18/07/2016 15:00 GMT+7

Lơ lửng “án dây thun”

PHƯƠNG ANH
PHƯƠNG ANH

TTO - Nhiều vụ án đã bị cơ quan tố tụng tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can rồi... để đó, dẫn đến việc vụ án bị kéo dài, thân phận pháp lý của bị can treo lơ lửng, không được định đoạt...

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Theo các chuyên gia pháp luật, quy định hiện hành về tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng “án dây thun” khá phổ biến.

Khi nào thì tạm đình chỉ?

Theo luật sư Đinh Văn Quế - nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao, cơ quan điều tra có thể tạm dừng việc tiến hành điều tra đối với cả vụ án hoặc từng bị can trong một thời gian nào đó.

Cụ thể, khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của hội đồng giám định pháp y có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết hạn điều tra.

Trong trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì chỉ tạm đình chỉ điều tra khi đã hết thời hạn điều tra. Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra đối với bị can bỏ trốn.

Tiếp đó, nếu đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra thì tạm đình chỉ điều tra và việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành đến khi có kết quả.

Theo ông Quế, có nhiều vụ án cơ quan tiến hành tố tụng tạm đình chỉ vô thời hạn với những lý do mà pháp luật không có quy định như: chờ giám định tài chính, kỹ thuật, phương tiện giao thông...

Trong khi đó những giám định này thuộc hoạt động thu thập chứng cứ mà ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can cơ quan điều tra đã phải tiến hành.

Nếu những vấn đề trên chưa thực hiện mà viện kiểm sát hoặc tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì trong thời hạn 1 tháng, cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành thu thập mà không được tạm đình chỉ để “chờ giám định”.

Không có “điểm dừng”

Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đều không quy định về thời hạn tạm đình chỉ điều tra. Do chưa có “điểm dừng” nên nhiều vụ án bị “treo” từ năm này qua năm khác.

Đây là điều bất cập để cơ quan điều tra trong một số trường hợp kéo dài thời gian xử lý vụ án, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người đang mang thân phận bị can, đặc biệt là bị can được tại ngoại.

Luật sư Trương Xuân Tám cũng cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự chỉ quy định chung chung “khi nào lý do để tạm đình chỉ điều tra không còn nữa thì phải quyết định phục hồi điều tra hoặc đình chỉ điều tra, khẳng định bị can bị oan, sai hoặc không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” mà không đưa ra thời gian cụ thể.

Một số vụ án ngoài các căn cứ quy định tại điều 160 và 169 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra, viện kiểm sát vẫn tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can rồi “treo án”, không phục hồi điều tra mà cũng không đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.

“Nhiều vụ án cơ quan điều tra, viện kiểm sát thấy thiếu căn cứ buộc tội bị can nên “ngâm án” bằng cách tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ bị can” - luật sư Tám nói.

Bị tước một số quyền công dân

Hậu quả rõ nhất khi vướng vào những vụ án “ngâm” là bị can bị tước một số quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do đi lại.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công, điều 91 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú được áp dụng đối với bị can nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án.

Trong trường hợp bị can, bị cáo có lý do chính đáng phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương và phải có giấy phép của cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Ngoài ra, điều 123 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định tương tự nhưng có thêm thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của luật.

Như vậy khi vụ án được tạm đình chỉ điều tra, biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú áp dụng với bị can vẫn không bị chấm dứt.

Trong khi một vụ án được tạm đình chỉ điều tra với thời gian tới vài năm sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, công việc của bị can đang được tại ngoại. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã phải tán gia bại sản bởi liên quan đến các vụ án “dây thun”.

Phải quy định thời hạn cụ thể

Theo luật sư Đinh Văn Quế, đã đến lúc Bộ luật tố tụng hình sự cần quy định thời hạn tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ điều tra và hậu quả pháp lý của nó.

Nếu lý do tạm đình chỉ không còn thì trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng phải phục hồi điều tra hoặc phải đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra. Trong thời gian tạm đình chỉ thì bị can, bị cáo được trả lại toàn bộ các quyền công dân như trước khi họ bị khởi tố.

Đồng quan điểm trên, luật sư Công cho rằng luật đã quy định các cơ quan tố tụng có thể xác định bị can không phạm tội để đình chỉ điều tra hay tòa án có thể tuyên bị cáo không phạm tội khi không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Đây là quy định rất rõ ràng và mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của một con người khi vướng vào vòng lao lý nhưng bị oan ức, hoặc có thể vì lý do nào đó mà quá trình điều tra không thể chứng minh được tội phạm.

Còn theo luật sư Tám, các nhà làm luật cần sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về thời hạn tạm đình chỉ điều tra trong một số trường hợp cụ thể để có thể tránh tình trạng tạm đình chỉ kéo dài đến nhiều năm; cũng có thể quy định thêm về số lần tạm đình chỉ điều tra và gia hạn tạm đình chỉ điều tra.

Như vậy mới đảm bảo tốt hơn các quyền của bị can và việc tạm đình chỉ điều tra được rõ ràng, đảm bảo cơ quan điều tra không chây ỳ gây bất lợi và thiệt hại cho người bị điều tra.

Do chưa có quy định về thời hạn tạm đình chỉ điều tra nên không thể xác định lỗi cũng như biện pháp xử lý, chế tài điều tra viên, kiểm sát viên khi để xảy ra “án dây thun”.

Vì thế, vai trò của viện kiểm sát rất quan trọng trong việc kiểm sát, nhắc nhở, đôn đốc cơ quan điều tra giải quyết vụ án đang tạm đình chỉ điều tra theo đúng quy định pháp luật.

Luật sư Trương Xuân Tám (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu)

PHƯƠNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên