Ông Nguyễn Hoàng Hiệp trong cuộc trả lời Tuổi Trẻ - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ông Hiệp cho biết bão số 5 dự báo gây ra một đợt mưa khủng khiếp ở miền Trung, dự báo và cảnh báo lên tới 700 - 800mm trong hai ngày.
Tuy nhiên, thực tế tại Đà Nẵng lượng mưa trong sáu tiếng đồng hồ lên tới hơn 600mm. Theo số liệu đang có của Đà Nẵng, đây là trận mưa 500 năm mới có một lần. Điều này vượt cảnh báo mưa lớn 700mm trong hai ngày.
Với trận mưa lịch sử như vậy, Đà Nẵng ngập lụt ở mức chưa từng có gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Khi yêu cầu người dân kê cao tài sản thì chỉ ở mức như lũ lịch sử năm 2020, bình quân chỉ ngập 0,5m, nhưng hôm đó có chỗ ngập tới 2m, còn ít nhất 0,5m, điều này vượt quá khả năng phòng ngự của người dân.
Ông nói: "Đây là trận mưa mang tính lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta không thể đổ hết cho mưa được. Nếu thế cứ ngồi đợi mưa rồi chịu trận thì không đúng. Rõ ràng có một số vấn đề đặt ra cần tổng kết lại để vừa có chỉ đạo sát hơn, giảm thiểu thiệt hại và công tác phòng chống thiên tai hiệu quả hơn".
Theo ông Hiệp, có ba vấn đề đặt ra. Thứ nhất, tần suất mưa cực đoan xảy ra càng ngày càng cao, chưa biết đến lúc nào lại xảy ra một trận mưa lớn tương tự như vậy. Trước đây có thể 500 năm, nhưng bây giờ có thể chỉ vài năm.
"Đây là vấn đề đặt ra, chúng ta luôn luôn có một câu nói trong vòng năm năm trở lại đây "mưa lũ lịch sử". Như vậy, tần suất mưa lũ cực đoan sẽ thường xuyên hơn nên đây là vấn đề rất lớn nếu chúng ta không lưu tâm", ông nói.
Thứ hai, năng lực thoát lũ ở các đô thị Việt Nam nói chung chỉ đảm bảo mưa tần suất khoảng 30 - 35mm/giờ - đây là năng lực thiết kế, còn năng lực thực tế thì không được, có khi chưa đạt một nửa. Như ở Hà Nội mưa khoảng 300mm trong 48 giờ thì có thể đảm bảo không ngập lụt lớn. Vấn đề đặt ra tại các đô thị Việt Nam đã chứng kiến quá nhiều ngập lụt, vậy phải có giải pháp.
Thứ ba, quy hoạch rồi thì vấn đề hiện nay đối với các đô thị Việt Nam là giải pháp thực hiện quy hoạch hiện không ổn. Như Hà Nội quy hoạch chống lụt rất rõ nhưng đầu tư thực hiện không được bao nhiêu.
Khi có một khu đô thị mới phải có hệ thống thoát nước ở khu đô thị đó, hạ tầng không được bê tông hóa để nước thấm tại chỗ. Điều này quyết định tới vấn đề chống lụt, đây là giải pháp thực hiện quy hoạch mà các đô thị phải tính.
"Hiện nay đối với các đô thị của chúng ta ngoài quy hoạch, kế hoạch đầu tư quy hoạch thì vấn đề đặt ra là phải tính tần suất thiết kế cao hơn, nếu để mức độ như hiện nay thì không đảm bảo", ông Hiệp nói.
* Chúng ta có đang xem nhẹ ứng phó mưa lũ hơn bão?
Cơn bão số 4, là bão mạnh, Thủ tướng phải lập Ban chỉ đạo tiền phương nên sự vào cuộc đồng bộ hơn, thiệt hại ít hơn. Bão số 4 dù rất mạnh trên biển nhưng khi vào gần bờ giảm cấp và mưa nhỏ hơn bão số 5.
Ngay từ đầu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn đã cảnh báo bão Sơn Ca gây mưa rất lớn. Nhưng đợt này là mưa lũ mang yếu tố lịch sử nên có một phần chúng ta không kịp trở tay.
Tuy nhiên phải nói cho công bằng, đúng là hiện nay trong bão thì thiệt hại ít nhưng sau bão thường thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Vấn đề sau bão hiện nay đúng là chỉ đạo thì quyết liệt nhưng ứng phó để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại lớn nhất thì còn nhiều vấn đề. Sau cơn bão số 5, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai sẽ tổng kết và tính toán cách thức tiếp cận sau bão để làm sao chỉ đạo hiệu quả hơn và đặc biệt là cách chỉ đạo thế nào để mọi người dân thấy rằng bão đi qua nhưng chưa phải là thời điểm gây thiệt hại nặng nề nhất, mà thiệt hại lớn nhất là mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất sau bão. Đây là thông điệp, cách thức thực hiện chúng ta cần rút kinh nghiệm.
* Có ý kiến cho rằng nếu dự báo cảnh báo sớm mưa cực đoan chi tiết hơn thì bớt thiệt hại hơn?
Những năm gần đây công tác dự báo ngày càng tốt hơn. Không chỉ có Việt Nam và thế giới, công tác dự báo về mưa là khó nhất. Chỉ có ảnh vệ tinh nhìn mây, nhìn mây dự báo lượng mưa rơi xuống. Với điều kiện biến đổi khí hậu, khi mây tích tụ ở mức cực đoan thì cảnh báo, dự báo khó khăn hơn bởi các số liệu dự báo nhiều khi không còn theo quy luật bình thường. Trong cơn bão số 5, các mô hình tính toán mưa của các đài trên thế giới dự báo thấp hơn của Việt Nam.
Chúng ta cũng đã dự báo chính xác mưa, dông trước 6 tiếng đồng hồ. Nhưng vấn đề là truyền tải thông tin thế nào đến người dân. Bà con không phải lúc nào cũng vào trang mạng để xem các thông tin dự báo thời tiết trong 6 tiếng tới thế nào. Khi có dự báo như vậy thì địa phương phải có phương thức cảnh báo, truyền tin bằng truyền thanh, loa,… để người dân chủ động ứng phó. Việc này chúng tôi cũng đang nghiên cứu phối hợp cùng chính quyền địa phương để truyền tin sớm, nếu trước được 6 tiếng thì giải quyết được nhiều chuyện.
Ngoài ra, chúng ta phải tăng cường thiết bị dự báo, cảnh báo. Như ở Nhật dự báo tính theo mét vuông, còn Việt Nam tính theo kilômet vuông (đến cấp xã) nếu muốn chia nhỏ như Nhật thì phải có đầy đủ trang thiết bị.
Đồng thời phải có bài toán tính toán trong điều kiện mưa cực đoan ở Việt Nam khác các nước xung quanh như thế nào để đưa thêm điều kiện vào.
* Qua trận lụt lịch sử Đà Nẵng, chúng ta cần kịch bản chi tiết ứng phó với mưa cực đoan trong thời gian ngắn?
Theo quy định, mỗi một địa phương phải có kế hoạch và kịch bản trong 5 năm và từng năm về phòng chống thiên tai. Trong đó, có kịch bản bão cấp bao nhiêu thì sơ tán bao nhiêu dân, lượng mưa bao nhiêu thì ngập lụt ở đâu.
Các bản đồ ngập lụt ở các lưu vực sông cơ bản chúng ta đã có. Ví dụ mưa 500mm thì ngập lụt đến đâu thì phải di tản dân ở chỗ nào thì chính quyền địa phương đến cấp xã đều đã có và hiện nay chúng ta đang thực hiện nghiêm việc này.
Tuy nhiên, có kịch bản là một câu chuyện, đối với chống bão chúng ta đang vận hành rất tốt, điển hình là cơn bão số 4. Tuy nhiên, kịch bản về mưa chúng ta mới khuyến cáo được đảm bảo tính mạng, mưa như thế, ngập như thế phải kê tài sản lên cao đang làm khá tốt. Còn mưa ngập lụt diện rộng như ở Đà Nẵng thì làm thế nào để bảo vệ tài sản của nhân dân thì đây là câu chuyện rất lớn mà quy hoạch đô thị tới đây các địa phương phải tính.
Ví dụ, Đà Nẵng rất nhiều ô tô bị ngập nước, đây là tài sản lớn. Vậy thì giải quyết chuyện ngập này như thế nào khi ngập lụt. Ở một số nước ngập lụt nhiều thì họ sử dụng kích tại chỗ, có thể kinh phí tốn kém nhưng người dân cũng cần chủ động đầu tư vì đây là một trong những giải pháp.
Vấn đề đặt ra là tài sản người dân khi có ngập lụt phải tính toán kỹ, nếu ngập lụt mà ngồi nhìn, không có giải pháp thì không ổn. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương phải có kịch bản ứng phó mưa, đặc biệt là mưa cực đoan, trong đó phải đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.
Khu đô thị phải có những trang thiết bị đặc chủng
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, lũ lụt ở Đà Nẵng đợt này quá lớn, nhiều nơi lên hơn 2m, vì vậy các khu đô thị phải có những trang thiết bị rất đặc chủng để tiếp cận cứu hộ, cứu nạn.
"Những trang thiết bị này sử dụng được ở mọi tình huống và đảm bảo trong mọi điều kiện thời tiết để tiếp cận cứu hộ, cứu nạn nhanh nhất, đặc biệt là khi mất điện. Vừa rồi mất điện thì mất liên lạc rất nhiều. Do đó phương tiện và liên lạc giữa người dân và lực lượng cứu hộ cứu nạn cần đặt ra qua trận lụt Đà Nẵng", ông Hiệp nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận