08/06/2017 07:39 GMT+7

​Kiến nghị bỏ điều luật buộc luật sư tố giác thân chủ

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Theo Liên đoàn luật sư Việt Nam, dự thảo sửa đổi Bộ luật hình sự 2015 quy định luật sư phải tố giác tội phạm mà thân chủ thực hiện mâu thuẫn với Bộ luật tố tụng hình sự và không phù hợp thông lệ quốc tế.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa ký công văn gửi Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội về việc góp ý cho khoản 3 điều 19 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 về trách nhiệm tố giác thân chủ của luật sư.

Khoản 3 điều 19 sự thảo quy định luật sư bị xử lý hình sự nếu không tố giác tội phạm mà thân chủ mình thực hiện đang gây tranh cãi gay gắt, không chỉ trong quá trình thảo luận tại Quốc hội mà đang khiến những người hành nghề luật sư đặc biệt quan tâm.

Theo công văn, Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã họp để thảo luận và thống nhất ý kiến đưa ra 2 phương án đề nghị đối với khoản 3 điều 19 BLHS 2015: hoặc là bỏ hẳn hoặc là sửa đổi.

Theo Liên đoàn luật sư Việt Nam, quy định tại khoản 3 điều 19 quy định buộc luật sư phải tố cáo khi biết thân chủ phạm tội sẽ tạo ra sự xung đột pháp luật đối với quy định tại điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) hiện hành.

Điều 73 Bộ luật TTHT quy định luật sư: “...Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, nếu không bỏ khoản 3 điều 19 thì phải xem xét sửa quy định của Bộ luật TTHS 2015. Mà như vậy sẽ làm giảm đi tính khả thi của quá trình thi hành pháp luật trong xã hội, bởi điều Bộ luật TTHS 2015 vừa có hiệu lực từ 1-7-2016 đã phải sửa.

Liên đoàn luật sư cũng kiến nghị phương án thứ hai là sửa đổi khoản 3 điều 19 theo hướng người bào chữa chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tiết lộ thông tin về tội phạm do chính người mà mình bào chữa thực hiện đối với tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia.

Kiến nghị cũng cho rằng theo thông lệ quốc tế và quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư thì nhiều quốc gia cũng cân nhắc cụm từ “tố giác tội phạm” đối với luật sư mà thường dùng cụm từ “tiết lộ thông tin tội phạm” cho các cơ quan có thẩm quyền.

Điều này nghĩa  đây không chỉ là nghĩa vụ của luật sư mà còn hiểu là quyền và nghĩa vụ bảo mật của luật sư để ngăn chặn những tội phạm đang thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện có nguy cơ đe dọa đến an nguy độc lập, chủ quyền quốc gia và sinh mạng con người.

Do đó, Liên đoàn Luật sư cho rằng cần phải giới hạn phạm vi về các tội mà các luật sư có thể tiết lộ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Khoản 3 điều 19 BLHS 2015 là điều khoản gây tranh cãi và làm hoang mang giới hành nghề luật khi quy định:

“Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.”

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên