Tác giả là giáo sư, tiến sĩ luật Nguyễn Vân Nam, người vốn quen thuộc với lĩnh vực sở hữu trí tuệ không chỉ ở Việt Nam. Trong câu chuyện xoay quanh quyền tác giả và tác phẩm mới, ông Nguyễn Vân Nam chia sẻ với Tuổi Trẻ:
* Ông có thể mô tả một cách dễ hình dung rằng vấn đề quyền tác giả có vị trí như thế nào trong quá trình hội nhập của Việt Nam, và quyển sách Quyền tác giả - đường hội nhập không trải hoa hồng sẽ có đóng góp gì cho việc khẳng định vị trí ấy?
- Trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế, không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có hẳn một hiệp định riêng về quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), và quy định rằng các thành viên của WTO còn có nghĩa vụ tuân theo Công ước Berne.
Bởi vì trong kinh tế thế giới, quyền sở hữu trí tuệ không trừu tượng mà mang lại lợi ích kinh tế và được giao dịch một cách trực tiếp, mang lại quyền và lợi nhuận kinh tế rất lớn, quan trọng, trong giao thương các nước.
Cho nên TRIPS và Berne đã thống nhất các chuẩn mực chung tối thiểu về Luật quyền sở hữu công nghiệp và Luật quyền tác giả mà các nước thành viên có nghĩa vụ tuân thủ.
Các nước thành viên không được ra các điều luật hạ thấp chuẩn mực bảo vệ quyền tác giả hơn chuẩn của Công ước Berne.
Nhìn dưới góc độ này, luật về quyền tác giả của ta không những thấp hơn mà còn sơ hở nhiều, không thể bảo vệ quyền tác giả của người Việt Nam theo chuẩn mực tối thiểu của Công ước Berne.
Vì vậy việc giao dịch và chuyển giao công nghệ ở ta cực kỳ khó khăn, mà lĩnh vực phần mềm chuyên dụng, chương trình máy tính là điển hình. Hậu quả nhãn tiền là ta không mua được công nghệ tiên tiến với giá cả hợp lý.
Trong văn học nghệ thuật và thể thao, ta không được thụ hưởng các chương trình biểu diễn lớn của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, không được xem các giải đấu quốc tế hấp dẫn, vì người ta rất ít khi đưa các chương trình ấy đến Việt Nam.
Vì sao? Vì đây là những sản phẩm được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, họ nghi ngại quyền lợi của mình ở đây không được bảo hộ đứng đắn. Ta bị ảnh hưởng lớn là vì vậy.
Việt Nam mới bước chân vào lĩnh vực này từ lúc mở cửa, và cái mới thì lúc đầu tất nhiên khó có thể hiểu đúng ngay được.
Đây là lý do sinh ra rất nhiều cãi cọ về quyền tác giả ở Việt Nam. Thực ra, các cuộc cãi cọ ấy chỉ là "tưởng rằng đây là quyền tác giả".
Ví dụ cãi nhau về "đạo ý tưởng", cãi nhau về "đạo tác phẩm" và tác phẩm phát sinh, vì người ta chưa có kiến thức cơ bản để định hướng nghĩ thế nào là đúng.
Công trình bình luận luật về quyền tác giả dày hơn 600 trang viết trong 5 năm do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN
Bắt tay vào mới thấy gần như bất cứ một điều luật nào của Luật về quyền tác giả Việt Nam cũng có vấn đề: thiếu sót, không rõ ràng và sai. Cho nên quyển sách bình luận luật này viết trong 5 năm mà cũng chỉ mới hoàn thành tập 1. Quá nhiều vấn đề sai, nghiêm trọng. Ví dụ, Công ước Berne quy định một điều quan trọng nhất: quyền được công nhận là tác giả, vậy mà Luật về quyền tác giả Việt Nam không có điều này.
Luật sư Nguyễn Vân Nam
* Ông vừa nói ở Việt Nam có cách hiểu về "đạo" không đúng. Ông có thể nói cụ thể hơn?
- Do những người làm luật ở Việt Nam hiểu không đúng về quyền tác giả.
Chẳng hạn ý tưởng thì không được bảo hộ theo quyền tác giả, cho nên những trường hợp cáo buộc đạo ý tưởng ở Việt Nam là không đúng và không cần phải xem xét làm gì. Ý tưởng chỉ được bảo hộ bằng quyền sở hữu công nghiệp và bí mật kinh doanh thôi.
Thêm vào đó, định nghĩa về "tác phẩm" của Việt Nam là sai so với định nghĩa của Công ước Berne, ví dụ trường hợp số 9 tôi nêu trong sách (từ trang 315-317): luật Việt Nam sai hẳn so với Công ước Berne.
Công ước Berne định nghĩa tác phẩm là sản phẩm sáng tạo tinh thần mang dấu ấn cá nhân, trong khi đó Việt Nam định nghĩa tác phẩm chỉ là "sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào".
Việt Nam không có cơ sở phân biệt tác phẩm nguồn và tác phẩm phát sinh là bởi không quy định về "dấu ấn cá nhân" này.
Tác phẩm phát sinh là tác phẩm phải mang cả hai dấu ấn cá nhân, của tác giả tác phẩm nguồn và của tác giả làm tác phẩm phát sinh.
Đây là điều cơ bản nhất. Điều này mới mẻ, nhưng cơ bản và rất quan trọng trong quá trình hội nhập với các chuẩn mực quốc tế chung tối thiểu.
Trái với Công ước Berne, luật của Việt Nam cũng không quy định tác giả có "quyền được công nhận là tác giả"; vì vậy, nếu hiểu theo chuẩn mực quốc tế "đạo là cướp đoạt quyền được công nhận là tác giả" thì tác giả Việt Nam không có quyền được công nhận là tác giả. Vì vậy không thể có hành vi "đạo tác phẩm" tại Việt Nam.
Còn một điều nữa: Suy đoán là tác giả, Việt Nam cũng không có quy định này trong khi Berne có quy định và đây là một yếu tố quan trọng trong các giao dịch về quyền tác giả. Ta thiếu như vậy thì làm sao mà phát triển được?
* Vậy trong thực tế công việc ở Việt Nam, ông phân biệt "đạo" và làm tác phẩm phát sinh như thế nào?
- "Đạo" theo nghĩa chung nhất là lấy của người khác làm của mình, trong quyền tác giả, đạo là chiếm đoạt quyền công nhận là tác giả của người khác.
Vì luật Việt Nam không có quy định "dấu ấn sáng tạo cá nhân" cho tác phẩm, nên lâu nay tôi phân biệt hành vi "đạo" bằng cách tác phẩm nào lấy nguyên xi của người khác và đề tên mình thì đó là đạo; còn nếu lấy tác phẩm và có sửa đổi gì đó thì xem đó là tác phẩm phát sinh.
Cực chẳng đã mới phải xem xét thô thiển như vậy, chứ theo Công ước Berne thì phải xem xét dấu ấn sáng tạo cá nhân của cả tác giả tác phẩm phát sinh và tác giả tác phẩm nguồn, để kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận