19/06/2016 09:56 GMT+7

Khuyến khích tư nhân đầu tư vào 
phòng cháy chữa cháy

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về phòng cháy chữa cháy (PCCC) được tổ chức sáng 18-6 trên toàn quốc.

Để hạn chế tình trạng cháy nổ, Phó thủ tướng đề nghị người đứng đầu các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, phương tiện, lực lượng, hậu cần).

Phải thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn bằng việc thu hút nhiều nguồn đầu tư phương tiện, thiết bị PCCC; khuyến khích và có hình thức hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị PCCC hiện đại.

Tập trung nhân rộng mô hình xã hội hóa công tác PCCC để từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân trong việc phòng chống nguy cơ cháy nổ.

Theo báo cáo của Bộ Công an, công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ thời gian qua có những bước phát triển, tuy nhiên tình hình cháy nổ vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Cụ thể, từ năm 2010 đến 2015 cả nước xảy ra gần 12.000 vụ cháy nổ, làm chết 300 người, bị thương hơn 900 người.

Ước tính thiệt hại về tài sản gần 6.900 tỉ đồng và khoảng 8.500ha rừng. Đặc biệt, xảy ra nhiều vụ cháy lớn ở các chung cư cao tầng, nhà ống, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, phương tiện giao thông gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường đầu tư và an sinh xã hội.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên là do lực lượng chuyên trách còn thiếu về số lượng, yếu về trang bị và cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác PCCC; một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong PCCC.

Đặc biệt, nhiều địa phương chưa triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể về PCCC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Cách Mạng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định việc đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ là nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền TP quan tâm đặc biệt.

Qua đó, kiến nghị Chính phủ cho TP.HCM có cơ chế đặc thù về thu chi ngân sách để có nguồn đào tạo cán bộ, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện hiện đại như máy bay trực thăng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Ngoài ra, đề nghị xem xét bổ sung ngành nghề chữa cháy, cứu hộ cứu nạn vào danh mục nghề nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại để có chế độ bảo hiểm, phụ cấp chế độ tương xứng.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những thành tích mà các bộ, ban ngành, địa phương đạt được trong công tác tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền và xử lý kịp thời những sự cố về cháy, cứu nạn cứu hộ.

Song ông cũng phê bình chủ tịch UBND của 21 tỉnh chưa tổ chức phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể về PCCC theo chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu phải khẩn trương hoàn chỉnh.

Về phương hướng, Phó thủ tướng đề nghị các bộ ngành tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị nêu trên, đồng thời xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của PCCC và cứu nạn cứu hộ.

“Cần nhận thức rõ làm tốt công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ là tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia” - Phó thủ tướng nói.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên