Chung cư Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) - một trong những dự án nhà ở xã hội - Ảnh: TTO
Để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Cụ thể là bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỉ đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2020.
Hai là cấp cho các tổ chức tín dụng 3.431 tỉ đồng để bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội trong năm 2018. Đây là đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phía Bộ Xây dựng cho biết việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội trong thời gian qua góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ổn định thị trường bất động sản.
Nhưng đến nay, việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc.
Nguyên nhân chính là do lượng vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 là hơn 1.262 tỉ đồng, đạt khoảng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Riêng năm 2018, ngân hàng này chỉ được giao 500 tỉ đồng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân. Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí.
Cũng theo bộ Xây dựng, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội đã giải ngân hết vào cuối tháng 12-2016.
Theo như báo cáo của các địa phương, hiện có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000 m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận