Đồng thời khuyến nghị cần có định hướng mới trong thu hút FDI...
Phóng to |
Ông Đỗ Nhất Hoàng, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, thừa nhận có tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp FDI, chưa kể việc đưa vào sử dụng công nghệ lạc hậu tiềm ẩn nguy cơ cho môi trường... Theo ông Hoàng, nhiều địa phương thiên về lợi ích trước mắt trong thu hút đầu tư mà bỏ qua lợi ích tổng thể quốc gia.
Được nhiều, mất không ít
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI trong giai đoạn 2006-2011 đã góp tới 24,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giúp tăng xuất khẩu, đưa VN hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế. Từ năm 2006-2010, khu vực FDI đã nộp ngân sách được hơn 10 tỉ USD. Riêng năm 2011 đã nộp tới 3,5 tỉ USD...
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng hoạt động “chuyển giá” của doanh nghiệp FDI hiện nay là rất nghiêm trọng. Các doanh nghiệp VN bị mất lợi thế cạnh tranh do đóng thuế thu nhập tới 25%, trong khi doanh nghiệp “chuyển giá” không phải đóng đồng nào.
Theo ông Vũ Đình Ánh, với chiêu “ảo thuật” khiến từ lãi biến thành lỗ, doanh nghiệp “chuyển giá” không tăng lương cho nhân viên, khiến đối tác góp vốn phía VN không thể chịu nổi lỗ và bị loại ra khỏi doanh nghiệp liên doanh. Riêng khoản thất thu thuế, ông Ánh cho rằng rất lớn bởi khu vực FDI đang chiếm tới 20% GDP và sản xuất tới 40% giá trị sản xuất công nghiệp.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng các doanh nghiệp FDI được ưu đãi lớn về đất đai, thuế nhưng chưa mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách. Nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng đất lãng phí. Tính đến năm 2010, ông Võ cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang sử dụng trên 55.000ha đất, trong đó trên 30.000ha là đất nông nghiệp. Khu vực này còn “tồn”, chưa sử dụng tới 250ha đã được cho thuê... Trong khi đó, thu nhập cho công nhân thì khu vực FDI chỉ đạt mức tương đương doanh nghiệp nhà nước.
GS Nguyễn Mại, chủ tịch Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cảnh báo rằng nhiều địa phương đã ưu đãi quá đáng cho doanh nghiệp FDI. Có địa phương phải vay nhà đầu tư để chi trả phí giải phóng mặt bằng mà không biết khi dự án đi vào hoạt động thì thu ngân sách liệu có đủ bù đắp... Theo ông Mại, đã đến lúc cần định hướng mới trong thu hút vốn FDI.
Chống chuyển giá, đánh thuế doanh nghiệp gây ô nhiễm
Để chống lãi thật lỗ giả trốn thuế của doanh nghiệp FDI, theo ông Vũ Đình Ánh, biện pháp quan trọng nhất là khâu kiểm soát giá nhập khẩu của hải quan. Theo ông Ánh, các cơ quan cần phối hợp, chia sẻ thông tin và phải chống ngay từ khâu kêu gọi đầu tư, xét duyệt dự án; khâu thanh tra, kiểm tra thuế dự án và phải xử lý thật nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Viện Khoa học xã hội VN, cảnh báo Trung Quốc đã loại bỏ trên 2.000 doanh nghiệp công nghệ lạc hậu năm 2011, rất có thể số này sẽ tìm cách tràn vào VN. Ông Trung kiến nghị Chính phủ phải có chỉ dẫn cụ thể hơn cho các địa phương về thu hút FDI chứ không thể để xảy ra mãi tình trạng “phép vua thua lệ làng” và cần xử lý nghiêm, không có ngoại lệ các địa phương “vượt rào” ưu đãi đầu tư.
Ông Nguyễn Trần Bạt, chủ tịch Hãng Investconsult Group, cũng đồng quan điểm khi nêu VN có nguy cơ thành bãi thải công nghệ, đồng thời khuyến nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư nên thành lập ba trung tâm thẩm định công nghệ ở ba miền. “Chúng ta đã gánh hậu quả nghiêm trọng của Vedan nên nhất thiết phải có thẩm định FDI cho thật kỹ” - ông Bạt nói.
Ông Bùi Cách Tuyến, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, nêu giải pháp cần phải thu phí hoặc thuế với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. VN cần ban hành hạn ngạch ô nhiễm, quy định cụ thể đến lượng khí doanh nghiệp được quyền thải ra...
Để tránh tình trạng lãng phí sử dụng đất đai khu vực FDI và bảo vệ quyền lợi người dân, ông Đặng Hùng Võ yêu cầu nên quy định rõ: với các dự án vì mục đích lợi nhuận, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tiếp cận đất qua cơ chế thỏa thuận giá với người dân. Chỉ khi nào 80% người dân đồng ý, một số còn lại bất hợp tác Nhà nước mới áp đặt giá cưỡng chế...
Không ưu đãi “cào bằng” Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận cơ chế phân cấp hiện nay khiến nhiều địa phương sáng tạo hơn nhưng đã xảy ra tình trạng “thu hút bằng mọi giá”. Ông Vinh khẳng định sắp tới sẽ đề xuất sửa cơ chế để buộc các địa phương thu hút đầu tư đúng theo mục tiêu. “Cơ chế ưu đãi đầu tư sắp tới sẽ không cào bằng cho mọi nhà đầu tư mà chỉ tập trung vào các dự án công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ” - ông Vinh khẳng định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận