26/05/2017 16:45 GMT+7

​Kiểm soát tốt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người lớn

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một dạng bệnh lý hô hấp mạn tính do sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không có khả năng hồi phục hoàn toàn.

Bệnh thường xảy ra ở người lớn trên 40 tuổi và càng lớn tỷ lệ bệnh càng tăng do đó bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh hay gặp ở người cao tuổi.

Nguyên nhân

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi đối với các hạt bụi và khí độc hại, do đó nguyên nhân có thể kể đến: hút thuốc lá: bao gồm hút thuốc điếu, thuốc lào, thuốc tẩu, xì gà…, đặc biệt những người hút thuốc thụ động cũng vẫn có khả năng bị bệnh. 15-20% những người hút thuốc lá sẽ tiến triển đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 85-90% những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do hút thuốc lá. Số lượng hút mỗi ngày càng nhiều, thời gian hút càng dài thì nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính càng cao.

Ô nhiễm môi trường do các loại khói như khói bếp than, bếp củi, bếp rơm rạ, bụi công nghiệp, khói bụi từ phương tiện giao thông…; tiếp xúc lâu dài với các hóa chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật…; yếu tố thể tạng: giảm men 1- antitrypsin, tăng tính phản ứng đường thở cũng là những nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Triệu chứng

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi. Người bệnh đến khám vì các lý do bao gồm: ho: thường ho dai dẳng hoặc gián đoạn từng đợt. Ho kéo dài trên 3 tháng/năm và trên 2 năm liên tiếp.

Bệnh nhân có thể ho khan hoặc ho có đàm, lúc đầu thường ho về buổi sáng về sau ho cả ngày; khạc đàm: lúc đầu lượng đàm ít, trong. Ho đàm mủ là dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm; khó thở: tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, tiếp đến khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục, bệnh nhân có cảm giác thiếu khí để thở, thở hổn hển, thở khò khè.

Để phát hiện bệnh sớm, trước hết cần phải lưu ý những người có nguy cơ mắc bệnh: đó là những người nghiện thuốc lá, những người sống hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm khói, bụi, hóa chất…

Những người này nếu có các triệu chứng: ho kéo dài, khạc đàm kéo dài, khó thở tăng dần thì nên đến khám ở cơ sở y tế có điều kiện đo chức năng hô hấp bằng máy phế dung ký. Khi đo chức năng hô hấp bác sĩ sẽ đánh giá 3 chỉ số: thể tích khí thở ra tối đa trong giây đầu tiên: FEV1. Dung tích sống gắng sức: FVC. Chỉ số Gaensler: FEV1/FVC

Nếu chỉ số Gaensler < 70% sau nghiệm pháp hồi phục phế quản là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Chỉ số FEV1 dùng để đánh giá mức độ nặng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể lầm lẫn với các bệnh phổi mạn tính khác như lao phổi, dãn phế quản đặc biệt là hen phế quản. Do đó, để phân biệt, chúng ta phải hỏi kỹ tiền sử, khám bệnh toàn diện, làm các cận lâm sàng như xét nghiệm đàm, chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp để chẩn đoán chính xác từng loại bệnh.

Điều trị

Nếu được điều trị đúng phương pháp, toàn diện, bệnh nhân tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc, thì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể tạm ổn định, chức năng phổi được bảo tồn, người bệnh có thể sống và làm việc bình thường, tuy nhiên phải tránh gắng sức quá mức.

Những bệnh nhân điều trị không đúng phác đồ, vẫn tiếp tục hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, không dự phòng đầy đủ thì sẽ thường xuyên tái phát đợt cấp, chức năng phổi giảm dần, xuất hiện biến chứng như suy hô hấp mạn, tâm phế mạn, suy mòn, giảm chất lượng cuộc sống.

Để kiểm soát tốt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi đã được chẩn đoán, ngoài các biện pháp điều trị chung như cai thuốc lá, cải thiện môi trường sống, vệ sinh mũi họng, tiêm vắc xin cúm và phế cầu, vận động trị liệu hô hấp… thì chương trình GOLD (Chương trình hành động toàn cầu phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) khuyến cáo bệnh nhân phải được khám và đo chức năng hô hấp.

Trên cơ sở đó bệnh nhân được phân loại thành 4 nhóm: nhóm A: nguy cơ thấp, ít triệu chứng; nhóm B: nguy cơ thấp, nhiều triệu chứng; nhóm C: nguy cơ cao, ít triệu chứng; nhóm D: nguy cơ cao, nhiều triệu chứng. Dựa vào phân loại này bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Do đó, nếu bạn nghiện thuốc lá nhất thiết phải cai thuốc lá thì điều trị mới có hiệu quả. Nên chích ngừa cúm 1 năm/lần và ngừa phế cầu 5 năm/lần.

Tích cực tham gia phục hồi chức năng hô hấp vì đây là biện pháp điều trị không dùng thuốc rất hữu hiệu. Vận động vừa sức mình, không gắng sức. Nên mang theo thuốc trong người khi ra khỏi nhà và khi đi xa. Hạn chế đến những nơi quá đông người. Nên giữ số điện thoại của bác sĩ điều trị để tư vấn khi cần. Nên tái khám 1 tháng/ lần dù bạn vẫn thấy khỏe. Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Ăn uống nhiều chất bổ dưỡng, dễ tiêu, tránh táo bón, nhà ở, nơi làm việc phải thoáng khí.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên