19/03/2017 09:00 GMT+7

Kích con bằng mục tiêu khó

ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Chị Hoa (Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: Chị có 2 đứa con trai, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi nhưng hai đứa tính tình khác nhau.

Đứa lớn mỗi lần học bài chị phải luôn khích lệ, động viên, thậm chí thi thoảng còn lì xì vài ngàn để con chăm chỉ học bài. Còn đứa nhỏ thì ngược lại, bé khá mạnh mẽ, tự tin và tự giác rất cao, cũng không thích được khen.

Có lần khi đứa con nhỏ đứng trước một việc khó, chị thử nói với con: “Liệu con có làm được không đấy?”. Không ngờ con trai chị lại làm được dễ dàng.

Kích thích tiêu cực là phương pháp đưa trẻ vào một hoàn cảnh khó khăn, thách thức về mặt vật chất hoặc là chịu đựng sự công kích tạm thời về mặt tinh thần, hoặc cũng có thể áp dụng cả hai, nhằm thức tỉnh ý chí quyết tâm của trẻ để giúp trẻ vượt qua thử thách - thậm chí giới hạn của mình.

Nhưng sử dụng biện pháp kích thích tiêu cực không có nghĩa là sỉ nhục, lăng mạ con mà là cách kích thích vào lòng tự trọng để trẻ ngày càng tiến bộ.

Những khó khăn thử thách trong cuộc sống có thể là "món quà" quý. Nếu con bạn thông minh nhưng không chịu khó học hành thì lúc đó bạn có thể dùng một số lời lẽ để kích thích trẻ.

Đồng thời, khi cha mẹ chạm vào lòng tự tin và dũng cảm mong muốn vượt qua thử thách của con thì cần đồng tâm hiệp lực với con, tránh trường hợp để trẻ gánh chịu áp lực một mình, sẽ nảy sinh tâm lý cô đơn, giận dỗi và trách móc cha mẹ.

Các bậc cha mẹ cần lưu ý phương pháp kích thích tiêu cực khá đặc biệt mang tính nghệ thuật cao. Trong cuộc sống con người cần có áp lực mới có thể trưởng thành nhưng áp lực quá lớn lại dễ gây phản tác dụng.

Tâm lý học gọi là đưa vào trạng thái stress tích cực hay còn gọi là căng thẳng hướng cường. Tức là đưa trẻ vào tình huống căng thẳng vừa sức, trẻ sẽ cố gắng hết mình, chủ động, tích cực.

Nhưng nếu áp lực quá sức của trẻ dễ khiến trẻ bất mãn, buông xuôi, như thế việc sử dụng phương pháp kích thích tiêu cực lúc này là lợi bất cập hại.

Do đó, cha mẹ cần hội đủ điều kiện khách quan nhất định (hoàn cảnh hay công việc phải khó khăn đối với trẻ) và cần dùng sao cho đúng người, đúng việc.

Cha mẹ cần nắm rõ trạng thái tâm lý và khả năng của con, biết cách kích thích sao cho phù hợp, nhằm tránh những hệ lụy tiêu cực. Hiểu rõ tính tình và năng lực của con là cơ sở để sử dụng phương pháp kích thích tiêu cực một cách hợp lý và đạt kết quả.

Nếu trẻ yếu đuối, nhu nhược thì việc kích thích tiêu cực sẽ không có hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Trẻ sẽ càng chây ỳ và bỏ cuộc vì thiếu bản lĩnh vượt qua hoàn cảnh quá khó khăn.

Hoặc nếu con bạn không đủ khả năng đạt được mục tiêu đặt ra thì dù cha mẹ có kích thích kiểu gì cũng không hiệu quả.

Con bạn phải là đứa trẻ mạnh mẽ, có tinh thần cầu tiến, có lòng tự trọng cao và quan trọng là có đủ khả năng để thực hiện công việc khi có sự định hướng rõ ràng.

Nên nếu cha mẹ tùy tiện áp dụng phương pháp khích tướng, công kích trẻ thì chắc chắn kết quả sẽ không được như ý.

Và dù dùng phương pháp gì trong giáo dục con, cha mẹ cũng cần tinh tế khi vận dụng. Quá trình giáo dục con cũng chính là lúc cha mẹ đang học ngược lại từ con những bài học quý giá, để từ đó đôi bên cùng thấu hiểu nhau hơn...

ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên