Phóng to |
LS Nguyễn Văn Hậu |
Thời gian qua nhiều trường hợp báo chí vì lý do tôn trọng nhân vật trong tin, bài đã viết tắt tên, địa chỉ của họ nhưng sau đó có người đứng ra nhận mình là người được đề cập trong những tin, bài này rồi yêu cầu phải cải chính. Tuổi Trẻ đã trao đổi với các luật sư, luật gia xung quanh vấn đề này.
* Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM):
Việc luật sư tự đứng ra tổ chức họp báo cho thân chủ của mình là không đúng. Theo Luật báo chí, việc họp báo phải được sở văn hóa thông tin cho phép. Trong các vụ tiêu cực mà cơ quan có thẩm quyền đang xem xét hoặc đã khởi tố vụ án để điều tra, báo chí có quyền thông tin diễn biến và các sự kiện, kết luận của cơ quan chức năng.
Trong lúc báo chí đang đăng tải các thông tin theo diễn tiến làm việc của cơ quan chức năng, việc luật sư đứng ra tổ chức họp báo để cung cấp thông tin ngược lại, giống như kiểu đưa ra kết luận chính thức trước với báo chí là không đúng.
Trong quá trình tư vấn, làm dịch vụ pháp lý cho thân chủ, luật sư có quyền đưa ra các ý kiến, hướng dẫn thân chủ làm đơn từ... nhưng không được vi phạm những điều cấm đối với luật sư theo điều 16 pháp lệnh luật sư như: cung cấp chứng cứ giả, cố tình xúi giục đương sự, bị can bị cáo khai sai sự thật, tố cáo khiếu nại không có căn cứ.
Nếu luật sư muốn tự mình đứng ra khiếu nại thay cho đương sự (khiếu nại cơ quan báo chí hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác) thì phải xuất trình hợp đồng dịch vụ đã ký với đương sự hoặc giấy ủy quyền của đương sự cho luật sư làm việc này, luật sư cũng phải xuất trình giấy chứng nhận hành nghề, thẻ luật sư khi làm việc với các cơ quan có thẩm quyền.
* Luật gia DƯƠNG ĐÌNH KHUYẾN (phó chánh văn phòng Hội Luật gia VN):
Việc viết tắt tên người, địa chỉ, địa danh trên báo chí thường được sử dụng khi không muốn gây ảnh hưởng tới một người, một nhóm người ở một địa chỉ cụ thể nào đó. Chữ viết tắt trên báo có thể ngẫu nhiên trùng hợp với chữ viết tắt tên của một ai đó, một địa chỉ nào đó, nhưng không thể vì thế mà suy diễn báo chí viết như thế là… đang nói về một người cụ thể nào đó. Lấy ví dụ khi báo chí viết tắt tên nhân vật trong bài là N.V.A., có thể đó là Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Ánh, Nguyễn Văn Ảnh… với hàng chục, hàng trăm khả năng khác nhau.
Không thể lập luận rằng vì tên viết tắt ấy trùng với viết tắt tên của tôi, viết tắt địa chỉ ấy là trùng với viết tắt địa chỉ của tôi, phù hợp với đường phố, phường xã… để nói rằng báo chí đang ám chỉ mình. Đó chỉ là một lối suy diễn chủ quan.
Dựa theo các qui định hiện hành của pháp luật VN, không có căn cứ nào để cho rằng những trường hợp như trên là báo chí muốn ám chỉ đến một người cụ thể, một địa chỉ cụ thể và từ đó đòi hỏi báo chí phải cải chính, xin lỗi; cũng như không có căn cứ nào để tòa án thụ lý những việc như vậy nếu ai đó có ý định khởi kiện ra tòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận