưới quy tụ các nhà khoa học, học giả và nhân viên y tế trên thế giới với nhiệm vụ cải thiện sức khỏe, sự an toàn của cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các loại chất kích thích bất hợp pháp. Ngoài ra, ICSDP cũng hợp tác với các tổ chức khác trên toàn cầu để đưa ra chính sách về ma túy hợp lý dựa trên những bằng chứng khoa học thuyết phục.
ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên