15/11/2016 10:14 GMT+7

Kiện đời này qua đời khác

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Mấy chục năm tòa án chưa giải quyết xong 1 vụ kiện. Có vụ án bị giám đốc thẩm đến 4-5 lần. Có vụ kiện đã thi hành án xong, nhà đất đã sang tên đổi chủ mấy lần vẫn bị giám đốc thẩm hủy án yêu cầu xét xử lại...

aaa

Đó là thực trạng nhức nhối trong việc giải quyết các vụ án dân sự hiện nay. Vụ kiện đòi nhà cho thuê của cụ Huỳnh Thị Dậu (TP.HCM) có thể được xem là kỷ lục của ngành tòa án khi kéo dài 32 năm chưa giải quyết xong.

Phán quyết trái ngược nhau của các cơ quan có thẩm quyền đã khiến một gia đình phải đội đơn đi kiện từ đời này qua đời khác.

Cho đến nay, vụ án đã trải qua ba lần xét xử sơ thẩm, bốn lần xử phúc thẩm, ba lần giám đốc thẩm và chưa biết còn kéo dài đến bao giờ.

Đến chết vẫn chưa xong

Hồ sơ vụ việc thể hiện trước năm 1954, cụ Trần Văn Hỷ và cụ Huỳnh Thị Dậu đã tạo lập được ba căn nhà nay thuộc số 13, 15, 17 đường Hậu Giang (P.2, Q.6) để ở và là cơ sở để hoạt động cách mạng.

Sau đó cụ Dậu cho ông Lý Nhi Hạnh thuê lại hai căn nhà số 13 và 15. Hết thời hạn cho thuê nhưng ông Hạnh vẫn chưa trả lại nhà, cụ Dậu đã nộp đơn khởi kiện năm 1983.

Bốn năm sau, TAND Q.6 mới xét xử sơ thẩm và công nhận cả ba căn nhà trên là của cụ Dậu, buộc ông Hạnh trả lại nhà.

Năm 1989, TAND tối cao đã xử giám đốc thẩm, quyết định hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao cho tòa án xét xử lại.

Từ đó đến nay, vụ án cứ hủy đi hủy lại, xử đi xử lại với những phán quyết trái ngược nhau. Ngoài lý do vụ án phức tạp với nhiều đương sự thì lỗi để vụ án kéo dài thuộc về các cơ quan tố tụng.

Đến nay sau 32 năm, cả nguyên đơn lẫn bị đơn trong vụ kiện đều đã qua đời, còn vụ kiện quay trở lại vạch xuất phát.

Vụ kiện bị kéo dài đã làm phát sinh thêm 20 người thừa kế, trong đó một số người đang sinh sống ở nước ngoài và mất địa chỉ liên lạc. Việc thu thập lời khai, triệu tập xét xử vì thế càng thêm phức tạp...

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), vụ án của cụ Dậu là điển hình cho tình trạng án không có điểm dừng trong tố tụng dân sự.

Trên thực tế, những vụ kiện dân sự bị kéo dài trên chục năm như trên đã không còn là chuyện cá biệt.

“Việc để án kéo dài là điểm bất cập của hệ thống pháp luật đã để lại nhiều hệ lụy, tạo khoảng hở, dễ phát sinh tiêu cực.

Sự trì trệ, thủ tục tố tụng rườm rà cũng như việc chậm cải cách hệ thống tư pháp một cách triệt để đã không đảm bảo được thời gian giải quyết một vụ án mà Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định.

Việc kéo dài thời gian giải quyết một vụ án đã gây nhiều thiệt hại cho đương sự cũng như sự bất bình trong nhân dân” - luật sư Công nói.

Siết quy định tạm đình chỉ vụ án

Theo ông Đinh Thế Hưng - trưởng phòng pháp luật hình sự, Viện nhà nước và pháp luật (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định tiến bộ là đương sự có quyền thu thập chứng cứ cung cấp cho tòa, nếu không thu thập được thì yêu cầu tòa cung cấp.

Tuy nhiên hiện nay nhiều tòa án không tích cực trong việc thu thập chứng cứ. Hoặc tòa án yêu cầu các cơ quan khác cung cấp nhưng họ không tuân thủ, làm khó dễ lẫn nhau.

Bà Hoàng Vĩnh Thảo (kiểm sát viên Viện KSND TP Hà Nội) cho biết: “Quy định đương sự tự cung cấp chứng cứ cho tòa là tiến bộ nhưng lại không phù hợp trên thực tế. Nhất là với tranh chấp đất đai, liên quan đến nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều cơ quan nên dân không biết thu thập ở đâu. Chứng cứ không đạt được độ chính xác khiến đương sự khiếu kiện kéo dài”.

Ở góc nhìn khác, bà Thảo cho rằng nhiều vụ án dân sự bị kéo dài do chính đương sự vì “họ tuyên chiến với nhau, không cần tài sản mà chỉ cần tôi đúng, anh sai. Chính vì vậy khi tòa tuyên án không như ý mình, đương sự lại tiếp tục khiếu kiện, tác động chỗ này chỗ kia”.

Luật sư Phan Thị Hương Thủy (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết hiện nay nhiều vụ án kéo dài do nguyên nhân rất vô lý như thẩm phán đợi... tái bổ nhiệm.

Trong thời gian đó, tòa án không chuyển vụ việc cho người khác giải quyết. Đến khi thẩm phán đã được tái bổ nhiệm thì lại phân công cho thẩm phán khác. Thẩm phán phải nghiên cứu vụ án lại từ đầu, vì vậy án lại tiếp tục bị kéo dài.

“Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự cho phép thẩm phán được tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án. Thời hạn xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Với quy định nêu trên, nhiều tòa án đã vận dụng linh hoạt để có lợi cho tòa, gây bất lợi cho người dân. Vì vậy cần xem lại quy định này để việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không được tùy tiện”.

Bà Hương Thủy cho rằng điều 203 cũng có quy định đối với vụ án có tính chất phức tạp, do sự kiện bất khả kháng, do trở ngại khách quan thì chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

“Tuy nhiên thế nào là tình tiết phức tạp, thế nào là trở ngại khách quan thì cần phải có hướng dẫn, quy định cụ thể để tránh việc án bị kéo dài quá lâu như thời gian qua” - bà Phan Thị Hương Thủy kiến nghị.

Lợi dụng kẽ hở pháp luật

Trên thực tế, các vụ án dân sự bị kéo dài do nhiều nguyên nhân khách quan như tranh chấp phức tạp, có tính chất lịch sử, liên quan đến nhiều người...

Tuy nhiên, cũng có không ít người áp dụng đã lợi dụng các quy định bất cập của pháp luật để kéo dài vụ án. Nhiều vụ án bị cấp giám đốc thẩm hủy án yêu cầu xét xử lại.

Tuy nhiên khi tòa án cấp dưới xét xử lại thì phán quyết không theo hướng đề nghị của quyết định giám đốc thẩm. Từ đó đã dẫn đến vòng luẩn quẩn của việc án xử đi xử lại, hủy đi hủy lại.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã có quy định cấp giám đốc thẩm được quyền sửa án, thay vì chỉ được quyền hủy án để cấp dưới xét xử lại như trước đây.

Thực tế có rất nhiều trường hợp bản án đã thi hành xong, tài sản đã được chia và sang tên đổi chủ qua nhiều người nhưng sau đó quyết định giám đốc thẩm lại hủy án, chuyển hồ sơ về tòa sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.

Khi tòa sơ thẩm thụ lý lại, vì nhiều lý do như đương sự không đến hay rút đơn khởi kiện nên tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khiến đương sự khiếu kiện kéo dài...

Nhiều chuyên gia nhận định đó là tình trạng bất cập mà pháp luật chưa quy định hết.

Riêng trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND tối cao, nguyên chánh án Tòa án quân sự trung ương) cho rằng thực trạng nêu trên là do cách áp dụng việc giám đốc thẩm một cách máy móc, tràn lan mà không cần biết vụ án đã được thi hành án như thế nào.

Tòa cũng vi phạm, sao không chế tài?

Luật sư Phan Thị Hương Thủy cho biết: luật quy định thời hạn chặt chẽ như người dân được quyền kháng cáo trong bao nhiêu ngày, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong bao nhiêu ngày.

Nếu quá hạn mà người dân không thực hiện thì sẽ mất quyền của mình. Tuy nhiên, tình trạng tòa án vi phạm thời hạn xét xử lại không có bất cứ chế tài nào.

Theo bà, việc án kéo dài đã gây thiệt thòi cho người dân. Có người khởi kiện đòi tài sản, biết mình không thắng kiện được nên cố tình kéo dài vụ án chờ bị đơn chết vì biết bị đơn không có người thừa kế.

Có những người đến chết vẫn chưa đòi được quyền lợi cho mình. Nhiều quy định bất cập trong tố tụng dân sự đã khiến vụ án bị kéo dài.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên