28/02/2013 22:02 GMT+7

Không thu hồi đất theo chỉ định của chủ đầu tư

XUÂN LONG ghi
XUÂN LONG ghi

TTO - Chấn chỉnh, khắc tình trạng tùy tiện thu hồi đất và đổi mới cách xác định giá đất khi thu hồi, không thu hồi đất theo chỉ định của chủ đầu tư.

Sửa đổi Luật Đất đai:

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hiển, thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường tại buổi họp báo về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay 28-2.

YCbb7k4g.jpgPhóng to
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển: “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ chấn chỉnh, khắc tình trạng tùy tiện thu hồi đất và đổi mới cách xác định giá đất khi thu hồi” - Ảnh: Việt Dũng

Phải trân trọng quyền của người dân

Ông Hiển nói: "Khi tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003, nội dung đầu tiên được đánh giá chính là vấn đề thu hồi đất. Trong đó có các vấn đề nổi lên là chưa giải quyết, bồi thường, hỗ trợ tương xứng cho người có đất bị thu hồi. Đặc biệt là trong quá trình thực thi Luật Đất đai 2003 vẫn thiếu sự giám sát, dẫn tới có trường hợp thu hồi đất tùy tiện, tràn lan."

* Tuổi Trẻ: Bộ TN-MT đã nhận định việc thu hồi đất hiện nay còn tình trạng tùy tiện, tràn lan. Điều này được hiểu là Luật Đất đai hiện hành còn kẽ hở ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Vậy dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế những giải pháp, điều khoản nào để khắc phục tình trạng này?

- Ông Nguyễn Mạnh Hiển: Băn khoăn của người dân về nội dung thu hồi đất là một thực tiễn, thậm chí là rất nhiều người dân băn khoăn, nêu ý kiến về nội dung này. Luật Đất đai 2003 quy định 2 cơ chế thu hồi đất. Thứ nhất là thu hồi theo chỉ định của chủ đầu tư. Thứ hai là thu hồi theo quy hoạch. Tuy nhiên, do pháp luật đất đai quy định chưa chặt chẽ nên việc thu hồi đất thời gian qua chủ yếu là theo chỉ định của nhà đầu tư, dẫn tới thu hồi đất tràn lan, đây là điểm phải khắc phục.

Vì vậy, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định việc thu hồi đất tới đây chủ yếu thực hiện theo quy hoạch, theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Việc thu hồi đất sẽ không dựa vào nguồn vốn của chủ đầu tư mà dùng nguồn ngân sách. Ngân sách sẽ lấy từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất để không phải phụ thuộc vào nhà đầu tư.

Với những dự án phát triển kinh tế phải thông qua HĐND. Thực tế thì việc thu hồi đất vào mục đích an ninh, quốc phòng, công trình công cộng hiện nay không bị nói nhiều, nhưng thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế còn bị nói nhiều. Vì thế, việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất tới đây phải làm chi tiết, phải qua HĐND cho ý kiến và chịu sự giám sát của HĐND.

Tương tự, việc lập dự án có thu hồi đất của các nhà đầu tư cũng phải xiết chặt, không phải ai lập dự án nào cũng được. Dự thảo Luật đã quy định thêm về điều kiện phải có năng lực tài chính, phải chứng minh qua kiểm toán, phải ký quỹ nếu không thực hiện thì thu tiền ký quỹ. Tiếp nữa là xét cả những dự án đã làm trước đó, nếu chủ đầu tư có dự án từ trước đó bị bỏ hoang, hoặc đang còn dự án bỏ hoang thì không giao đất cho làm tiếp.

Riêng đối với đất trồng lúa, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này xiết rất chặt, nếu liên quan đến thu hồi đất lúa, đất rừng bắt buộc phải báo cáo Thủ tướng trước khi chấp thuận đầu tư.

* Nông Nghiệp Việt Nam: Hiện nay ở nhiều địa phương còn tình trạng dự án “treo”, thu hồi đất xong để đất hoang hóa. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xác định cơ chế nào để xử lý các dự án “treo”, trong xử lý có tính tới việc thu hồi trả đất nông nghiệp cho người dân?

- Ông Nguyễn Mạnh Hiển: Ngay trong Luật Đất đai 2003 cũng đã có quy định chế tài để xử lý dự án “treo”. Tuy nhiên, vấn đề đang vướng hiện nay là thu hồi lại thì giải quyết đền bù giá trị cho chủ đầu tư ra sao.

Vì vậy, khi sửa đổi Luật Đất đai lần này đã quy định: với những trường hợp dự án có chủ trương đầu tư nhưng sau 3 năm không triển khai thì phải hủy bỏ.

Trường hợp thu hồi đất, đã giao, cho thuê đất rồi, sau 12 tháng chưa triển khai thì cho ra hạn một lần. Với những dự án đã triển khai nhưng sau 24 tháng bỏ hoang hóa thì cũng cho phép ra hạn một lần. Thời gian ra hạn không quá 12 tháng, sau đó nếu chủ đầu tư cố tình không làm, chây ỳ, cố ý giữ lại dự án thì sẽ thu hồi, nhà nước không phải bồi hoàn về tài chính khi thu hồi.

Nếu chủ dự án thấy không làm được nữa thì trả lại đất cho nhà nước trước khi được ra hạn, khi đó nhà nước xem xét việc bồi hoàn tài chính.

Riêng về việc giải quyết nhu cầu sử dụng đất tiếp theo, nếu có nhà đầu tư xin thực hiện tiếp dự án thì giao, còn nếu dự án không phù hợp với thực tiễn thì sẽ xem xét trả lại cho người dân để người dân tiếp tục sản xuất.

* Công An Nhân Dân: Người dân hiện nay rất quan tâm đến việc định giá đất. Bộ TN-MT đã xác định việc định giá đất hiện nay có những bất cập nào và nguyên tắc định giá tới đây sẽ khắc phục ra sao?

- Ông Nguyễn Mạnh Hiển: Hiện nay Nghị quyết 19 của Trung ương quy định Nhà nước sẽ định giá đất. Việc định giá đất sẽ phù hợp với thị trường nhưng ở thời điểm này vẫn phải có sự quản lý của nhà nước trong xác định giá thị trường.

Có vấn đề là hiện nay thu nhập của chúng ta còn thấp nhưng giá đất ở một số nơi đắt như ở Tokyo hay những nơi khác trên thế giới, vì vậy vẫn phải theo nguyên tắc nhà nước định giá.

Tuy nhiên, việc định giá đất không theo cách như cũ, lần này nhà nước xác định giá đất theo nguyên tắc như các nước tiên tiến đang làm. Tức là giá đất nhìn từ hai vấn đề, không chỉ chỉ là chuyện bồi thường mà còn cả nghĩa vụ tài chính về đất. Nếu đưa giá đất lên cao thì có lợi cho người bồi thường nhưng lại không có lợi cho người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2003 áp dụng cho tất cả các mục đích từ thuế, phí, giao, cho thuê đất, đền bù…. qua một vài năm thực hiện một thấy không ổn. Do đó, việc định giá đất lần này đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là bảng giá đất sử dụng cho tất cả mục đích, có cập nhật thường xuyên. Cái khó của phương án này là có cập nhật thường xuyên không. Phương án 2 đang được nhiều nước làm, đó là quy định giá đất cho mục đích thu thuế, phí, lệ phí là theo bảng giá, quy định ổn định trong 5 năm.

Riêng giá đất trong bồi thường, giao, cho thuê đất thì sẽ xác định cụ thể, cho phép vượt khung, hiểu là không theo bảng giá nữa. Phương án này sẽ ưu tiên quyền lợi của người dân.

Lấy ý kiến nhân dân đến 31-3

Về hình thức lấy ý kiến nhân dân, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết việc tổ chức lấy ý kiến sẽ được kéo dài đến 31-3.

“Toàn văn dự thảo sẽ được đăng trên báo Nhân Dân, Lao Động, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Trang thông tin của Bộ TN-MT, Tổng cục Quản lý Đất đai, Trang thông tin điện tử của HĐND, UBND các tỉnh, Thành phố để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến” - ông Quang nói.

Theo ông Quang, ngoài việc góp ý trực tiếp tại các địa chỉ đăng dự thảo, các cá nhân, tổ chức có thể góp ý bằng văn bản. Ý kiến đóng góp bằng băn bản qua đường bưu điện thì thư không phải dán tem, gửi về các cơ quan đăng dự thảo và UBND các tỉnh, thành phố. “Sau quá trình lấy ý kiến, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan được phân công có trách nhiệm báo cáo kết quả đóng góp ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) của các cơ quan, tổ chức gửi về Bộ TN-MT trước ngày 5-4.

XUÂN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên