10/06/2023 13:05 GMT+7

Không thể để thiếu điện kéo dài

Tình trạng thiếu điện diễn ra trên diện rộng trong thời gian qua tại các địa phương phía Bắc đang đặt ra những thách thức lớn trong vận hành hệ thống điện và gây ra nỗi lo tình trạng này kéo dài.

Khô hạn kéo dài đã khiến lòng hồ sông Đà tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cạn trơ sỏi đá - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Khô hạn kéo dài đã khiến lòng hồ sông Đà tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cạn trơ sỏi đá - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Vậy giải quyết bài toán thiếu điện trong cả ngắn hạn và dài hạn thế nào để việc thiếu điện không thể trở thành nỗi lo kéo dài?

Đã từng có những cảnh báo về thiếu điện

Mấy ngày gần đây, miền Bắc "hạ nhiệt" nhờ những cơn mưa phần nào giúp hệ thống điện bớt căng thẳng. Theo Bộ Công Thương, công suất khả dụng của toàn hệ thống thủy điện miền Bắc ngày 8-6 là 4.147MW, cao hơn 15MW so với ngày trước đó. 

Dù vậy, áp lực vận hành hệ thống hồ chứa sẽ còn nhiều khó khăn trong những ngày tới và tạo gánh nặng lên nhiệt điện than. Việc huy động nguồn liên tục cũng khiến nhiều nhà máy nhiệt điện than gặp sự cố, với tổng công suất lên tới 2.600MW.

Lý giải về việc thiếu điện, ông Hà Đăng Sơn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho biết đã cảnh báo thiếu điện ở phía Bắc vào các năm trước. Lý do là nguồn cung điện không có nguồn mới, các dự án thủy điện lớn đã xây dựng hết. Trong khi việc phát triển nguồn điện thời gian qua chủ yếu là năng lượng tái tạo ở phía Nam nhờ cơ chế giá cố định (giá FIT), nhưng lại không đồng bộ lưới truyền tải.

Thực tế này dẫn tới sự đầu tư ồ ạt của rất nhiều dự án điện tái tạo nhưng lại không được sử dụng hiệu quả. Ông Sơn cho rằng trong những năm tới, việc đầu tư nguồn điện cho các địa phương phía Bắc vẫn sẽ là vấn đề được đặt ra bởi chỉ xây dựng một dự án nguồn lớn như LNG, thời gian đi vào vận hành xây dựng mới mất từ 3-5 năm nữa, nguy cơ thiếu điện sẽ rất cao.

Là người có nhiều năm theo dõi ngành năng lượng, ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tỏ ra sốt ruột trước tình trạng này. Theo ông Ngãi, trong suốt thời gian dài không có nhiều nguồn điện lớn nào đi vào vận hành. Hệ thống điện được xây dựng với quy mô khoảng 80.000MW với nhiều nhà máy điện than, khí, thủy điện, nhưng do El Nino nên thủy điện thiếu nước. 

Năng lượng tái tạo thì không ổn định dù có tới 27.000MW song chỉ một đám mây đi qua cũng làm ảnh hưởng hệ thống. "Vậy tới đây để đảm bảo cung ứng điện sẽ như thế nào khi theo Quy hoạch điện 8 chủ yếu là nguồn năng lượng tái tạo?", ông Ngãi đặt câu hỏi.

Theo ông Ngãi, việc triển khai các dự án điện thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn cả về cơ chế và triển khai thực tế. Đặc biệt trong huy động nguồn vốn cho các dự án điện lên tới hàng tỉ USD, nhưng hiện không còn cơ chế bảo lãnh Chính phủ nên "không ai dám đầu tư". Các cơ chế thúc đẩy tiến độ dự án như đấu thầu, cơ chế đặc thù... cũng chưa có nên việc triển khai chậm trễ. 

Trong khi đó, với Quy hoạch điện 8 mới ban hành, bên cạnh danh mục dự án đã được phê duyệt thì hầu như các dự án đều không có "địa chỉ" rõ ràng (không quy định chủ đầu tư và dự án cụ thể) nên ông Ngãi cho rằng có nhiều việc cần phải sớm công bố kế hoạch hành động triển khai Quy hoạch điện 8 với các địa chỉ cụ thể, làm căn cứ sớm đẩy nhanh tiến độ các dự án, tạo nguồn cho giai đoạn tiếp theo.

Mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) gần về mực nước chết (mực nước chết ở cao trình 155m) - Ảnh: DOÃN HÒA

Mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) gần về mực nước chết (mực nước chết ở cao trình 155m) - Ảnh: DOÃN HÒA

Sớm triển khai cụ thể Quy hoạch điện 8

Đặt trong bối cảnh tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn tới rất cao, ông Võ Quang Lâm, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho hay từ năm 2016 đến nay chưa có nhà máy lớn nào khởi công. Do đó, ông Lâm cho biết việc đẩy nhanh các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện 8 đang được EVN triển khai theo thẩm quyền đã được nêu trong Quy hoạch điện 8. 

Đơn cử như xây dựng đường truyền tải mạch 3, Quy hoạch điện 8 phê duyệt đầu tư dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, kết nối đến Hưng Yên để khép kín mạch vòng hiện vừa được đầu tư là đường dây truyền tải mạch 3 từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) trở vào.

"Dự án này được nêu trong Quy hoạch điện 8 là thực hiện từ nay đến năm 2030, nhưng đây là vấn đề cấp thiết nên EVN đang giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) báo cáo bộ ngành để thực hiện ngay dự án này. Nếu dốc sức làm thì sẽ tháo gỡ thêm 1.000 - 1.500MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc. 

EVN cũng đang giao các đơn vị triển khai các dự án lưới điện kết nối thủy điện nhỏ, huy động nguồn này vào các giờ cao điểm khi nguồn năng lượng mặt trời bị hạn chế, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc", ông Lâm thông tin và bày tỏ việc triển khai các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư mới cần xác định chủ đầu tư, thủ tục đầu tư đều "rất nan giải".

Đồng quan điểm, ông Hà Đăng Sơn cho rằng cần sớm ban hành kế hoạch thực hiện triển khai Quy hoạch điện 8. Bởi Quy hoạch điện 8 có đặc thù riêng không như các quy hoạch điện trước đây, lại được xây dựng khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, nên việc triển khai thực hiện quy hoạch không chỉ đơn giản là bài toán nguồn và lưới điện.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng để thu hút đầu tư ngành điện thì cần tạo ra khung khổ chính sách mà người đầu tư, người tiêu dùng dự đoán được. Bởi theo ông, nhà đầu tư không đầu tư vì chính sách không ổn định, không dự tính được, nên quan trọng nhất là hệ thống chính sách ổn định, thủ tục hành chính giảm bớt càng nhiều càng tốt để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư vào ngành điện.

Trả lời Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Công Thương cũng cho hay nếu không sớm triển khai ngay Quy hoạch điện 8, đẩy nhanh các dự án nguồn, lưới điện và thúc đẩy vận hành thị trường điện thì sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu điện cho dài hạn. Mặc dù quy hoạch điện có liên quan tới quy hoạch quốc gia và quy hoạch địa phương, nhưng Bộ Công Thương vẫn chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để sớm trình Thủ tướng xem xét, ban hành, làm cơ sở triển khai thực hiện, đầu tư các dự án nguồn và lưới điện.

Một khách sạn tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phải huy động máy phát điện công suất lớn để duy trì hoạt động trong lúc bị cắt điện - Ảnh: TIẾN THẮNG

Một khách sạn tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phải huy động máy phát điện công suất lớn để duy trì hoạt động trong lúc bị cắt điện - Ảnh: TIẾN THẮNG

* Đại biểu Quốc hội TRẦN HOÀNG NGÂN (TP.HCM):

Thúc đẩy nhanh thị trường bán lẻ điện cạnh tranh

Các tỉnh phía Bắc chủ yếu sử dụng thủy điện nên khi thiếu nước thì thiếu điện. Do đó để giải quyết bài toán này, trước hết phải tiết kiệm điện. Ngoài công tác tuyên truyền, cần gắn với giá điện. Điều quan trọng nhất là cần thúc đẩy nhanh thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Trong đó cần chấp nhận có những thời điểm giá rất thấp nhưng cũng có thời điểm giá rất cao. Như hiện nay với tình trạng khan hiếm thì cần chấp nhận giá cao, đồng thời những người dùng ít thì trả ít nhưng người dùng nhiều phải trả giá cao.

Bên cạnh đó phải tạo được cạnh tranh trong thị trường bán lẻ bằng cách huy động nhiều doanh nghiệp, thành phần cùng tham gia. Cùng với đó phải làm sao để người tiêu thụ gắn với người sản xuất và có thể tiến tới mua trực tiếp từ nhà sản xuất.

Đồng thời phân khúc ra và giá cả có thể khác nhau ở từng khu vực. Khi đó, chúng ta sẽ có thị trường bán lẻ tốt, minh bạch, tiết kiệm hơn. Điều quan trọng là cần tìm cơ chế đẩy mạnh, khuyến khích thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Với giai đoạn cấp bách đang thiếu điện hiện nay, Chính phủ nên xây dựng cơ chế đặc biệt cho tình huống đặc biệt để xử lý, đưa các dự án điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió có thể hòa ngay vào mạng lưới điện quốc gia.

Còn vấn đề giá cả hay các vấn đề khác có thể tính sau. EVN cũng đang rất tích cực trong đàm phán nhưng nếu thực hiện đúng quy định sẽ cần thời gian rất lâu nên cần sớm có cơ chế đặc biệt để xử lý.

Về lâu dài cần có ưu tiên, có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân, mái công trình xây dựng. Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp.

Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

THÀNH CHUNG ghi

Lập đoàn thanh tra EVN về cung ứng điện

Ngày 9-6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với đoàn thanh tra chuyên ngành về điện nhằm triển khai cụ thể những yêu cầu, nội dung và thời gian thanh tra.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, bộ trưởng yêu cầu đoàn thanh tra làm việc công tâm, khách quan dựa trên quy định của pháp luật và quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng; tình hình và kết quả thực hiện của EVN.

Theo đó, cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật), tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Công nhân vận hành Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA

Công nhân vận hành Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA

Chờ lũ tháng 7 về sông Đà, giải tỏa bớt căng thẳng?

Chiều 9-6, tại tọa đàm "Giải quyết bài toán thiếu điện cách nào?" do Câu lạc bộ Truyền thông số tổ chức, thông tin về hệ thống điện miền Bắc, ông Nguyễn Quốc Trung, phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho biết đã phải "làm tất cả mọi cách". Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải huy động các nhà máy chạy dầu, giá hơn 5.000 đồng/kWh. PVN cấp khí, TKV cấp than cho nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân và không thực hiện sửa chữa trong giai đoạn này.

Một giải pháp nữa là chuyển điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc. Thông thường, công suất truyền tải trên đường dây là 2.400MW, nhưng trong ngắn hạn đã tăng lên 2.500MW - mức tương đối khó khăn, vất vả trong vận hành. Do đó, A0 phải đưa vào một loạt hệ thống tự động giám sát vận hành để kịp thời tác động giữ ổn định hệ thống.

Ngoài ra, A0 cũng vận hành tối ưu hơn 200 nhà máy thủy điện nhỏ ở miền Bắc vào thời điểm khách hàng cần, hạn chế tối thiểu việc cắt điện, làm lợi cho miền Bắc hơn 1.000MW. Tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc nhưng số lượng cũng được rất ít.

"Nếu không tiết kiệm điện, không có biện pháp cấp bách, nếu thủy điện Hòa Bình dừng thì mất 1.920MW, tình hình sẽ rất khó khăn, căng thẳng hơn rất nhiều. Đây là nhà máy điều tần cho hệ thống. Khi không còn, còn ảnh hưởng cả quốc gia", ông Trung nói.

Về tình hình cung cấp điện thời gian tới, ông Trung nói dự báo có lũ về trong tháng 7. Do đó hy vọng cuối tháng 6 và đầu tháng 7 có lũ thượng nguồn ở sông Đà, tình hình căng thẳng trong cung ứng điện sẽ được giải tỏa. Giai đoạn trước mắt cần thực hiện có hiệu quả việc tiết kiệm và thực hiện điều chỉnh phụ tải với nhóm khách hàng lớn.

Thông tin thêm, ông Võ Quang Lâm, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết một số nhà máy nhiệt điện gặp sự cố nên sẽ cố gắng sớm nhất có thể để đưa vào vận hành trở lại.

N.AN

Các nước cũng tìm đủ cách xoay trở

Hiện nay nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt điện trầm trọng, khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ và gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Dù xuất phát từ những lý do khác nhau, chính quyền các nước đều đang tìm đến các nguồn năng lượng bền vững để bổ sung vào lưới điện quốc gia.

Ngày 22-5, bộ trưởng nội các Bangladesh tuyên bố cắt thêm một ngày đến trường của học sinh để tiết kiệm điện (còn 5 ngày/tuần). Các văn phòng công quyền và ngân hàng sẽ phải giảm giờ hoạt động xuống còn 7 giờ/ngày (thay vì 8 giờ).

Tại Nam Phi, sau khi ban bố "tình trạng thảm họa" quốc gia đối với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài, chính phủ cho phép các quy trình xử lý khẩn cấp với ít ràng buộc hành chính hơn. Đến ngày 19-5, Nam Phi đã cấp cho Karpowership, một công ty có đội tàu khí đốt nổi của Thổ Nhĩ Kỳ, quyền tiếp cận ba cảng Ngqura, Durban và vịnh Saldanha trong thời hạn 20 năm để các tàu này tạo ra năng lượng trên các tàu khí đốt nổi của mình và phân phối vào lưới điện.

Ngoài ra, quốc gia này còn thúc đẩy chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân sản xuất điện gió và điện mặt trời nhiều quy mô, cả đến từng hộ dân.

Tại Trung Quốc, chính quyền đã đối phó bằng cách thúc đẩy xây dựng ồ ạt các nhà máy nhiệt điện than mới. Đồng thời, quốc gia này đang tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo. Trong một tuyên bố riêng, Trung Quốc sẽ đưa lượng điện gió và năng lượng mặt trời lên mức kỷ lục 160 Gigawatt trong năm nay.

NGUYÊN HẠNH

EVN "đang làm tất cả mọi cách" để cung cấp điện cho miền BắcEVN 'đang làm tất cả mọi cách' để cung cấp điện cho miền Bắc

Để cung ứng điện cho miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải huy động tối ưu các nguồn, thậm chí cả nguồn chạy dầu giá cao tới 5.000 đồng/kWh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên