Các bạn trẻ tham quan mô hình trồng rau an toàn ở một đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) - Ảnh: Q.L.
Tại TP.HCM, nơi được xem như thị trường sôi động của cộng đồng khởi nghiệp trẻ, câu chuyện khởi nghiệp được giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM NGUYỄN THỊ DIỆU HẰNG chia sẻ:
"Thực tế làm việc với các bạn trẻ, nói thiệt lúc này không thể "xúi" khởi nghiệp bất chấp. Chủ đề năm khởi nghiệp, lập nghiệp của Đoàn nhiều gợi mở song cũng không ít khó khăn mà chúng tôi trong vai trò đồng hành cũng đang nỗ lực để có thể hỗ trợ tốt nhất cho đam mê khởi nghiệp của các bạn".
Nhìn tích cực
* Dường như nhiều nhà khởi nghiệp trẻ đang ngấm đòn của dịch bệnh, quy về ở ẩn?
- Nhìn một cách tích cực, đây là giai đoạn có nhiều cái lợi cho những bạn muốn khởi nghiệp. Do tác động của COVID-19, chi phí dành cho việc thuê mặt bằng có phần rẻ hơn so với trước, tuyển dụng nhân sự cũng phần nào dễ hơn vì nhiều bạn mất việc.
Nhưng cái khó cũng xuất phát từ đây. Chi tiêu của mọi người có phần cắt giảm sẽ gây khó cho sản phẩm khởi nghiệp vốn là thành quả đầu tay và được đặt rất nhiều kỳ vọng của mỗi bạn mới chập chững vào con đường khởi nghiệp.
Điều này đặt ra bài toán phải được cơ cấu lại, tính toán hợp lý, thậm chí lựa chọn gì cũng phải nắm thật chắc nhu cầu thị trường thực tế chứ không thể mơ mộng, cứ làm cái mình thích là được.
Giai đoạn này tôi nghĩ không phải là tính xem có thêm bao nhiêu bạn trẻ khởi nghiệp hay doanh nghiệp khởi nghiệp mới mà là cứu những bạn khởi nghiệp đang đứng trước nguy cơ... chết.
* Như vậy, việc hỗ trợ khởi nghiệp của trung tâm sẽ vất vả hơn?
- Khởi nghiệp phải là chuyện cần làm kiên trì chứ không thể ngày một ngày hai. Nên chọn chủ đề này là hay nhưng đừng chỉ làm theo kiểu dồn hết nguồn lực năm nay cho các hoạt động khởi nghiệp, rồi sau đó khi không còn là chủ đề thì lơi đi hay để các bạn tự bơi.
Ở góc độ của mình, chúng tôi vẫn cố gắng xoay trở trong khả năng có thể với nhiệm vụ đã nhận. Chẳng hạn cuộc thi khởi nghiệp năm nay sẽ có bảng thi riêng cho sinh viên. Đã đến lúc hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên đủ sức so tài với nhau.
Trung tâm cũng có ký với Hội Sinh viên TP hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. Chúng tôi thiết kế bảng thi riêng chứ để sinh viên chơi chung với nhiều bạn trẻ hay doanh nghiệp khởi nghiệp khác sao cạnh tranh lại.
Cũng khá vất vả đi tìm kinh phí tổ chức cuộc thi và trung tâm vẫn đang tìm mọi cách. Nhiều kịch bản cũng được xây dựng để ứng phó với diễn biến dịch bệnh để nếu không tổ chức được thì thi trực tuyến thế nào cho hiệu quả và hấp dẫn.
Từ đầu năm đến nay, vẫn có khá nhiều bạn tìm đến để được tư vấn về khởi nghiệp. Trung tâm vẫn duy trì các khóa đào tạo, huấn luyện hay kết hợp với những nơi có nhu cầu để đến chia sẻ thông tin, kiến thức giúp các bạn có thể chuẩn bị tốt trước khi bắt tay khởi nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng - Ảnh: Q.L.
Xoay vốn giúp các bạn làm ăn
* Còn không ít bạn trẻ khác muốn làm ăn chứ không chỉ là khởi nghiệp...
- Phải nói là rất đông mà hầu như trung tâm nhận được câu hỏi về vay vốn làm ăn mỗi ngày. Thực tế có nhiều dự án muốn vay nhưng nguồn vốn có hạn nên chúng tôi chưa thể tiếp nhận và đáp ứng hết.
Những dự án nào đã từng vay, hoàn vốn đúng hạn sẽ có lợi thế khi muốn vay tiếp vì Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đang cho vay tín chấp, thời hạn và cách trả nợ linh hoạt, lãi suất cũng nhiều ưu đãi nhưng vì chưa có tiền nên cũng khó mở rộng.
* "Cái khó" này đang được giải quyết ra sao, thưa chị?
- Thực tế nguồn vốn 100 tỉ đồng thời gian qua TP ủy thác cho Hội LHTN TP, giao quỹ vận hành là trơn tru, hoàn trả vốn và lãi đúng tiến độ, không phát sinh nợ xấu. Đây là "vũ khí" lợi hại để làm bạn cùng thanh niên và tôi nghĩ đến lúc cần một cơ chế riêng cho Hội LHTN để tăng nguồn quỹ, vận hành lâu dài hơn.
Chúng tôi cũng tìm kiếm các nguồn để có thể tăng thêm vốn mà từ thực tế phát vay thời gian qua, chúng tôi cho rằng quỹ cần tăng lên 300 tỉ mới đáp ứng được nhu cầu vay khá lớn của các bạn hiện nay. Như nguồn 100 tỉ đồng theo tính toán mỗi năm giải ngân khoảng 20 tỉ (trong 5 năm) nhưng thực tế vận hành có năm chúng tôi xoay vòng vốn, phát vay lên đến gần 60 tỉ đồng.
Kết nối và sẻ chia thông tin
Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó mà các doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp trẻ như chúng tôi không là ngoại lệ.
Trong bối cảnh chung, những người khởi nghiệp trẻ như chúng tôi mong được hỗ trợ về định hướng thị trường, chia sẻ thông tin chuyên sâu từ các chuyên gia, doanh nhân dày dạn kinh nghiệm để có thể nhận định chính xác hơn về tiềm năng lĩnh vực đang theo đuổi.
Chúng tôi rất muốn kết nối với chuyên gia lĩnh vực bởi chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với rủi ro khi thị trường biến động liên tục.
Cũng cần nền tảng E-learning đào tạo kiến thức khởi nghiệp quốc gia, tập hợp các kiến thức kinh doanh cần thiết nhất để lập nghiệp, khởi nghiệp và rất mong Đoàn chủ trì phát triển nền tảng này giúp đào tạo kiến thức khởi nghiệp cho cán bộ Đoàn - Hội, thanh niên Việt Nam, cũng là nền tảng cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển bền vững.
Anh HỒ ĐỨC HOÀN (CEO Edu2Review)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận