![]() |
ĐB Võ Quốc Thắng (Long An): "Quốc hội giám sát nhưng không có cơ quan kiểm toán nên chẳng biết được phần chìm của tảng băng" - Ảnh: N.C.T. |
92,13% không tán thành cơ quan kiểm toán thuộc Chính phủ
Đoàn thư ký kỳ họp đã công bố kết quả phiếu xin ý kiến ĐB QH (phát ra hôm 12-11). Theo đó, có 363 phiếu trong tổng số 394 phiếu của ĐB QH chuyển tới đoàn thư ký ủng hộ phương án kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn của QH, do QH lập (chiếm 92,13%). Trong khi đó tờ trình của Chính phủ và dự thảo luật này nghiêng về phương án cơ quan kiểm toán thuộc Chính phủ.
Làm rõ thêm kết quả trên, ĐB Nguyễn Thị Kim Thoa (Bình Dương) cho biết thực hiện Luật ngân sách nhà nước, hai năm qua QH đã tiến hành phê chuẩn tổng dự toán ngân sách cho năm sau, cũng như phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách của năm trước. Nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ này, phần lớn ĐB thấy QH còn thiếu một công cụ - một cơ quan kiểm toán của QH.
Cử tri phàn nàn việc chi tiêu mua xe công cho cán bộ ở các mức độ khác nhau vượt quá tiêu chuẩn, nhưng bộ trưởng Bộ Tài chính nói “chỉ biết đề nghị Chính phủ chứ không xử lý được”, “tôi tin là nếu có cơ quan kiểm toán thuộc QH sẽ xuất toán được những khoản chi không đúng và đó cũng là mong mỏi của cử tri” - bà Kim Thoa bổ sung.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế & ngân sách Tào Hữu Phùng đưa ra bảy lý do để chứng minh cơ quan kiểm toán “nên do QH lập”. Đó là: kiểm toán là công cụ hữu hiệu để QH, HĐND các cấp thực hiện kiểm tra, giám sát chi tiêu ngân sách nhà nước, tránh hình thức; là công cụ giám sát kinh tế - tài chính, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất, giúp ngăn ngừa tham nhũng trong bộ máy nhà nước; là nơi kiểm tra tính đúng đắn của các con số trong báo cáo về tài chính, ngân sách, vì vậy do QH lập sẽ đủ thông tin và đáng tin cậy hơn; tăng cường hoạt động kiểm toán cũng chính là để ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các công trình quan trọng quốc gia mà QH đã, đang và sẽ thông qua; là cơ quan chuyên môn do QH lập, không phải một ủy ban của QH và có thể phục vụ cả QH lẫn Chính phủ, vì vậy không trái hiến pháp, pháp luật.
Từ những phân tích trên, nhiều ĐB đề nghị trước khi đi vào thảo luận các nội dung của dự luật, QH cần tiến hành biểu quyết để định rõ địa vị pháp lý của cơ quan kiểm toán nhà nước. Nếu xác định cơ quan này do QH lập, “sẽ phải sửa lại toàn bộ dự thảo theo hướng này” - ông Tào Hữu Phùng cho biết.
Kiểm toán để làm gì, quyền hạn tới đâu?
ĐB Nguyễn Thị Kim Thoa kiến nghị “để khỏi cồng kềnh, chồng chéo”, cơ quan kiểm toán của nước ta nên chỉ có một và đặt tại QH. Đương nhiên theo đó, “tổng kiểm toán do QH phê chuẩn nhân sự, các phó tổng kiểm toán do tổng kiểm toán đề nghị và QH phê chuẩn”.
Để đề cao tính minh bạch, độc lập, khách quan, nhiều nước có xu hướng “tách kiểm toán ra khỏi hệ thống cơ quan quyền lực” - nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Dương Thu Hương cho biết. ĐB Trần Thế Vượng băn khoăn: “Nguyên tắc hoạt động của kiểm toán được xác định là tập trung thống nhất, vậy cơ quan này sẽ giúp HĐND các địa phương ra sao? Và đã hoạt động độc lập thì giúp là giúp như thế nào?”. Cho nên ông đề nghị: nên khu biệt phạm vi kiểm toán ở mức giám sát thực thi ngân sách nhà nước ở cấp trung ương; và đã “hoạt động độc lập” thì nói là “có nhiệm vụ giúp việc” sẽ không ổn. “Còn nhiều vấn đề lấn cấn, chưa rõ ràng - ông than phiền - chẳng hạn kiểm toán để làm gì? Để giúp chính phủ điều hành, quản lý ngân sách hay để QH giám sát sử dụng ngân sách?...”. Theo ông, cái chính là vậy chứ không phải là “ai lập ra cơ quan kiểm toán”.
Cuối buổi thảo luận chiều, Phó chủ tịch QH Trương Quang Được điều khiển phiên biểu quyết hai nội dung “địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước và thẩm quyền bổ nhiệm tổng kiểm toán nhà nước” để tiếp tục định hướng soạn thảo.
Ở nội dung thứ nhất, 68,69% ĐB đã thuận theo phương án “Kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn do QH lập và hoạt động độc lập theo pháp luật” (phương án hai: là cơ quan của Chính phủ - cơ quan ngang bộ).
Ở nội dung thứ hai, 69,7% ĐB đồng ý thẩm quyền bổ nhiệm tổng kiểm toán nhà nước là do QH (phương án hai: là thành viên Chính phủ, do Thủ tướng trình QH phê chuẩn).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận