07/06/2019 18:34 GMT+7

Kiểm toán Nhà nước có quyền xử lý tham nhũng không?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Nhiều đại biểu đặt vấn đề cần xem xét thận trọng khi tăng quyền cho Kiểm toán Nhà nước trong xử lý tham nhũng, xử phạt hành chính, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giám định tư pháp… vì có thể sẽ xung đột với quy định pháp luật hiện hành.

Kiểm toán Nhà nước có quyền xử lý tham nhũng không? - Ảnh 1.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng cơ quan kiểm toán có đủ năng lực thực hiện giám định - Ảnh: QH

Chiều 7-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật kiểm toán sửa đổi.

Đại biểu Lưu Đức Long (tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị kiểm toán cần đánh giá tác động trong việc liệu có tăng thêm biên chế, tăng thêm nguồn lực cho kiểm toán khi triển khai luật hay không. 

Việc trao quyền cho kiểm toán trong giám định tư pháp cần hết sức cân nhắc vì Kiểm toán Nhà nước không phải là đơn vị giám định, không phải là cơ quan chuyên môn kỹ thuật nên sẽ xung đột với Luật giám định tư pháp.

Đồng thời, ông Long đề nghị có quy định cụ thể hơn về việc liệu tổng Kiểm toán Nhà nước có quyền xử lý tham nhũng trong kiểm toán hay không. 

Theo đó, cần làm rõ và cân nhắc kỹ nội hàm quản lý, phân bố chức năng của kiểm toán theo hướng tạo dựng cơ chế chính sách, tập trung nguồn lực, trách nhiệm của kiểm toán là kịp thời phát hiện những bất cập trong quản lý để bổ sung quy định có tính khả thi cao.

Tuy nhiên, dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Quang Vũ (tỉnh Quảng Nam) cho biết trong thời gian vừa qua có nhiều vụ án kinh tế tham nhũng kéo dài, mà nguyên nhân do giám định tư pháp. 

Khi giám định lĩnh vực tài chính, kinh tế thì chủ yếu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện, nhưng thực tiễn hai cơ quan này giám định số lượng công việc phức tạp.

Do đó, bổ sung một cơ quan Kiểm toán Nhà nước để giám định là cần thiết, đưa vào sửa đổi luật và không mâu thuẫn về thẩm quyền. Song ông Vũ đề nghị không chỉ giám định tư pháp tài chính công, tài sản công mà còn thực hiện giám định về thuế, không giới hạn vụ án tham nhũng, mà là các vụ án kinh tế nói chung.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lại cho rằng cần sửa đổi luật theo hướng tăng thẩm quyền cho kiểm toán trong kiểm tra, kiểm soát và quản lý ngân sách, tài sản công, có ý nghĩa lớn phòng ngừa tham nhũng và sai phạm. 

Tuy nhiên, cần công khai báo cáo kiểm toán trên cơ sở quy định rõ, cụ thể hình thức, thời gian công khai, do hiện nay chỉ có những đơn vị liên quan mới được tiếp cận kết quả kiểm toán.

Cần công khai kết quả, thông tin kiểm toán, đồng thời những đơn vị được kiểm toán mà không đồng tình kết luận và phát hiện vi phạm thì có quyền khiếu nại. Theo đó, tổng kiểm toán cần phải thành lập hội đồng để xem xét lại, mở rộng thành viên với không quá 50% người của kiểm toán và trên 50% người bên ngoài để đảm bảo kết quả khách quan. 

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng hệ thống pháp luật về kiểm toán chưa vững chắc, mà gốc rễ là mô hình hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Cụ thể, kiểm toán là do Quốc hội thành lập nhưng lại chịu chi phối của Chính phủ.

"Vướng mắc là chưa có quy định theo đến cùng bảo vệ quyền khiếu nại, tố cáo của người nộp thuế; kết luận kiểm toán không giống như bản án, nhưng lại được hiểu là có hiệu lực bắt buộc mà không có cơ chế bắt buộc kiểm soát; tổng kiểm toán không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên khó giải quyết khiếu nại, tố cáo" - ông Vân nêu vấn đề.

Do đó, đại biểu này đề nghị bổ sung chương về tố tụng kiểm toán ở cấp khiếu nại tố cáo ban đầu; quyền khiếu nại tổng Kiểm toán Nhà nước và cuối cùng là hội đồng kiểm toán.

Giải trình các vấn đề được nêu, ông Hồ Đức Phớc (tổng Kiểm toán Nhà nước) cho biết với quyền khiếu nại của Kiểm toán Nhà nước, luật cho phép nên đề nghị các đơn vị có liên quan được quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán nhà nước. Các đối tượng kiểm toán và liên quan có quyền khởi kiện báo cáo kiểm toán ra tòa.

Bổ sung quy định thực hiện phòng chống tham nhũng như xác minh thông tin, ông Phớc cho rằng theo quy định là nếu phát hiện dấu hiệu vụ việc thì kiểm toán xác minh và kiểm toán. Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ về trình tự, thủ tục xác minh, kiểm toán nên việc đưa ra quy định này để tránh trường hợp kiểm toán viên lợi dụng.

Với vấn đề thành lập cơ quan giám định tư pháp, ông Phớc nói xuất phát từ thực tiễn là các cơ quan điều tra liên tục đề nghị Kiểm toán Nhà nước giám định tư pháp. 

Nhưng đối chiếu vào Luật giám định tư pháp thì kiểm toán không có quyền này, trong khi kiểm toán là cơ quan có trình độ, chuyên môn cao trong giám định, nên ông khẳng định cơ quan kiểm toán có thể thực hiện được.

Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm toán giá điện, chủ tịch EVN đồng tình Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm toán giá điện, chủ tịch EVN đồng tình

TTO - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho biết ông rất đồng tình với đề nghị nêu trên.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên