Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị lấy bài học tai nạn chết người trên quốc lộ 1 do chậm sửa chữa ở Phú Yên làm bài học cho công tác duy tu, sửa chữa đường bộ - Ảnh: LÊ QUÝ ĐÔ
Nếu làm không hết trách nhiệm, để lái xe ra đường gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội là lỗi của chúng ta, lương tâm tự suy xét thấy có lỗi rất lớn. Theo luật nhân quả chúng ta làm hết trách nhiệm thì thanh thản, còn làm không hết trách nhiệm sẽ có chuyện này chuyện kia.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Theo ông Thể, Tổng cục Đường bộ đang quản lý, bảo trì hơn 21.000km đường quôc lộ bằng vốn quỹ bảo trì đường bộ (không tính 3.182km đường BOT do các nhà đầu tư bảo trì).
Nếu làm tốt trách nhiệm để khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có, đảm bảo an toàn cho người dân thì những người làm công tác quản lý đường bộ tâm hồn thanh thản, ngủ ngon.
"Quản lý khối tài sản đường bộ rất lớn mà không có giải pháp, không đề xuất kịp thời khi thiếu tiền bảo trì thì có thể mất tới 5.000 -10.000 tỉ đồng mỗi năm trong khi đáng ra một năm chỉ mất 1.000 tỉ đồng do đường hỏng. Số tiền này rất lớn, nếu quản lý không tốt, để đường xuống cấp, hư hỏng là có lỗi với dân khi bản thân chúng ta không làm tròn trách nhiệm" - ông Thể nói.
Liên quan đến công tác duy tu, sửa chữa đường bộ, Bộ trưởng Thể nêu dẫn chứng vừa qua gia đình người bị tai nạn tử vong do đường xấu ở quốc lộ 1 qua Phú Yên đã gửi đơn đề nghị tòa án truy cứu trách nhiệm hình sự của Ban quản lý dự án Thăng Long.
Lý do họ đề nghị là do cơ quan này chểnh mảng công tác duy tu, sửa chữa dẫn đến tai nạn chết người.
Chúng ta phải có trách nhiệm. Những dự án mà chưa được bàn giao cho Tổng cục Đường bộ thì nhà thầu và Ban quản lý dự án phải duy tu, sửa chữa. Khi bàn giao cho Tổng cục Đường bộ thì phải quản lý, sửa chữa kịp thời. Nếu không sửa chữa kịp thời để xảy ra tai nạn, mai mốt các đồng chí ra tòa. Sự việc ở Phú Yên đặt ra đòi hỏi chúng ta phải duy tu cho tốt được không? Nếu thiếu tiền phải báo cáo Chính phủ để đảm bảo khối tài sản đường bộ rất lớn, ưu tiên bảo vệ tài sản đang có, đảm bảo đi lại an toàn!
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Ông Thể giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ và các sở giao thông vận tải trong năm 2019 phải xóa điểm đen tai nạn giao thông. Đây là ưu tiên số 1 và là công việc hết sức ý nghĩa với nhân dân vì đây là những vị trí dễ dẫn đến tai nạn chết người.
Liên quan đến vụ xe container tông hàng loạt xe máy ở Long An ngày 2-1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Tổng cục Đường bộ phải giải bài toán tổ chức học, thi cấp bằng lái xe với yêu cầu đặt ra là các lái xe khi ra đường phải vững vàng về nghiệp vụ, có tư cách đạo đức tốt, chấp hành Luật giao thông đường bộ.
Ông Thể gợi ý trong đào tạo có thể tăng thời lượng học để cung cấp cho những lái xe tương lai hiểu biết và chấp hành luật giao thông. Tổ chức thi cử công khai và minh bạch, ai không đảm bảo yêu cầu thì không cấp bằng.
Tại sao bộ câu hỏi sát hạch chỉ là 500 câu mà không đưa lên 1.000 câu? Đề thi chỉ có 30 câu lý thuyết, tại sao không đưa lên 100 câu, làm sai 1 hoặc 2 câu là trượt. Thực hành phải có mô hình đường đèo, bánh xe quá vạch là rớt. Dừng đèn đỏ chạm vạch cũng rớt chứ không chỉ trừ điểm. Chỉ cần có vi phạm là rớt chứ không phải lái xe đến ngã ba, ngã tư có đèn đỏ vẫn để tông hàng loạt như vụ xe container ở Long An.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Theo ông Thể, những việc đó có thể làm được với mục tiêu bảo vệ tính mạng người dân. Còn người nào không học được, không đủ điều kiện để lấy bằng lái thì thôi không lái xe.
Liên quan đến hoạt động của các trạm BOT, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng không đổ lỗi cho lịch sử. Khi có được một hệ thống đường BOT như hiện nay thì phải có trách nhiệm vận hành.
Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ nhiều lần về BOT nhưng vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để giải quyết căn cơ, những trạm nào có hồi tố hay không cũng phải làm rõ và làm rõ thời điểm lập trạm quy định pháp luật thế nào để ứng xử phù hợp.
"Còn mười mấy trạm chưa hợp lý phải tiếp tục kiến nghị, đề xuất các giải pháp căn cơ, còn quyết hay không là trách nhiệm cấp trên. Chúng ta giải quyết bất hợp lý của BOT là để thu hút đầu tư phát triển thêm giao thông" - ông Thể yêu cầu.
Theo Tổng cục Đường bộ năm 2018 đã xử lý được 322 điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên quốc lộ với chi phí 329 tỉ đồng. Bảo dưỡng thường xuyên 21.416km quốc lộ sử dụng vốn của quỹ bảo trì đường bộ.
Tuy nhiên, do nguồn vốn khó khăn nên hiện có 10.773km quốc lộ quá hạn trung tu, 5.123km đã quá thời hạn đại tu. Còn có trên 400 cầu yếu, hẹp trên quốc lộ cần nâng cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận