Huy chương vàng Ninh Thị Như Quỳnh (Nhà hát cải lương VN) - Ảnh: LINH ĐOAN
Các diễn viên được trao Huy chương vàng:
Nguyễn Lệ Trinh, Nguyễn Thanh Phong (Đoàn văn công Đồng Tháp), Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Thị Thanh Tâm (nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), Nguyễn Phương Phú (Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định), Ninh Thị Như Quỳnh, Nông Thị Gấm (Nhà hát cải lương VN).Nguyễn Thị Diễm My (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu), Nguyễn Thanh Toàn, Trần Ngọc Nhã Thi (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Nguyễn Thị Tú Quyên (Nhà hát Thế giới trẻ), Nguyễn Hùng Vương (Đoàn cải lương Hương Tràm).Phạm Văn Linh (Nhà hát cải lương Hà Nội), Lê Vũ Anh Duy (Nhà hát Tây Đô), Nguyễn Ngọc Thanh (Đoàn cải lương Thái Bình).
Ông Giang Mạnh Hà - chủ tịch hội đồng giám khảo nhấn mạnh: "Ở cuộc thi này chúng ta phải khẳng định với nhau rằng chưa thấy xuất hiện ngôi sao tài năng trẻ nào bừng sáng lấp lánh như kỳ vọng!".
Ông nói vậy nhưng thực tế với 73 diễn viên tham gia mà có đến 36 huy chương được trao và 11 bằng khen, tính ra gần 50% thí sinh dự thi có giải!
Trong đó, có đến 15 huy chương vàng và 21 huy chương bạc. Theo quy chế cuộc thi, số lượng giải thưởng không vượt quá 35% tổng số diễn viên tham gia cuộc thi.
Đem thắc mắc này hỏi ông Giang Mạnh Hà, ông nói: "Quy chế là thế nhưng cũng có mở ngoặc trong trường hợp cuộc thi có nhiều diễn viên trẻ xuất sắc, ban tổ chức báo cáo ban chỉ đạo để xem xét quyết định điều chỉnh số lượng giải thưởng của cuộc thi.
Do hiệu quả vai diễn của các thí sinh dự thi mà ban giám khảo người ta đánh giá sàn sàn như nhau, số điểm chênh lệch nhau rất ít.
Cuộc thi này mang tính chất xuyên suốt từ miền Bắc miền Trung đến miền Nam, các lĩnh vực thi khác nhau như ca kịch và cải lương, cho nên cần có những đánh giá sâu sát. Vì vậy ban chỉ đạo quyết định mở rộng thêm ra giải thưởng".
Phân nửa thí sinh đi thi đã được công nhận bằng huy chương vàng, huy chương bạc.
Nếu chỉ nhìn thành tích thôi thì có vẻ nghệ thuật cải lương và dân ca kịch không phải lo lắng gì cả, nhiều người tài thế cơ mà?
Thế nhưng bao nhiêu giải vàng là vàng thật và bao nhiêu là vàng non, hoặc thậm chí chưa xứng đáng?
Huy chương, giải thưởng đâu phải món quà để phân chia theo vùng miền, để cả làng đều vui...
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Quốc nhớ về những cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc trước đây:
"Mùa giải đầu tiên, khoảng năm 1991, chỉ nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền và Thanh Hương đoạt giải nhất. Mùa thứ hai có Vương Hà. Mùa thứ ba chỉ Thu Trang và Hoàng Nhất.
Tài năng trẻ là phải tìm ra yếu tố xuất sắc, có sự khắc nghiệt và khó khăn trong việc nhìn nhận và đánh giá thì giải đó nó mới có giá trị.
Còn bây giờ giống như sự phân bổ cho tất cả các nơi để có thành tích thì nó không còn là cái gì đặc biệt nữa.
Ngày xưa đi thi, chỉ nhận được giải nhì chúng tôi cũng rất hạnh phúc.
Còn bây giờ rất buồn khi thấy nhiều bạn được giải bạc có vẻ không muốn lên nhận giải.
Có cảm giác các bạn nghĩ thi là phải vàng, điều đó không đúng. Cứ mưa huy chương như thế sẽ không có giá trị nhất định cho giải cao nhất. Nếu bạn nào xuất sắc nhất thì cho còn không có thể cuộc thi không có giải vàng".
Nên chăng chúng ta trở về như thuở ban đầu, mỗi cuộc thi tài năng như thế chỉ trao 1, 2 giải vàng mà phải thật sự xuất sắc?
Sự khắt khe trong đánh giá tài năng sẽ khiến các bạn trẻ phải hết sức nỗ lực và khi đã nhận giải vàng, điều đó được xem là niềm hãnh diện lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật.
Quá nhiều vàng, bạc được trao vô hình trung làm giảm giá trị giải thưởng và đôi khi người ta xem nhẹ, không còn xem đó là thước đo để đánh giá một tài năng.
Các diễn viên được trao huy chương vàng - Ảnh: LINH ĐOAN
Huy chương vàng Nguyễn Thanh Toàn (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) - Ảnh: LINH ĐOAN
Huy chương vàng Nguyễn Thị Diễm My (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu) - Ảnh: LINH ĐOAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận