21/01/2018 12:51 GMT+7

Không thể lạc quan tếu với chương trình giáo dục phổ thông

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Có lạc quan tếu không khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ hô quyết tâm mà thiếu lộ trình chuẩn bị nghiêm túc, thiếu cách làm...

Không thể lạc quan tếu với chương trình giáo dục phổ thông - Ảnh 1.

Nói về tính khả thi của chương trình giáo dục phổ thông mới, một số chủ biên chương trình môn học vừa công bố đều khẳng định đã tính toán đến điều kiện hiện tại và thấy chương trình có thể vận hành ở mức độ vừa phải, rồi sẽ tăng tiến dần.

Ở hàng loạt hội thảo góp ý về chương trình do các sở GD-ĐT tổ chức, phần lớn giáo viên e dè kêu về điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng chốt lại bằng nội dung như khẩu hiệu "Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi xin hứa sẽ thực hiện".

Nhưng có lạc quan tếu không khi thực tế rất nhiều giáo viên, cán bộ quản lý còn lơ mơ về những đổi mới, nhầm "hoạt động trải nghiệm" như đưa học sinh đi tham quan, dạy tích hợp là một tiết học vừa có giáo viên vật lý, giáo viên hóa học, sinh học chia nhau dạy phần của mình...

GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, đã nhấn mạnh khi triển khai chương trình mới diện đại trà, nhất thiết các trường tiểu học phải đảm bảo dạy tối thiểu 6 buổi/tuần nếu không đủ cơ sở vật chất dạy 2 buổi/ngày (10 buổi/tuần), thực hiện nghiêm túc sĩ số 35 học sinh/lớp với bậc tiểu học và 45 học sinh/lớp với bậc trung học và lớp học phải đủ điều kiện để kê bàn ghế theo nhóm chứ không chỉ theo hình thức truyền thống. 

Chỉ với yêu cầu tối thiểu này thôi thì cũng nhiều trường học, nhiều địa phương hiện nay không thực hiện được.

Vị tổng chủ biên nhấn mạnh về tính mềm dẻo, linh hoạt, chủ động của các nhà trường, các thầy cô và học sinh khi tiếp cận chương trình mới. Nhưng đó cũng lại là điểm yếu nhất của ngành giáo dục. 

Muốn thay đổi thì trước hết cần thay đổi cơ chế quản lý, vận hành trong các nhà trường và lộ trình tập huấn, đào tạo giáo viên, cơ chế kiểm soát đảm bảo các nhà trường phải làm thực chất chứ không chỉ "hô xung phong" rồi báo cáo thành tích trên giấy.

Câu chuyện mô hình trường học mới VNEN (phát huy tính chủ động của học sinh) được các chuyên gia đánh giá cao về tính ưu việt nhưng lại vấp phải phản ứng dữ dội từ phụ huynh, giáo viên. Vì sao? 

Nói về điều này, GS Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn toán, cho rằng "nếu không coi đây là bài học để rút kinh nghiệm cho chương trình giáo dục phổ thông mới thì chúng ta cũng sẽ vấp phải khó khăn, thậm chí là thất bại".

Ông Thái lý giải rằng mô hình trường học mới có nhiều ưu điểm, nhưng khi đưa vào thực hiện lại gặp các cản trở do nhận thức của giáo viên, phụ huynh không đúng dẫn tới thực hiện sai so với yêu cầu. Điều này hoàn toàn xảy ra với các chương trình thiết kế tốt nhưng không chuẩn bị đủ yếu tố để thực hiện tốt.

"Mô hình mới là để cho học sinh tự đánh vật với kiến thức, còn giáo viên ra quán nước ngồi", có phụ huynh nói như thế để giải thích lý do "nói không với đổi mới". 

Câu chuyện tưởng như khôi hài này là có thật và rất đáng suy nghĩ. Lỗi không do mô hình mới mà do người thực hiện nó.

Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, "cái khó không phải dạy cho học sinh biết kiến thức mà dạy cho học sinh biết cách làm". Nhưng để trò biết cách làm thì thầy cũng phải biết cách dạy, trường phải biết tổ chức cách dạy. 

Vì vậy, lạc quan, hô quyết tâm nhưng không biết cách, không có lộ trình chuẩn bị nghiêm túc thì chỉ là lạc quan tếu, một tinh thần không cần có với mục tiêu đổi mới hiện nay.

'Không quan tâm nhà giáo, đổi mới giáo dục sẽ không thành công' "Không quan tâm nhà giáo, đổi mới giáo dục sẽ không thành công" 300 phụ huynh phản ứng, trường chấm dứt mô hình VNEN 300 phụ huynh phản ứng, trường chấm dứt mô hình VNEN "Báo cáo VNEN khác xa thực tế" 'Báo cáo VNEN khác xa thực tế'
VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên