Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 12-8, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kiểm toán nhà nước (KTNN). Dự luật cho phép KTNN trong quá trình kiểm toán có quyền truy cập dữ liệu của đơn vị chịu sự kiểm toán.
"Tôi băn khoăn về quyền của KTNN được truy cập phần mềm quản lý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Cần lưu ý vấn đề này, xem kinh nghiệm quốc tế như thế nào, bởi truy cập vào phần mềm của người ta có thể phạm đến bí mật đời tư, bí mật doanh nghiệp" - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng nếu truy cập vào các trang thông tin điện tử công khai như các trang của Chính phủ, Quốc hội thì mọi người có quyền truy cập chứ không riêng gì KTNN, tuy nhiên truy cập vào các phần mềm quản lý nội bộ lại là vấn đề cần quy định rõ.
"Trong trường hợp phát hiện có sai phạm như trốn thuế chẳng hạn, KTNN có quyền truy cập vào phần mềm nội bộ của họ, nhưng quyền truy cập đến đâu và thời điểm nào, chứ không phải có quyền truy cập thường xuyên làm ảnh hưởng đến nhân quyền, quyền công dân của họ" - ông Hiển nói.
Vì vậy, ông đề nghị "quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định truy cập dữ liệu và chỉ được truy cập trong các trường hợp liên quan đến nội dung vụ việc đang được kiểm toán".
Cũng quan tâm vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị quy định rõ KTNN có quyền truy cập nhưng phải đảm bảo đảm danh dự, nhân phẩm, bí mật kinh doanh… của cá nhân, tổ chức chịu sự kiểm toán.
Nguyên tắc "báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý bắt buộc phải thực hiện" vẫn được kế thừa trong dự luật sửa đổi lần này. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, dự luật bổ sung quy định trường hợp đơn vị được kiểm toán, cá nhân, tổ chức có liên quan không đồng ý với kết luận, kiến nghị của KTNN có quyền khởi kiện ra tòa.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, bổ sung điều, khoản cụ thể vào Luật KTNN để sửa đổi các điều, khoản liên quan của Luật khiếu nại, Luật tố tụng hành chính quy định rõ căn cứ, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, khởi kiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận