29/10/2012 07:40 GMT+7

Không trả nợ thay doanh nghiệp

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Trong những tháng cuối năm 2012, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu, trong đó có việc tiếp tục ổn định vĩ mô, không để lạm phát quay lại.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết như trên tại cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2012, chiều 28-10.

H0589ibl.jpgPhóng to
Bộ trưởng Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo chiều 28-10 - Ảnh: Q.Thế

Xây dựng đề án xử lý nợ xấu

Ông Nguyễn Quang Huy (vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN) cho biết Công ty SJC chỉ được phép gia công cho NHNN theo các đơn hàng của NHNN đối với vàng miếng SJC bắt đầu từ ngày 25-5. NHNN yêu cầu SJC gia công trên cơ sở yêu cầu về khối lượng, thời gian, chủng loại đầu vào và tiến hành giám sát trực tiếp. NHNN còn thực hiện niêm phong tất cả các khuôn của SJC khi không sản xuất. Về vàng giả SJC, đây là hành vi vi phạm pháp luật, bản thân SJC và NHNN đề nghị các cơ quan chức năng điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.

Theo ông Vũ Đức Đam, phát biểu kết luận phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá; tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu, sớm hoàn thiện đề án tổng thể về xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có trách nhiệm kiên quyết chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống ngân hàng; công khai, minh bạch trong hoạt động tái cơ cấu ngân hàng và trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến vàng.

Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ xung quanh việc Chính phủ báo cáo Quốc hội việc “nghiên cứu thành lập công ty xử lý nợ”, ông Vũ Đức Đam cho biết: “Về xử lý nợ xấu, Chính phủ đã giao NHNN xây dựng đề án tổng thể, hiện NHNN chưa trình Chính phủ. Trong nhiều giải pháp có việc thành lập công ty mua bán nợ. Nói xử lý nợ xấu không có nghĩa là nợ xấu 100 đồng thì tất cả đều phải xử lý bằng công ty mua bán nợ. Công ty này chỉ xử lý một phần. Có một điều chắc chắn là Nhà nước sẽ không lấy ngân sách để đi bù, đi trả nợ thay cho các doanh nghiệp”.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng đề cập việc tập trung xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại, có các biện pháp xử lý nợ xấu cụ thể của từng ngân hàng đối với từng doanh nghiệp. Đồng thời, NHNN xem xét chỉ đạo để khoanh nợ cho các doanh nghiệp có phương án và triển vọng kinh doanh tốt, giúp doanh nghiệp có thể vay được vốn kinh doanh.

Xung quanh vấn đề quản lý vàng, ông Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phải có các phương án căn cơ đi từng bước để huy động nguồn vốn vàng trong dân vào nền kinh tế, về cơ bản quản lý lại vàng là đúng hướng. Một biểu hiện cụ thể là từ trước đến nay giá vàng bao giờ cũng liên quan đến tỉ giá, bây giờ giá vàng trong nước chênh với thế giới nhưng tỉ giá rất ổn định, tất nhiên có nhiều lý do nhưng có tác động tích cực từ chính sách vừa qua. Ông Đam cũng khẳng định: “Chúng ta độc quyền nhà nước chứ không độc quyền doanh nghiệp. Gần đây báo chí phản ánh có tình trạng dân nghe đi dập lại vàng và có hiện tượng làm vàng nhái. Điều này có một phần do thông tin của NHNN đến với công chúng chưa được cụ thể, rõ ràng, để người dân yên tâm, hiểu rằng vàng mình nắm trong tay không cần vội vàng đưa đi dập lại, vàng vẫn là vàng”.

Quản chặt doanh nghiệp nhà nước

Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và chủ trương kết thúc giai đoạn thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKT), ông Vũ Đức Đam cho biết trong khuôn khổ phiên họp lần này Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Ông Đam nói: “Chúng ta có 11 TĐKT và 10 tổng công ty đặc biệt quan trọng. Chính phủ đã quyết định có hai TĐKT dừng thí điểm. Tinh thần là TĐKT nào mà Thủ tướng giữ lại thì sẽ quản, giữ cái nào thì quản thật chặt cái đó. Còn các TĐKT khác Thủ tướng không quản mà giao quyền cho các bộ trưởng, các bộ trưởng cũng phải quản chặt”.

Đối với Vinashin, ông Vũ Đức Đam cho rằng sẽ có đề án tái cơ cấu riêng. Việc cơ cấu lại tập đoàn này là nhiệm vụ rất quan trọng, Chính phủ bàn và đang xin ý kiến Bộ Chính trị.

Liên quan đến việc kiểm điểm kỷ luật lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN), ông Đam cho biết: “Chủ tịch hội đồng thành viên của EVN Đào Văn Hưng đã thôi nhiệm vụ, hoạt động của Công ty Viễn thông điện lực chuyển giao sang Viettel được khôi phục. Chính phủ đã lập hội đồng kỷ luật do bộ trưởng Bộ Nội vụ làm chủ tịch, tháng 11 hội đồng sẽ họp phiên chính thức để đưa ra kết luận, khi có kết luận thì sẽ thông báo”.

Tại cuộc họp báo, ông Đam cũng cho biết Chính phủ chủ trương siết lại các khoản chi thường xuyên sao cho tiết kiệm nhất, ví dụ đi nước ngoài dứt khoát phải chặt chẽ hơn nữa từ trung ương đến địa phương.

Hướng quản lý mới đối với doanh nghiệp nhà nước

Chiều 28-10, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về dự thảo nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ sẽ phê duyệt nghị định riêng quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức... của từng tập đoàn. Một số tổng công ty có vai trò quan trọng như Xăng dầu, Lương thực, Hàng không... có thể có nghị định riêng như với tập đoàn.

Dự thảo quy định tám quyền, trách nhiệm của Chính phủ đối với tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước, trong đó có một số quyền như: thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể công ty; quy định điều lệ của từng tập đoàn kinh tế nhà nước; quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức một số vị trí; quy định chế độ quản lý tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ; chế độ báo cáo và công khai tài chính của công ty; cơ chế kiểm tra thực hiện...

Dự thảo nghị định quy định Thủ tướng Chính phủ nắm bốn quyền đối với tập đoàn kinh tế nhà nước gồm: quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; việc tổ chức lại, chuyển, đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản; phê duyệt đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước...; quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật một số vị trí quan trọng; phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển năm năm của các tập đoàn.

Theo dự thảo, bộ quản lý ngành là cơ quan cấp trên trực tiếp của hội đồng thành viên tại tập đoàn kinh tế nhà nước.

Theo CHINHPHU.VN

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên