Em cún tại New Zealand có thể tiêu tốn của chủ nhân hơn 48 triệu đồng nếu lỡ cắn người - Ảnh do nhân vật cung cấp
Phạt nếu không có rọ mõm
Theo Hoàng Kim (hiện sống tại Ireland), luật pháp nơi cô ở quy định chó phải được một người trên 16 tuổi dẫn đi bằng dây xích dài không quá 1m. Chó phải được rọ mõm bất cứ khi nào ở nơi công cộng, luôn đeo vòng cổ có ghi tên hoặc địa chỉ của chủ nhân.
Còn ở New Zealand, những con chó hung dữ được phân loại có tính đe dọa phải được rọ mõm khi ở nơi công cộng, trừ khi ở trong xe hoặc lồng. Những con chó từng tấn công người khác bắt buộc chủ phải rọ mõm và giữ chúng bằng dây xích khi ra ngoài đường. Chó không được sủa hay hú, làm ảnh hưởng đến người khác.
Tại Singapore, tất cả chó phải được xích và kiểm soát khi ở nơi công cộng. Những dòng chó lớn như Bull Mastiff, Bull Terrier, chó chăn cừu Đức… bắt buộc phải rọ. Phú Quốc (sống tại khu Whampoa) cho biết, anh sống ở chung cư, một số người cũng rọ cho chó. Chủ không được phép để chó gây phiền toái cho mọi người như sủa quá nhiều, phá ở nơi công cộng, cắn hay đuổi theo ôtô. Nếu phạm luật, giấy phép cho chó có thể bị thu hồi, hoặc không được phép gia hạn. Mỗi người chỉ được phép nuôi tối đa 3 con chó.
Chó không rọ mõm gây họa, chủ hầu tòa
Đinh Hải Anh (sống tại New Zealand) cho biết, nếu chó cắn người, gia súc, gia cầm, động vật nuôi…, chủ có thể bị truy tố và phạt tiền lên đến 3.000 đôla New Zealand (hơn 48 triệu đồng). Yêu cầu tối thiểu của chó khi đi ra đường là phải có xích và có người dẫn đi.
Người muốn nuôi chó cần chứng minh một số điều kiện như thu nhập, có nhà không, nếu thuê nhà thì chủ nhà có cho nuôi không… Chó tại đây có gắn micro chip, chủ có thể lên mạng đăng ký số chip đó dưới tên mình. Đất nước này còn có bảo hiểm chó mèo, phí tùy thuộc vào giống chó/mèo, độ tuổi, vấn đề sức khỏe tùy từng loại, dao động khoảng 40-150 NZD/tháng.
Huyền Minh (sống tại Canada) cho biết: "Ở nước mình sống, chó được mọi người xem là bạn nên hoàn toàn không có rọ mõm. Thường nhà có hàng rào sẽ không xích cũng như rọ. Nhà có chó dữ sẽ có bảng ở trước và sau nhà để người đi đường biết. Nếu chó gây hại đến chó khác hay người khác thì chủ phải bồi thường, thậm chí ra tòa".
Canada có sói và chồn nên chó ít được thả chơi ở vườn, vì sợ lây dại từ các con khác. Ở đây có những công viên chỉ dành cho chó mèo nên chủ rất thích đưa thú cưng đến để chạy bộ.
Ngọc Huyền (sống tại Ontario, Canada) cho biết, cô phải tìm, chờ đợi nộp đơn, rồi đợi phỏng vấn cả năm mới đón được một em poodle về nuôi. Chi phí nuôi chó ở đây rất đắt đỏ. Nếu chó mèo không có bảo hiểm, mỗi lần bị bệnh hay bị tai nạn, tiền phải trả có khi lên đến 10.000CND (hơn 180 triệu đồng).
Em poodle của Huyền - Ảnh do nhân vật cung cấp
"Theo luật, người dẫn chó mèo ra đường phải có xích và túi đựng phân, không bắt buộc rọ mõm chó mèo. Đa phần chó đều được đi học lớp huấn luyện, nên không sủa hay cắn ai ngoài đường. Nói là huấn luyện cho chó, nhưng đến đó chủ học là chính. Mỗi lớp học rất đông học sinh. Họ dạy cách dắt chó đi bộ, hoặc sẽ huấn luyện nếu chó quá hung hăng", Huyền nói.
Tại Việt Nam: Phải xích hoặc đeo rọ mõm chó nơi công cộng, không phân biệt chó hiền, chó dữ
Tuổi Trẻ Online đã có trao đổi với luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) về vấn đề nhiều bạn trẻ còn phân vân về việc "chó nhà em hiền lắm, không cần rọ mõm".
Những chú chó có vóc dáng lớn, độc lạ thường thu hút sự chú ý của người xung quanh - Ảnh: HIỀN ANH
Theo luật sư, hiện nay pháp luật không có quy định nào về việc cấm nuôi chó, mèo, kể cả việc nuôi ở nhà chung cư. Tuy nhiên, người nuôi phải trông giữ, nuôi nhốt cẩn thận, tránh trường hợp tấn công người, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Pháp luật đã quy định khá cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nuôi chó, mèo; không phân biệt chó con, mèo con, hiền hay dữ.
Ở điều 2.1 phụ lục 15 đính kèm thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định: Chủ nuôi phải đăng ký việc nuôi chó với ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Nuôi chó tập trung phải đảm bảo điều kiện thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh. Chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo. Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Luật sư nhấn mạnh, thông tư này còn quy định chủ vật nuôi cần xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng, phải bảo đảm an toàn cho mọi người bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
"Vì luật quy định phải đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó, chủ sở hữu nên tùy theo đặc tính, kích cỡ của chó mà áp dụng một trong hai biện pháp này khi dẫn ra nơi công cộng.
Khi dẫn chó, mèo ra ngoài mà vi phạm những quy định trên, chủ vật nuôi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hoặc bồi thường thiệt hại khi chó, mèo của mình gây thiệt hại về tài sản hoặc sức khỏe cho người khác", ông cho biết.
Người nuôi sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng với hành vi "Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng" theo quy định tại khoản 2 điều 7 nghị định 90/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi nghị định số 04/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Nếu chó nuôi gây thương tích hoặc cắn chết người, cơ quan chức năng cũng có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm về "Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" tại điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Bạn nghĩ sao về việc rõ mõm cho chó khi dắt ra nơi công cộng? Vui lòng chia sẻ ý kiến của bạn về hòm thư tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận