11/04/2012 07:01 GMT+7

Không thể chọn nghề thay học sinh

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TT - Dù “đẩy mạnh phân luồng học sinh” là chủ trương đặt ra nhiều năm qua, nhưng việc thực hiện không có nhiều chuyển biến.

Nhân việc Vĩnh Phúc thực hiện đề án phân luồng học sinh, ông Hoàng Ngọc Vinh, vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp- Bộ GD-ĐT, cho rằng:

Học kém: không cho thi đại học

lAuWlqCQ.jpgPhóng to

Trường THPT Lê Xoay - một trong những trường ở Vĩnh Phúc có tỉ lệ đăng ký thi ĐH, CĐ rất cao - Ảnh: NGỌC HÀ

- Phân luồng học sinh sau THCS và THPT là việc cần thiết để đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực hiện nay. Nhưng đây là việc rất khó. Khó khăn nhất là hạn chế trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền nhiều địa phương, nhận thức của các gia đình, học sinh, đoàn thể xã hội và của cả giới truyền thông. Tâm lý học hết phổ thông thì phải thi đại học, vào được đại học mới tốt, mới hơn người, mới là thành tích đáng kể đã khiến giới trẻ chỉ chuyên tâm một con đường thi đại học. Trong khi đó không phải nơi nào cấp lãnh đạo cũng có được nhận thức, quyết tâm, chủ trương, giải pháp quyết liệt để thúc đẩy việc phân luồng.

Dự kiến gần 1/2 học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề

Theo đề án “Dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo” của Vĩnh Phúc, mỗi năm tỉnh sẽ dạy nghề cho 125.000 lao động, trong đó ưu tiên 100% cho học sinh phân luồng. Bà Dương Thị Tuyến- phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho rằng: “Thực hiện việc phân luồng học sinh chính là để lo cho 10-15 năm nữa”. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2015 tỉ lệ lao động qua đào tạo là 66%, trong đó qua đào tạo nghề là 50%; tỉ lệ tương ứng cho năm 2020 là 80% và 64%.

Bà Tuyến cho biết để thực hiện đề án, các biện pháp đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS và THPT được UBND tỉnh đề ra rất cụ thể. Theo đó, năm học 2012-2013 tuyển sinh vào lớp 10 phổ thông chiếm 75% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS, ổn định 70% vào các năm tiếp theo. Các nhà trường, cơ sở giáo dục, cơ quan truyền thông tuyên truyền vận động, tổ chức để 30-35% học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề, ổn định 40-50% vào các năm sau. Tỉnh cũng yêu cầu các nhà trường đổi mới, làm chuyển biến công tác hướng nghiệp, đào tạo giáo viên hướng nghiệp chính quy. Đặc biệt, ngay từ tháng 4-2012, tỉnh sẽ tổ chức để các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp sử dụng lao động trực tiếp đến các trường THPT tham gia hướng nghiệp, cung cấp cho học sinh những địa chỉ đào tạo, các chính sách ưu đãi học nghề...

* Trong bối cảnh còn nhiều cản trở trong việc thúc đẩy phân luồng học sinh phổ thông, có những tỉnh đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp để thu hút học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào các trường nghề, giảm tỉ lệ học sinh đăng ký thi đại học như cách làm của tỉnh Vĩnh Phúc, ông đánh giá thế nào về việc này?

- Việc hỗ trợ tiền cho học sinh tốt nghiệp THCS và THPT chuyển sang học nghề, hỗ trợ cho cơ sở đào tạo nghề, những nơi tạo điều kiện công việc cho học sinh học nghề tại địa phương như cách tỉnh Vĩnh Phúc đang làm rất đáng hoan nghênh. Ở đâu đảng ủy, chính quyền quan tâm, có chính sách đầu tư thích đáng thì việc phân luồng mới có chuyển biến. Với việc quan tâm đến phân luồng học sinh để dạy nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực, những nơi như Vĩnh Phúc có thể sẽ đi trước nơi khác về mục tiêu công nghiệp hóa. Ở một số địa phương khác như TP.HCM, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... việc phân luồng học sinh và tăng tỉ lệ học sinh vào học trường nghề, TCCN được làm rất tốt do đảng ủy, chính quyền quan tâm đúng mức cho việc này.

* Nhưng nhiều trường đã phân loại học sinh và từ chối thu hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh có kết quả khảo sát chất lượng kém hoặc đề nghị các em phải suy nghĩ để chọn lựa lại. Việc này có nên không?

- Mọi giải pháp phân luồng vẫn phải bám sát khung luật pháp, quan tâm đến các yếu tố văn hóa và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học. Tôi nghĩ nếu chủ trương phân luồng học sinh được thực thi một cách ép buộc thì không được và cũng không hiệu quả. Các trường chỉ nên cung cấp thông tin về những sự lựa chọn khác nhau để học sinh tham khảo, tư vấn cho học sinh lựa chọn ngành, trường học phù hợp năng lực, hoàn cảnh, sở thích. Việc khảo sát chất lượng và công bố kết quả học tập, kiểm tra của học sinh và khuyến cáo đối với các em là cần thiết, nhưng không thể làm thay các em trong việc quyết định chọn trường, chọn nghề cho tương lai.

* Theo ông, nhân việc Vĩnh Phúc đã làm là phân loại học sinh kém để vận động vào trường nghề, TCCN, cơ quan quản lý nhà nước có nên đặt ra quy định chung về điều kiện học sinh được thi đại học, áp dụng trên toàn quốc để giảm quá tải lượng học sinh đua chen thi vào đại học không?

- Tôi nghĩ không nên, ít nhất là bây giờ. Vì một quy định như vậy phải cân nhắc đến yếu tố xã hội, kinh tế (việc làm có sẵn) đến thói quen văn hóa tồn tại lâu nay. Việc người dân mong muốn, khao khát cho con thi đại học là chính đáng. Nhưng vấn đề là dù biết “thi sẽ trượt” không chỉ do họ hạn chế về thông tin. Con nhà hàng xóm thi đại học thì con mình cũng phải thi cho “bằng anh bằng em”, thi không đỗ nhưng cũng thỏa mong ước “được đi thi” (tương tự như đi thi Olympic thể thao của ta vậy, biết không đoạt giải nhưng có khi vẫn tham gia để “học hỏi”). Đó là những suy nghĩ ăn sâu vào số đông người dân. Vì thế, một quy định cứng nhắc sẽ gây phản ứng bất lợi. Hơn nữa, khi xây dựng một quy định như thế, cần phải có những nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh làm căn cứ, nghiên cứu trên nhiều bình diện, không thể tùy hứng được.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga:

Có thể mở rộng phân luồng sau kỳ thi đại học

Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng cả một bản đề án dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, trong đó một mục tiêu trọng tâm được đề ra là phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT cho thấy các cấp ủy Đảng đã vào cuộc quyết liệt cùng ngành giáo dục định hướng cho các em con đường tốt nhất vào đời. Tuy nhiên, việc phân luồng học sinh phổ thông không nên giới hạn máy móc ngay trước kỳ thi ĐH. Nếu học sinh có nguyện vọng được thi vào ĐH thì mọi biện pháp hành chính ép các em không được thi đều phản khoa học và không đúng luật. Chất lượng học THPT không thể đánh giá hết khả năng em đó có vào được ĐH hay không. Các trường ĐH đào tạo năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao không đòi hỏi các em phải học quá tốt chương trình phổ thông. Đó có thể là cánh cửa các em lựa chọn thì sao?

Do đó, theo tôi, nếu đã có chủ trương phân luồng tốt, với hệ thống chính sách hỗ trợ người học nghề, người tổ chức dạy nghề như Vĩnh Phúc thì hoàn toàn có thể mở rộng thực hiện phân luồng hiệu quả sau kỳ thi ĐH. Thực tế, chỉ có 25% thí sinh dự thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ. Số thí sinh dự thi ĐH, CĐ hằng năm là học sinh lớp 12 có khoảng 80.000 em, có đến 60.000-70.000 thí sinh thi mỗi năm là những người không đỗ ĐH năm trước tham gia thi lại. Nói vậy để thấy rằng số lượng học sinh cần phân luồng sau kỳ thi tuyển sinh rất lớn. Sự hỗ trợ tài chính cho người học nghề, sự tư vấn tận tâm của những giáo viên hướng nghiệp ngay tại trường từ cấp THCS sẽ tránh được những cú “sốc” mà một số trường THPT cá biệt đang tạo ra bằng cách thiết lập rào chắn không đúng luật: học kém thì không được thi ĐH.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên