01/06/2024 10:19 GMT+7

Kiến nghị siết chặt xe ghép, xe đi chung chạy 'chui'

Xe ghép, xe đi chung chở khách 'chui', không đăng ký, không đóng thuế đang nở rộ ở các đô thị, làm doanh nghiệp vận tải đau đầu, còn ngân sách thì thất thu.

Xe cá nhân sử dụng chạy dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến đang nở rộ và khó xử lý - Ảnh minh họa: TẤN LỰC

Xe cá nhân sử dụng chạy dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến đang nở rộ và khó xử lý - Ảnh minh họa: TẤN LỰC

Tại đại hội của Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Gia Lai mới đây, nhiều ý kiến kiến nghị siết chặt quản lý với xe cá nhân chạy xe ghép, xe đi chung nhưng không đăng ký.

Dẫn số liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Gia Lai cho biết số lượng xe khách kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng đang tăng mạnh, chiếm khoảng 70% trong tổng số xe kinh doanh vận tải hành khách cả nước.

Xuất hiện "xe hợp đồng điện tử", hợp đồng trá hình

Ông Đặng Văn Hiền - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Gia Lai - nói các hình thức xe hợp đồng phổ biến đã có trong quy định là xe hợp đồng định kỳ như đưa đón công nhân, chuyên gia, học sinh thường từ nơi ở đến nơi làm việc, học tập.

Xe hợp đồng nguyên chuyến như đưa đón đoàn khách đi đám cưới, đám hỏi, du lịch, sự kiện.

Ngoài ra, hiện nay xuất hiện hình thức xe hợp đồng mới chưa có trong quy định nhưng đang phát triển mạnh là "xe hợp đồng điện tử", "xe limousine" hay hợp đồng trá hình.

Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Gia Lai nhận định đây là hình thức vận tải thuận lợi cho hành khách, chất lượng dịch vụ có nhiều cải thiện.

Tuy nhiên, loại hình này gây nhiều hệ lụy như làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị; có tình trạng sử dụng xe không được phép kinh doanh, lái xe chưa đủ điều kiện lái xe kinh doanh vận tải...

Còn ông Nguyễn Hồng Hải (nhà xe Hồng Hải, Gia Lai) nói tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến, xe đi chung đang nở rộ nhiều nơi, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM...

Đội ngũ này hoạt động tự phát, không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng về vận tải hành khách. Theo ông, đó là hoạt động kinh doanh "chui", không đóng thuế cho Nhà nước.

"Điều này rất không công bằng với các tuyến xe khách cố định, xe taxi. Ngân sách nhà nước cũng thất thu một nguồn lớn bởi hoạt động kinh doanh chui" - ông Hải nói.

Ông Hải đề nghị có giải pháp siết chặt quản lý xe ghép, xe tiện chuyến vào khuôn khổ quản lý nếu muốn tham gia hoạt động kinh doanh.

Nếu cho phép hoạt động phải có quy định, kiểm soát

Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Gia Lai đã tham gia cùng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu loại hình này trong quá trình sửa đổi Luật Đường bộ.

Trong đó, hiệp hội này đề nghị cần làm rõ có cho phép loại hình kinh doanh này hoạt động hay không? Nếu cho phép thì phải có quy định hoạt động rõ ràng để kiểm soát.

Ngoài ra, cần làm rõ có cho phép xe của hộ kinh doanh vận tải kinh doanh theo loại hình này hay không; xe cá nhân không đăng ký kinh doanh vận tải có được hoạt động dưới hình thức xe ghép, xe tiện chuyến...

Có cơ chế phối hợp với cơ quan thuế để giám sát quản lý về thuế đối với các phương tiện hoạt động loại hình này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Đình Sơn - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai - cho biết thực tế hiện nay tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến, đi chung hoạt động rất mạnh không chỉ tỉnh này mà trên toàn quốc.

Pháp luật đã có quy định về việc xử phạt ô tô đưa vào kinh doanh vận tải hành khách không đăng ký, không phù hiệu, nhưng thực tế việc xử lý còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, do không đăng ký, không nộp thuế nên đội ngũ này có nhiều lợi thế cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp vận tải.

Cần quản lý xe hợp đồng chặt chẽ hơn, tránh thất thu ngân sáchCần quản lý xe hợp đồng chặt chẽ hơn, tránh thất thu ngân sách

Các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu đưa điều kiện kinh doanh xe hợp đồng vào luật để quản lý chặt chẽ, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng cho các loại hình khác như taxi, xe buýt...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên