![]() |
Lao động Trung Quốc uốn sắt để xây dựng công trình ở mỏ bôxit Nhân Cơ (Đắk Nông) - Ảnh: Viễn Sự |
Nhật, Hàn vẫn dùng lao động VN
Ông thứ trưởng nói: “Ý thức kỷ luật và năng suất làm việc của lao động ta kém”. Tôi không đồng ý với đánh giá này. Có thể có một số nào đó kém do không được đào tạo, huấn luyện, vô tổ chức, vô kỷ luật. Nhưng không thể nói là số đông, số lớn hay toàn bộ lao động của VN kém về ý thức kỷ luật và năng suất làm việc. Bằng chứng là trên nhiều công trình do chính VN làm chủ đầu tư, chính doanh nghiệp VN trúng thầu và tổ chức thi công đã đạt được chất lượng tốt, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình; công nhân VN làm việc có kỷ luật, năng suất và chất lượng.
Nhiều doanh nghiệp trúng thầu khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sử dụng lao động VN và đem lại kết quả tốt.
Tôi cho rằng Bộ Lao động - thương binh và xã hội có trách nhiệm một phần, chủ yếu là về kiểm tra, kiểm soát và đề xuất chính sách. Nhưng cái chính là các chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc đã sơ hở hoặc vì “mặc cả” với nhà thầu đã không đưa các điều khoản về sử dụng lao động phổ thông trong nước vào hợp đồng. Chính quyền địa phương và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cũng không quản lý chặt lao động không phép là người nước ngoài.
Nên nhanh chóng chấn chỉnh
Tôi rất không đồng tình với cách trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, nói như ông thì lâu nay nền kinh tế VN đạt được những tiến bộ vượt bậc là không phải thành quả của người lao động VN? Cho dù người lao động VN còn một bộ phận có khiếm khuyết, nhưng trách nhiệm này thuộc về những người lãnh đạo. Công tác đào tạo nghề thời gian qua triển khai tốn nhiều tiền của, hiệu quả ra sao? Luật còn kẽ hở, ta đã phát hiện và chỉnh sửa chưa? Chính quyền địa phương kiểm soát chưa nghiêm... Các cơ quan có trách nhiệm đã phát hiện và yêu cầu xử lý chưa? Đừng nên đổ lỗi cho cấp dưới như thế, mà hãy nhanh chóng chấn chỉnh tình hình và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.
Các công trình lớn công nhân VN làm là chính
Hãy xem lại những công trình lớn và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhiều, như liên doanh tìm kiếm dầu khí, xây dựng nhà máy lọc dầu, thủy điện Hòa Bình, Trị An, xây cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ... thì nhà thầu nước ngoài có sử dụng người lao động VN không? Đương nhiên người VN tham gia là chính và được đánh giá tốt. Cái vốn lớn nhất là qua những công trình dự án này thì bao nhiêu công nhân lành nghề và chuyên viên kỹ thuật VN đã trưởng thành, hơn nữa lại còn tự đảm đương nhiều công trình mới. Tại sao Bộ Lao động - thương binh và xã hội không tổng kết đánh giá những bài học tốt này để đề xuất với Chính phủ có những giải pháp phát huy. Và câu hỏi đặt ra là tại sao người Việt có tiếng là lao động cần cù, sáng tạo lại không tham gia những công trình này?
Người chủ chọn công nhân nào có lợi cho họ hơn Tôi đã làm việc với những nhà thầu Trung Quốc này. Ai cũng hiểu rằng họ đưa lao động bên họ sang để giải quyết nhu cầu công việc của nước họ, nhưng nhìn lại thì nên tự trách mình. Họ chấp nhận tốn chi phí hơn để đưa công nhân phổ thông của họ sang, họ được lợi gì? Ngôn ngữ chung, họ dễ bảo nhau, năng suất làm việc cao hơn. Nhiều công nhân VN làm việc thiếu kỷ luật, năng suất kém lại khó bảo. Là một ông chủ, ai cũng biết nên chọn bên nào có lợi nhất. Vì vậy, cơ quan quản lý phải có những biện pháp để giải quyết vấn đề này. Bên cạnh việc đưa ra hành lang pháp lý buộc họ phải sử dụng lao động của mình thì cũng phải có biện pháp để họ an tâm sử dụng lao động đó. Dạy nghề, dạy kỹ năng cho lao động của mình là việc làm bắt buộc. Nếu cơ quan quản lý không làm được cả hai việc trên thì chẳng thay đổi được gì cả. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận