09/12/2011 01:22 GMT+7

Không tin tăng phí đăng ký xe giúp giảm ùn tắc

XUÂN LONG - LÂM HOÀI
XUÂN LONG - LÂM HOÀI

TT - Cuối giờ chiều 8-12, trong phần thảo luận về đề án điều chỉnh, bổ sung phí và lệ phí, nhiều đại biểu (ĐB) không đồng tình với cách đánh giá của UBND TP Hà Nội coi việc tăng lệ phí trước bạ đăng ký ôtô và tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy là giải pháp giảm ùn tắc.

vp9Pv4DA.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng ông cảm nhận việc ban hành chính sách tăng phí đăng ký ôtô, xe gắn máy chưa thật sự công bằng và không là giải pháp chống ùn tắc - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trong ngày, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2012, phân bổ ngân sách 2012, quyết toán ngân sách 2010, danh mục dự án trọng điểm giai đoạn 2011-2015, giá các loại đất năm 2012.

Nếu tăng phí, phải tăng... “cả làng”!

ĐB Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban pháp chế HĐND TP Hà Nội, đặt mình ở vị trí của người dân, cho rằng đề xuất của UBND TP tăng lệ phí trước bạ ôtô con dưới 10 chỗ từ 12% lên mức kịch trần 20% và lệ phí đăng ký kèm biển số xe tăng gấp 10 lần, từ 2 triệu/xe lên 20 triệu đồng là không công bằng.

Ông Nam lập luận: “TP Hà Nội không chỉ có những người đi xe biển số Hà Nội gây ùn tắc mà cũng có xe của các tỉnh về thủ đô, nếu Bộ Tài chính chỉ yêu cầu Hà Nội tăng trong khi các tỉnh không tăng thì lại có chuyện như ngày xưa với xe máy, tức là khi cấm ở khu vực này thì người dân đi đăng ký nhờ ở khu vực kia”. Vì vậy theo ông Nam, khi TP nói đây là giải pháp giảm ùn tắc thì “tôi muốn hỏi là TP đã tính hết đến những tình huống phát sinh chưa. Cá nhân tôi đề nghị chỉ nên tăng lệ phí trước bạ lên mức 15% và phí đăng ký kèm biển số là 10 triệu đồng”.

Đồng tình với ĐB Nam, nhiều ĐB cùng cho rằng việc TP Hà Nội xác định tăng lệ phí trước bạ và phí đăng ký là giải pháp giảm ùn tắc chưa thật sự thỏa đáng. ĐB Nguyễn Ngọc Thạch (Mỹ Đức) nói: “Để giảm ùn tắc giao thông đòi hỏi phải có nhiều phương án. Còn với phương án tăng lệ phí và phí như ủy ban trình, tôi thấy không có hi vọng giảm bớt ôtô như tính toán của TP. Tôi nghĩ nguyên nhân ùn tắc hiện nay không hẳn là nhiều ôtô, các nước cũng nhiều xe nhưng khi tắc họ vẫn đi từ từ, còn ở mình tắc là cứng hết”.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Phi Vân Tuấn trấn an các ĐB: “Hiện số lượng ôtô tăng chủ yếu là xe du lịch dưới chín chỗ, vì vậy mục tiêu tăng lệ phí và phí đăng ký là hạn chế loại xe này, vì số đăng ký mới rất lớn. Các ĐB cũng không nên ngại quá về việc đi đăng ký xe ở tỉnh ngoài, tâm lý ai mua xe cũng suy nghĩ muốn chính chủ nên ngại nhờ người khác đứng tên”. Không đồng tình, ĐB Nguyễn Hoài Nam lên tiếng: “Tôi xin khẳng định lại Hà Nội tắc đường không phải chỉ có ôtô con. Nếu nói ôtô con làm tắc đường, tôi nói luôn là sắp tới đây đi tiếp xúc, tôi không giải thích được với cử tri”.

Cũng theo ĐB Nam, “chỉ có đại gia mới không lo về kinh tế, chứ một chiếc xe 800 triệu đồng, giờ thêm 20% lệ phí, 20 triệu tiền đăng ký, số tiền này không hề nhỏ, trong khi chỉ mất 150.000 đồng tiền công chứng là có thể được ủy quyền sử dụng (từ người khác đăng ký xe). Vì vậy, tôi cảm nhận việc chúng ta ban hành chính sách này chưa thật sự công bằng, còn nếu các tỉnh lân cận cùng tăng thì tôi đồng tình”.

Không đồng tình tăng phí trông giữ xe

Về đề xuất tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy tại Hà Nội, ông Phi Vân Tuấn cho biết đây cũng là giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, tháo gỡ bất cập trong việc thu phí quá giá gần đây. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị nhiều ĐB phản ứng quyết liệt.

ĐB Nguyễn Thị Thùy, trưởng Ban văn hóa - xã hội (HĐND TP), khẳng định TP nói mức tăng trông giữ xe đạp từ 1.000 đồng lên 2.000 đồng, xe máy từ 2.000 đồng lên 5.000 đồng là không nhiều, nhưng với mức tăng theo tháng từ 50.000 đồng lên 90.000 đồng thì thật sự là rất nhiều. “Mỗi lần gửi xe tăng vài nghìn, thử hỏi một người dùng xe mấy lần một ngày, hoặc có người nhà nằm viện phải gửi vài lần, số tiền tăng lên là rất lớn” - ĐB Thùy nói.

ĐB Vũ Mạnh Hải (Sóc Sơn) chỉ rõ đề xuất tăng phí trông giữ đối với xe đạp, xe máy là không thỏa đáng. Theo ông, đây là phương tiện của số đông người dân và là phương tiện chủ lực, vì vậy việc tăng phí là không đúng yêu cầu của Chính phủ về đảm bảo an sinh. ĐB Nguyễn Hoài Nam thậm chí cho rằng việc tăng phí chỉ tạo điều kiện để các điểm trông giữ xe thu siêu lợi nhuận.

Đa số ĐB nhận xét các điểm trông giữ xe đạp, xe máy ở Hà Nội hiện nay không phải đầu tư quá nhiều mà chỉ là mô hình “căng dây thu tiền”. Bất cập lớn nhất vẫn là việc quản lý kém nên tình trạng trông giữ lộn xộn, trông giữ không phép, sai phép, không sử dụng vé theo quy định, không công khai mức trông giữ và thu cao hơn quy định vẫn là hiện tượng phổ biến. Do vậy, nhiều ĐB không đồng tình đề xuất tăng phí trông giữ xe khi cho rằng việc tăng phí trông giữ là tạo cơ hội cho thực trạng “nước nổi thì bèo cũng nổi” và người dân tiếp tục bị thua thiệt.

Sau gần một tiếng rưỡi tranh luận, nghị quyết về điều chỉnh phí, lệ phí được thông qua với tỉ lệ 61,1% ĐB tán thành. Trong đó thống nhất mức nâng lệ phí trước bạ ôtô dưới 10 chỗ từ 12% lên 20%, phí đăng ký kèm biển số ôtô dưới 10 chỗ từ 2 triệu lên 20 triệu đồng, phí đăng ký kèm biển số xe máy có giá trị từ 15-40 triệu đồng từ mức 1 triệu lên 2 triệu đồng, xe máy có giá trị trên 40 triệu đồng từ mức 2 triệu đồng lên 4 triệu đồng. Riêng nội dung tăng phí trông giữ xe đạp và xe máy không được thông qua.

Sáng nay 9-12, HĐND TP Hà Nội tiến hành phiên chất vấn - trả lời chất vấn. Phó chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho biết hai vấn đề nổi cộm được ưu tiên chất vấn là ùn tắc giao thông và đảm bảo an sinh, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân trong bối cảnh lạm phát. Phiên chất vấn được Đài PT-TH Hà Nội truyền trực tiếp.

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn với lãnh đạo các sở ngành ở TP.HCM của các đại biểu tập trung về hàng loạt vấn đề bức xúc như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, nạn rải đinh, vi phạm của cảnh sát giao thông (CSGT)...

Về tình trạng rải đinh xuất hiện tràn lan, đại tá Phan Anh Minh - phó giám đốc Công an TP - cho biết từ đầu năm đến nay chỉ ghi nhận được ba vụ “đinh tặc” trên địa bàn quận Thủ Đức. “Trong ba vụ nói trên, Công an quận Thủ Đức đã xử lý hành chính một vụ, hai vụ còn lại chưa đủ chứng cứ nên cũng phải thả người chờ củng cố chứng cứ. Xin nói rõ là ở đây không đủ chứng cứ để tạm giam đối tượng nên phải thả, khi củng cố đủ chứng cứ sẽ xử lý chứ không phải là không thể xử lý” - ông Minh khẳng định.

Về nạn đua xe trái phép, ông Minh nói việc bắt giữ nhiều xe vi phạm chỉ tốn diện tích tạm giữ chứ hiệu quả không cao, vì có trường hợp giữ xe sáu tháng nhưng đối tượng không đến làm thủ tục nên không xử phạt được mà tịch thu xe cũng không xong. Ông Minh cho biết Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố hai vụ đua xe, sắp tới sẽ đưa một vụ ra xét xử lưu động.

Về những vi phạm của lực lượng CSGT, ông Phan Anh Minh nhìn nhận “có những con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đó chỉ là cá biệt. Theo ông Minh, trong năm vừa rồi có hơn 3.000 lượt CSGT không nhận hối lộ, nhưng hình ảnh đó không được phản ánh mà hình ảnh tiêu cực gây ấn tượng nặng nề hơn. Ông cho biết lãnh đạo Công an TP sẽ triển khai tổ thanh tra đặc nhiệm để giám sát lực lượng CSGT.

Trong khi đó phần trả lời chất vấn của giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đào Anh Kiệt về xử lý ô nhiễm môi trường và dự án “treo”, các đại biểu nhận xét là chưa ổn vì còn lòng vòng và né tránh hoặc hẹn trả lời sau bằng văn bản. Ông Kiệt cam kết dứt khoát đến năm 2015 không còn tồn tại các cơ sở gây ô nhiễm và “xin bà con cử tri thông cảm cho một số vấn đề thuộc về lịch sử của TP”.

Hải Phòng: cử tri phàn nàn lạm thu, dạy thêm, ô nhiễm

Phần lớn chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hải Phòng ngày 8-12 tập trung vào tình trạng lạm thu, dạy thêm tràn lan tại nhiều trường học, tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông...

Giải trình, ông Đan Đức Hiệp - phó chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng - thừa nhận từ năm học này, tình trạng dạy thêm lại gia tăng với những biểu hiện tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân chính, theo ông Hiệp, là do một số giáo viên không coi trọng đạo đức nhà giáo, có biểu hiện thương mại hóa, lạm dụng sự tín nhiệm và nhu cầu của phụ huynh, học sinh, thậm chí có hiện tượng ép học sinh học thêm.

Riêng về lạm thu, “có nhiều khoản thu thiếu hợp lý, không có tính giáo dục như tiền vệ sinh, tiền lao động, tiền chăm sóc cây cảnh, bảo trì máy tính, tiền ủng hộ giáo viên may đồng phục... Các khoản vận động thu xã hội hóa hầu hết đều áp đặt thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh” - ông Hiệp nêu rõ. Ông cho hay TP đã và đang tập trung chấn chỉnh những vấn đề này.

Về việc nhà máy giấy thuộc Công ty cổ phần Hapaco Hải Âu tại huyện An Dương xả nước thải vào sông Lạch Tray gây ô nhiễm, ông Bùi Quang Sản - giám đốc Sở TN-MT Hải Phòng - giải trình: “Nhà máy chưa lập đề án bảo vệ môi trường và thực hiện báo cáo chất lượng môi trường định kỳ theo quy định nên chưa được cấp giấy phép xả thải. Hệ thống xử lý nước thải hiện chưa đáp ứng yêu cầu”. Ông Sản thừa nhận chuyện này “có một phần lỗi do ngành TN-MT và chính quyền địa phương chưa thực hiện đúng chức trách trong giám sát, kiểm tra và xử lý”.

Không khí chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hải Phòng diễn ra khá “nguội” với phần trả lời bằng cách đọc văn bản (dù đã phát cho đại biểu), thiếu những câu hỏi truy vấn trách nhiệm. Sau giờ nghỉ giải lao, nhiều đại biểu ra về sớm, chủ tịch HĐND TP phải thốt lên: “Nhiều đại biểu chất vấn xong không thấy quay lại”.

Quảng Ninh: cần quan tâm nâng chất sản phẩm du lịch

62 lượt ý kiến của đại biểu trong phiên chất vấn - trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh ngày 8-12 tập trung vào bảy nhóm vấn đề, trong đó nổi cộm là các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khai thác khoáng sản, y tế và xây dựng nông thôn mới... Xoay quanh vấn đề vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, đa số đại biểu nhất trí Quảng Ninh phải “tập trung nguồn lực khai thác lợi thế trời cho này” và đặt ngành “công nghiệp không khói” là vấn đề quan trọng nhất.

Đại biểu Đặng Bá Bắc (huyện Đông Triều) nhận định: “Cần nâng cao chất lượng hiệu quả sản phẩm du lịch. Hiện nay nguồn thu từ khai thác dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng mà tỉnh hiện có. Phải giảm bớt các thủ tục quản lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch”.

XUÂN LONG - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên