04/05/2012 07:20 GMT+7

Kích tiêu dùng để cứu doanh nghiệp

L.THANH - L.KIÊN
L.THANH - L.KIÊN

TT - “Miễn, giảm thuế chưa đủ để cứu doanh nghiệp (DN)”. TS Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội, chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa VN, nói về gói giải pháp “miễn, giảm, giãn thuế” 25.000 tỉ đồng mà Bộ Tài chính đề xuất.

25.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệpCứu doanh nghiệp, đừng để quá trễChúng tôi đang rơi rụng dần...

IbbZLT9b.jpgPhóng to
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho tăng - Ảnh: Đình Dân

Gói giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.

Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, cũng cho rằng kích thích sản xuất chưa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, mà cần phải miễn giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để kích thích tiêu dùng...

Sớm có “phác đồ điều trị” cho DN

Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng khi mà hàng loạt DN lao đao, chật vật xoay xở để có thể sản xuất, kinh doanh thì đề xuất của Bộ Tài chính (giảm 30% thuế thu nhập DN, gia hạn sáu tháng thuế giá trị gia tăng tháng 4, 5, 6...) là rất đáng quý. Có thể nói đây là thời điểm nhiều khó khăn dồn dập đến với các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, hàng hóa tồn kho, công nhân mất việc... Để cứu DN thoát khỏi khó khăn thì chưa đủ mà phải hỗ trợ.

Ông Kiêm nhấn mạnh tác dụng của gói giải pháp “miễn, giãn, giảm thuế” không có tính chất quyết định, mạnh mẽ trong việc cứu các DN đang nguy cấp. Ví dụ, việc giảm thuế thu nhập DN thì chỉ những DN làm ăn có lãi, có lợi nhuận mới được hưởng, còn số cần kíp phải hỗ trợ là những DN làm ăn không có lãi, không có khả năng đóng thuế và đang lâm vào tình trạng rất khó khăn. Như vậy bên cạnh việc miễn giảm các loại thuế, Nhà nước cần hạ lãi suất cho vay.

Giáo sư Nguyễn Mại cũng chia sẻ để cứu DN thì phải có các giải pháp hỗ trợ tài chính thật sự cho các DN đang gặp khó khăn. Nhưng việc quan trọng nhất cần bắt đúng bệnh và đưa ra “phác đồ điều trị” cho đúng, tức là phải phân loại các DN. Vì mỗi DN có khó khăn khác nhau. DN kinh doanh bất động sản khác với các DN kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu. Nếu bơm vốn cho tất cả các DN bất động sản thì có hỗ trợ được thị trường khi mà chúng ta đang khan vốn? Thế nên chỉ nên bơm vốn đối với các dự án sắp hoàn thành, khả thi để DN bán được hàng, có khả năng trả lãi ngân hàng và Nhà nước cũng thu được thuế.

Miễn giảm thuế TNCN, kích thích tiêu dùng

Theo ông Mại, sản xuất phải đi kèm với tiêu dùng, thế nên giải pháp của Bộ Tài chính đưa ra mới chỉ kích thích sản xuất chứ chưa khuyến khích tiêu dùng. Mà vấn đề vướng mắc, khó khăn của hầu hết DN hiện nay là hàng hóa tồn đọng. Nếu chỉ làm một vế thì e rằng hàng hóa sẽ tồn kho nhiều hơn nếu như người dân vẫn thắt chặt chi tiêu như hiện nay.

“Những người tiêu dùng lớn nhất là tầng lớp có thu nhập trên trung bình, trong đó có những người đang nộp thuế TNCN. Do vậy, để sản xuất phát triển thì Nhà nước không thể không tính đến chuyện kích cầu tiêu dùng, miễn giảm thuế TNCN để thu nhập thực tế của người dân tăng lên. Tỉ lệ giảm là bao nhiêu Chính phủ cần giao cho các bộ nghiên cứu và đề xuất đối với các đối tượng được thụ hưởng chính sách này” - ông Mại đề nghị.

Ông Kiêm cũng có chung kiến nghị là việc miễn, giảm hai loại thuế giá trị gia tăng và thuế TNCN sẽ có tác động trực tiếp vào tăng sức mua, tăng cầu tiêu dùng, để kích thích sản xuất. Có cùng quan điểm, ông Phạm Văn Huyến, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng vào tháng 8-2011, thời điểm chưa có con số lạm phát cả năm 2011 (lên tới 18,3%), Quốc hội cũng đã ra nghị quyết cho miễn thuế TNCN năm tháng cuối năm 2011 đối với những người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng từ tiền công, tiền lương và kinh doanh, theo tờ trình của Chính phủ.

Trong khi đó, ngay những tháng đầu năm 2012, khó khăn của người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương càng bị áp lực hơn do giá cả hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng mạnh. Do vậy, Nhà nước càng cần phải chia sẻ khó khăn với người dân, miễn giảm thuế TNCN như đã từng thực hiện trước đó.

Năm 2009: miễn, giảm, giãn thuế hơn 20.000 tỉ đồng

Để kích cầu tiêu dùng năm 2009, miễn toàn bộ số thuế thu nhập cá nhân từ tháng 1 đến hết tháng 6-2009 đã giãn cho các đối tượng có thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập của cá nhân kinh doanh; từ đầu tư chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chứng khoán); từ bản quyền; nhượng quyền thương mại. Đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, từ bản quyền, nhượng quyền thương mại được miễn cả năm 2009. Bên cạnh đó, giãn 50% thuế giá trị gia tăng đối với hơn 20 nhóm mặt hàng và dịch vụ.

Góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, Quốc hội quyết định giảm 30% thuế thu nhập cho DN nhỏ và vừa của quý 4-2008 và của cả năm 2009. Theo Bộ Tài chính, cả năm 2009, tổng số thuế miễn, giảm, giãn trên 20.000 tỉ đồng. Đặc biệt hỗ trợ 4% lãi suất cho vay đối với các DN sản xuất kinh doanh. Theo tính toán, với 17.000 tỉ đồng kích cầu của Chính phủ, DN được hưởng 420.000 tỉ đồng vốn vay với lãi suất ưu đãi.

L.THANH - L.KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên