03/09/2024 10:51 GMT+7

Kiếm tiền mà không dám xài, rồi tiêu tiền tiết kiệm ở… bệnh viện

Nhiều người trẻ có tâm lý khi còn trẻ thì cố cày cuốc kiếm tiền rồi ra sức tiết kiệm, đến mức không dám ăn mặc, tiêu xài, thậm chí có bệnh không khám sớm. Đến lúc sức khỏe suy giảm lại đem tiền tiết kiệm đưa… bác sĩ.

Người trẻ lo làm, không dám tiêu xài rồi đem tiền tiết kiệm đưa… bác sĩ - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ chăm chú kiếm tiền và tiêu dùng tiết kiệm tối đa - Ảnh minh họa: YÊN CHÂU

Gần đây, mạng xã hội rộ lên trào lưu hài hước "5 năm làm việc ở TP.HCM, tôi đã đi những nơi đâu?". Thay vì "flex" (khoe) được tới những địa điểm du lịch thì những bạn trẻ này lại cho biết mình tới… một, thậm chí 2 - 3 bệnh viện để điều trị bệnh.

Không ít ý kiến cho rằng người trẻ nên tiết kiệm chứ đừng hà tiện, nhất là những ai có thu nhập khá trở lên. Đồng thời đừng chỉ đi làm rồi tiết kiệm, mà nên học hỏi, trau dồi phát triển bản thân, hoặc tham gia kinh doanh, đầu tư theo khả năng và sự hiểu biết.

Xài tiền tiết kiệm trong... bệnh viện

Là người trẻ thuộc gen Z, Lê Khả Ái (ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) tự nhận mình là người nghiện công việc và khát khao có thu nhập cao. Do đó ngoài công việc chính là marketing một công ty mỹ phẩm, Ái còn nhận thêm việc bên ngoài là làm truyền thông cho doanh nghiệp khác.

"Làm ở công ty rồi về nhà tiếp tục ôm laptop cày, thời gian rảnh của tôi ít lắm. Cũng ít khi tôi đi chơi vì lúc nào cũng thấy mệt, chỉ muốn ngủ", Ái nói. Việc nhiều, áp lực triền miên, thường xuyên thức đêm và bỏ bữa khiến cô luôn trong tình trạng mệt mỏi.

Không chỉ vậy, cô gái 26 tuổi này cũng thuộc dạng tiết kiệm quá mức, khi hầu như chỉ chi cho những thứ thật sự cần thiết, đồ vật dùng đến hư hoặc quá cũ mới vứt đi.

Nhờ vậy Ái có một số tiền tiết kiệm kha khá so với tuổi của mình. Cô hài lòng với điều đó, dù bạn bè xung quanh luôn cho rằng sao phải chọn sống kham khổ như thế trong khi thu nhập tốt.

Ái tâm sự mình hạnh phúc mỗi lần nhìn tài khoản "ting ting" màu xanh biến động số dư. Tuy vậy, tự nhận mình không giỏi về tài chính, đầu tư nên tất cả tiền của cô chỉ đơn thuần nằm trong tài khoản để tiết kiệm, không làm gì khác hơn.

Rồi một ngày, số tiền tiết kiệm ấy có dịp xài, song theo cách chẳng ai muốn. Năm ngoái, sau bao nhiêu triệu chứng cho thấy sức khỏe có vấn đề báo động mà không lướt qua được như mọi khi, Ái đến bệnh viện kiểm tra thì mới thấy đống bệnh.

Ban đầu chỉ là mất ngủ và đau dạ dày lâu năm, uống thuốc chưa đỡ lại tới viêm mi mắt, viêm phế quản, xương khớp đau nhức. Chưa kể, cô còn bị cảnh báo nguy cơ đột quỵ do thường xuyên tắm đêm rồi mở điều hòa quá lạnh. Nửa năm trước, cô còn phát hiện vi khuẩn HP trong dạ dày. Bệnh nặng buộc Ái phải giảm tải công việc, ăn ngủ đúng bữa, đúng giờ.

"Ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Giờ đem tiền đưa bác sĩ mà bệnh còn trị hoài không hết", Ái ngậm ngùi chia sẻ.

Kiếm tiền mà không dám xài, rồi tiêu tiền tiết kiệm ở… bệnh viện - Ảnh 3.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tiết kiệm, đừng hà tiện

Theo anh Hoàng Vinh (29 tuổi, một người cũng đang theo đuổi lối sống tiết kiệm và tối giản), tiết kiệm là đúng nhưng nếu đến mức hà tiện, sống chỉ biết làm việc mà ăn uống khổ cực, không dám cho mình thoải mái một chút thì có khi lại rước bệnh vào người. Từ đó, tiền dành dụm được cũng chỉ để mua giường ở bệnh viện mà thôi.

"Chúng ta nên nhận ra thời đại này, tiết kiệm tiền không hẳn đã đúng. Hãy nhìn dịch COVID-19, những ngân hàng tai tiếng và sự bất lực trước lừa đảo qua mạng. Hãy tiết kiệm thời gian, tiền nên có một khoản vừa đủ. Ở thành phố lớn thì 100 triệu đã ổn.

Tiền dư ra hãy tái đầu tư và cả thời gian cho bản thân như sức khỏe, kiến thức, ngoại ngữ…", anh nói. Anh cho rằng sự tái đầu tư cho bản thân một cách hiệu quả mới là chân lý. "Tiền có nhiều thì khi nhắm mắt cũng không mang theo được, bị lừa thì coi như xui. Sức khỏe, kiến thức tụt lại thì trước sau cũng hết tiền".

Đồng quan điểm, anh Nhân (30 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) nhận định mỗi người ai cũng chỉ sống mấy mươi năm, vậy nên sống sao cho bản thân được vui vẻ, biết chia sẻ giúp đỡ người yếu thế... Anh chia sẻ nếu thật sự kiếm tiền quá ít thì tiết kiệm là điều tất yếu. Nhưng nếu kiếm được tiền mà lại chi tiêu quá ít thì đó gọi là ky bo, keo kiệt, đối xử bất công với chính mình.

"Những người không biết thương mình thì cũng chẳng có tấm lòng rộng mở với người khác. Người có tư duy này sống rất khổ, nhưng bản thân họ hoàn toàn không nhận ra điều đó", anh nói.

Nhận định về trường hợp của Khả Ái, chị Nguyễn Ngọc Trân (nhân viên ngân hàng ở quận 7) cho hay nếu làm việc mà chỉ lo tiết kiệm, ăn uống khổ cực, không mua được những món đồ mình thích thì sau này có tiền nhiều cũng chỉ để đóng cho bệnh viện mà thôi.

Theo chị Trân, đây thực chất là trả cho cái nợ mà mình chưa vay, chính là sức khỏe. "Rồi tuổi già nghĩ lại nhiều thứ mình muốn nhưng vì hà tiện nên đã không sở hữu, hối tiếc đã muộn.

Hơn nữa, nếu ai cũng tiết kiệm quá mức thì sức mua, tiêu dùng đi xuống, nền kinh tế - xã hội sẽ đi về đâu. Quan trọng nhất là cân đối phù hợp chứ đừng tiết kiệm cho đã rồi để người khác xài", chị cho hay.

Người trẻ lo làm, không dám tiêu xài rồi đem tiền tiết kiệm đưa… bác sĩ - Ảnh 3.Người trẻ xài tiền - Kỳ cuối: Người trẻ nên tiêu dùng thông minh, đầu tư vừa sức

TTO - Chi tiêu trong khả năng, quản lý tài chính hợp lý, tạo nguồn thu từ các kênh đầu tư vừa sức chính là chìa khóa để các bạn trẻ mở cánh cửa tương lai. Đó là nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên