Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, quan điểm của Sở Y tế về khám chữa bệnh dịch vụ là một hoạt động được phép làm ở bệnh viện công. Tuy nhiên, khi làm thì phải tổ chức rõ ràng, cho bệnh nhân được chọn lựa chứ không được o ép.
Nói về nguyên nhân phải tổ chức làm dịch vụ ở Bệnh viện Ung bướu TP, bác sĩ Thượng cho là do bệnh viện quá tải, kinh phí hoạt động chưa đủ trang trải. Giải pháp căn bản nhất là tăng thêm cơ sở điều trị, tăng thêm giường bệnh. Trong một, hai năm nữa, khi Bệnh viện Ung bướu TP có thêm cơ sở 2 với 1.000 giường bệnh ở Q.9, chắc chắn áp lực quá tải sẽ giảm hẳn. Khi đó dịch vụ sẽ làm gọn và làm dịch vụ thì chỉ dịch vụ. “Đứng ở góc độ chuyên môn, không thể phân biệt người giàu thì được quan tâm chữa sớm, còn người nghèo thì không được. Sở chỉ đạo các bệnh viện rất rõ ràng như vậy” - bác sĩ Thượng khẳng định.
Trong khi đó bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho biết sau khi đọc bài báo, Bảo hiểm xã hội TP đã yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP giải trình. Ngay trong ngày 22-11, Bảo hiểm xã hội TP cũng cử cán bộ đến kiểm tra, nắm tình hình chữa bệnh cho bệnh nhân bảo hiểm y tế tại bệnh viện. Theo bà Thanh Huyền, ngày 25-11 bệnh viện sẽ có báo cáo giải trình cho Bảo hiểm xã hội TP.
Ngày 23-11, bác sĩ Lê Hoàng Minh - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP - cho biết ban giám đốc bệnh viện đã tổ chức một cuộc họp với trưởng, phó khoa khoa y học hạt nhân và khoa siêu âm để làm rõ những nội dung được phản ánh trong bài báo. “Tôi khẳng định ban giám đốc không hề có chủ trương đẩy bệnh nhân qua khám dịch vụ. Đối với những nhân viên khoa siêu âm và khoa y học hạt nhân được phản ánh trong bài báo gợi ý bệnh nhân qua dịch vụ là làm sai quy định của bệnh viện. Tôi sẽ làm rõ đó là ai để xử lý” - bác sĩ Minh khẳng định.
* Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, quan điểm của Bộ Y tế và của cục là lấy người bệnh làm trung tâm, bệnh nhân bảo hiểm y tế và các bệnh nhân chi trả tiền mặt phải như nhau, không được phân biệt đối xử. Việc sắp xếp bệnh nhân phải theo mức độ bệnh, không thể khám bảo hiểm thì lâu đến lượt, còn chi tiền dịch vụ thì khám nhanh hơn. Việc sắp xếp bệnh nhân phải theo hướng ưu tiên bệnh nhân nghèo, bệnh nhân diện chính sách có bảo hiểm y tế, bệnh nhân bệnh nặng phải cấp cứu. “Tôi đọc báo Tuổi Trẻ thấy có hiện tượng bệnh nhân bảo hiểm dùng thuốc phóng xạ thì một tháng mới đến lượt, còn dùng thuốc dịch vụ thì chỉ có năm ngày. Điều đó không thể được” - ông Khuê nhấn mạnh.
Ông Khuê còn nói nếu bệnh viện quá đông mà bố trí làm thêm ngoài giờ thì bệnh viện phải có đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, trong đó có việc phân công trách nhiệm, thu nhập và quy chế chi tiêu. Nhưng phải trên nguyên tắc đối xử với người bệnh bình đẳng, người khám trong giờ, ngoài giờ phải được đối xử như nhau. Và nếu bệnh viện có đề án làm thêm giờ thì bệnh nhân bảo hiểm y tế khám ngoài giờ vẫn được chi trả như khám trong giờ, nhưng phần chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ và giá bệnh viện thì bệnh nhân phải chi trả.
Không để bệnh nhân bị đưa sang khám dịch vụ Ông Phạm Lương Sơn - trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN - đã có văn bản hỏa tốc gửi Bảo hiểm xã hội TP.HCM yêu cầu Bảo hiểm xã hội TP.HCM tăng cường giám định viên bảo hiểm y tế ở điểm đón tiếp bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, hỗ trợ bệnh viện giải quyết thủ tục cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế đúng với chính sách, không để bệnh nhân bị đưa sang khu khám dịch vụ. Đồng thời đảm bảo nguồn thuốc, hóa chất phục vụ bệnh nhân, không để xảy ra tình trạng bệnh nhân bảo hiểm y tế phải mua thuốc bên ngoài chữa bệnh. Bảo hiểm xã hội VN cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội TP.HCM xem xét xác minh nội dung báo Tuổi Trẻ phản ánh, trả lời Bảo hiểm xã hội VN trước ngày 27-11. L.ANH |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Bảo hiểm y tế: Đẩy bệnh nhân về quận, huyệnMột năm tăng giá viện phí: Dân kêu, bệnh viện cũng kêuNgười nghèo bù đắp khám chữa bệnh cho người giàu! Hành bệnh nhân bảo hiểm y tế khi chuyển viện Bảo hiểm y tế bắt buộc hay “bắt ép”? - Nhịp sống trẻCó thẻ bảo hiểm y tế sao vẫn phải đóng tiền thuốc?Đẩy bệnh nhân ung thư qua khám dịch vụ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận