Ngày 1-8, có mặt tại khu vực mỏ đá ở rừng núi thuộc thôn Cẩm Sơn (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, Phú Yên), chúng tôi thấy các dấu vết máy móc đào xới đất đá còn mới tinh, làm thay đổi hiện trạng trên một khu vực rộng lớn.
Dấu hiệu mới đào bới đất, chẻ đá ở mỏ đá
Những dấu vết để lại hiện trường cho thấy lớp đất thực bì được cào bóc chưa lâu, dấu bánh xích xe ủi, xe múc còn hằn trên mặt đất, nhiều khối đá lớn, nhỏ được chẻ bỏ lại ngổn ngang, những hố sâu ngập nước...
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 2-8, ông Nguyễn Ngọc Tường - phó chủ tịch UBND huyện Phú Hòa - cho hay từ phản ánh của dư luận, ngày 25-7 đoàn công tác của huyện đã đến mỏ đá kiểm tra, lập biên bản ghi nhận hiện trường và yêu cầu doanh nghiệp quản lý tạm dừng việc tác động đến khu vực này để chờ kiểm tra, xử lý.
Khi đoàn kiểm tra đến nơi, hoạt động khai thác không còn, nhưng dấu vết để lại cho thấy có sự tác động mới vào đất, đá, địa hình.
Theo biên bản của đoàn kiểm tra, doanh nghiệp quản lý mỏ đá là Công ty CP I.D.P (Phú Yên). Hiện trạng khu vực 1 là mỏ đá với diện tích 1,07ha, khu vực 2 (2,27ha) là bãi đá và san lấp mặt bằng.
Liên quan đến vụ việc, từ chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên, ngày 31-7, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên cũng lập đoàn khảo sát, kiểm tra thực địa mỏ đá Kim Sơn của Công ty CP I.D.P và mỏ đá ốp lát của Công ty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên.
Chỉ nạo vét hố bùn, san gạt đường đi?
Báo cáo của Công ty CP I.D.P ngày 1-8-2023 gởi các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên cho hay năm 2001, Bộ Công nghiệp cấp giấy phép khai thác khoáng sản mỏ đá ốp lát xã An Thọ (huyện Tuy An) cho Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu công nghiệp Phú Yên (sau này được cổ phần hóa thành Công ty CP I.D.P).
Giấy phép này cho doanh nghiệp được khai thác mỏ đá với diện tích 11,23ha, trữ lượng khai thác 100.000m3, sản lượng khai thác 4.000m3/năm, thời gian 25 năm kể từ ngày cấp phép.
Dù tên trên giấy phép cấp ghi mỏ đá ở xã An Thọ, nhưng các biên bản kiểm tra thực địa, xác định vị trí cắm mốc, bàn giao mốc bản đồ khu đất lại trùng với tọa độ của mỏ đá Kim Sơn hiện nay (ở thôn Cẩm Sơn, xã Hòa Quang Bắc), nằm liền kề mỏ đá của Công ty Vật liệu xây dựng Phú Yên.
Sau khi được cấp phép, doanh nghiệp nêu trên tổ chức khai thác khoáng sản tại mỏ Kim Sơn. Đến năm 2014, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phát hiện việc khai thác không đúng địa danh trong giấy phép (sai tọa độ).
Ngày 17-12-2014, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên ra văn bản tạm dừng hoạt động khai thác mỏ đá Kim Sơn và yêu cầu doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh tọa độ, diện tích khu vực khai thác gởi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo báo cáo ngày 1-8 của Công ty CP I.D.P, từ khi Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên ra văn bản tạm dừng khai thác mỏ đá (ngày 17-12-2014) đến nay, doanh nghiệp này tuân thủ, không khai thác nữa, tập trung hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh địa danh, diện tích khai thác theo yêu cầu.
Giải thích về việc tác động vào địa chất ở khu vực mỏ đá, báo cáo của doanh nghiệp này nói hằng năm, trước khi vào mùa mưa (đầu tháng 7), công ty cho sửa lại đường để người dân chuyên chở lâm sản, nông sản và đơn vị quân đội đóng liền kề khu mỏ; nạo vét các hố cho bùn đất lắng đọng vào mùa mưa, tránh ô nhiễm nguồn nước…
Địa điểm mốc tọa độ trong giấy phép nằm cách mỏ đá 150m
Chiều 2-8, ông Đặng Ngọc Anh - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên - cho biết theo các mốc tọa độ mà Bộ Công nghiệp cấp phép cho Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu công nghiệp Phú Yên trước đây nay thuộc xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) có thể do thay đổi địa giới hành chính.
Nhưng vị trí mỏ đá từng được Công ty CP I.D.P khai thác lại cách vị trí có tọa độ cấp phép khoảng 150m, nằm hoàn toàn ở đất xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa).
"Hiện UBND huyện Phú Hòa đang xử lý vụ việc này theo thẩm quyền" - ông Anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận