29/01/2016 09:05 GMT+7

Kiểm soát tham nhũng để tăng GDP

CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)
CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)

TT - Ngày 27-1, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2015, trong đó Việt Nam có chỉ số 31/100, xếp hạng thứ 112/168 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn khi chống tham nhũng có hiệu quả. Trong ảnh: hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển Cái Cui (TP Cần Thơ) - Ảnh: Chí Quốc
Tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn khi chống tham nhũng có hiệu quả. Trong ảnh: hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển Cái Cui (TP Cần Thơ) - Ảnh: Chí Quốc

Như vậy, Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ về điểm số CPI trong bốn năm liên tiếp (từ năm 2012-2015, chỉ số CPI từ 0 là mức tham nhũng cao nhất và 100 là mức tham nhũng thấp nhất).

Tăng 1 điểm, tăng 0,4% GDP

Thực tế CPI không thay đổi chứng tỏ cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta chưa có chuyển biến tích cực, mức độ tham nhũng vẫn rất cao. Điều này đi liền với việc người dân Việt Nam thiếu tin tưởng vào hiệu quả của các nỗ lực phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Trong bản tham luận trình bày tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng tham nhũng và chi phí không chính thức đang trở thành những vấn đề nhức nhối, “ngáng chân” tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia và các tổ chức tài chính quốc tế, nếu chỉ số CPI tăng 1 điểm, điều này thể hiện rằng chính phủ, quốc gia đó đã ít tham nhũng hơn, tương đương với việc năng lực sản xuất của xã hội có thể tăng thêm khoảng 0,4% GDP. Rõ ràng tham nhũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Nếu tham nhũng ngày càng phát triển sẽ gây tâm lý bất ổn ở người dân và doanh nghiệp, tạo nên suy nghĩ trốn tránh nghĩa vụ đóng góp của mình cho xã hội, cho đất nước. Từ đó dẫn đến việc ngân quỹ nhà nước để tăng lương và xây dựng các chính sách chống tham nhũng cũng giảm theo, trở thành một vòng luẩn quẩn không có lối thoát.

Ngày 10-11-2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã biểu quyết và chính thức thông qua chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%. Chỉ số này được đưa ra dựa vào dự kiến tăng trưởng 6,5% GDP của báo cáo tăng trưởng năm 2015. Để có thêm 0,2% này, chúng ta phải huy động, sử dụng mọi nguồn lực để phục vụ cho tăng trưởng.

Có thể dự báo rằng nếu kiểm soát được tham nhũng ở mức độ nhất định, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện một cách cơ bản. Hiện nay, GDP của Việt Nam ước tính khoảng 200 tỉ USD, nếu chúng ta phấn đấu để tăng thêm 1 điểm trong bảng xếp hạng CPI, đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, thì mỗi năm kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 0,4% GDP, tức là đất nước có thêm 0,8 tỉ USD/năm (khoảng 16.000 tỉ đồng).

Phá bỏ độc quyền, công khai thông tin

Để có những bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tập trung giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Trước hết, cần phá bỏ tình trạng độc quyền trong quyền lực, quyền hạn và trong kinh doanh.

Độc quyền dẫn đến cơ chế xin - cho; cơ chế xin - cho là động lực dẫn đến hối lộ và tham nhũng. Lợi dụng độc quyền, một số người tự cho phép mình đồng nhất bản thân với định chế mà mình được giao nhiệm vụ đại diện, để rồi nhân danh lợi ích của chung mà ra những quyết định có lợi cho một bộ phận, một nhóm lợi ích để từ đó thu lợi cho bản thân.

Kế tiếp, cần luật hóa việc khai thác thông tin. Khi thông tin bị bưng bít nghĩa là chỉ một nhóm thiểu số người được biết và can thiệp vào các chính sách tín dụng, tài chính, ngân hàng, đầu tư các dự án, quá trình định giá cổ phần các doanh nghiệp..., đây là môi trường để tham nhũng càng có điều kiện sinh sôi, nảy nở. Khi ngân sách, kinh phí, thu chi không được công bố chi tiết cho dân chúng thì mua bao nhiêu, bán bao nhiêu, chi bao nhiêu, chẳng ai được biết.

Chính vì thế đã dẫn đến tình trạng hối lộ để biết thông tin. Chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhưng hoạt động của các cơ quan này chưa thật sự hiệu quả và cũng khó lòng hiệu quả khi tình trạng thiếu thông tin xác thực là phổ biến. Không rõ ràng về thông tin cũng ảnh hưởng đến việc đề bạt, cất nhắc cán bộ thiếu công khai, minh bạch, dễ dẫn đến tệ mua quan bán chức.

Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bổ sung thiết chế giám sát hoạt động thực thi quyền lực của cơ quan nhà nước, giúp tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.

“Đã tới lúc cần chấm dứt nạn tham nhũng...”

Theo công bố của TI về CPI năm 2015, Đan Mạch là quốc gia xếp đầu bảng với 91/100 điểm. Đây là năm thứ hai liên tiếp Đan Mạch đứng đầu danh sách CPI. Cùng top 10 với Đan Mạch còn có các nước khác theo thứ tự từ cao xuống thấp là Phần Lan (90 điểm), Thụy Điển (89 điểm), New Zealand (88 điểm), Hà Lan và Na Uy cùng đạt 87 điểm, Thụy Sĩ (86 điểm), Singapore (85 điểm), Canada (83 điểm) và Đức (81 điểm). Somalia và CHDCND Triều Tiên là hai quốc gia chia sẻ vị trí chót bảng với 8 điểm CPI.

Bảng xếp hạng CPI được lập ra trên căn cứ đánh giá của các chuyên gia về cảm nhận tình hình tham nhũng tại các khu vực hành chính công. Theo đó, các chuyên gia sẽ xem xét hàng loạt yếu tố khác nhau như việc các quan chức chính phủ bị xử lý như thế nào khi dính líu tham nhũng; cảm nhận về mức độ phổ biến của tệ nạn hối lộ và việc các cơ quan dịch vụ công đáp ứng ra sao với nhu cầu dân chúng...

TI thống kê toàn thế giới hiện có hơn 6 tỉ người đang sống tại những quốc gia có tình trạng tham nhũng nặng nề. Đó là 114 quốc gia trong tổng số 168 nước có chỉ số CPI thấp hơn 50/100 điểm.

Trang CTVNews dẫn lời người đứng đầu TI, ông Jose Ugaz, nói: “CPI 2015 cho thấy rõ ràng nạn tham nhũng vẫn đang hoành hành khắp nơi trên thế giới. Năm 2015 cũng là năm mọi người lại đổ ra đường biểu tình phản đối tệ nạn này. Người dân trên toàn thế giới đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới những người cầm quyền: đã tới lúc cần chấm dứt nạn tham nhũng nghiêm trọng này”.

D.KIM THOA

CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên