Rọ mõm cho chó là điều mà nhiều chủ nuôi chưa thực hiện thường xuyên
Nhi chia sẻ, gia đình cô thường xuyên bị mắng về "cục cưng" của nhà mình. Chó nhà bình thường ngoan lắm, nhưng mỗi khi hàng xóm đi ngang qua hoặc ghé vô là sủa rất dữ, như sắp cắn người ta đến nơi.
"Mình nghe mắng vốn hoài riết quen. Dù đã lớn tiếng la bé, nhắc nhở nhiều mà bé vẫn không nghe lời. Mình thử xích bé cả ngày, nhìn mắt bé thấy thương lắm. Nhưng mình không dám thả ra vì bé sủa rồi hù tất cả mọi người trong tầm mắt", Nhi than phiền. Sau khi được nghe nhiều người tư vấn, Nhi quyết định mua cái rọ mõm để bé gần gũi với người hơn.
Em chó Lucky (4 tuổi) của anh Carman Huỳnh (sống tại Nhà Bè, TP.HCM) cũng từng bị phản ánh vì ra đường "quên" rọ mõm. Anh cho biết, quy định ra đường bây giờ là phải rọ mõm chó, dù chó hiền hay chó dữ.
"Khi tôi dắt ra đường không rọ cho em, nhiều người phàn nàn dữ lắm mặc dù mình biết nó hiền lành, chẳng cắn ai bao giờ. Chắc tại nó to nên người ta sợ. Mà những người sợ là những người chẳng hề biết về giống chó này, nên thôi rọ luôn cho chắc", anh nói.
Bé Lucky thuộc dòng Golden đến từ Anh, nặng tầm 45kg, trông hiền lành nhưng thi thoảng chủ vẫn bị mắng do quên rọ mõm
Quan điểm của anh Carman là rọ mõm chó dữ cần thiết vì tính chất nguy hiểm. Những bé chó hiền có vẻ hơi không cần thiết. Anh lý giải, vì tình trạng bắt trộm ở Việt Nam khá phổ biến, khi rọ mõm, hầu như chó mất khả năng tự vệ nên nguy cơ mất trộm rất cao khi ra đường.
Anh cũng hạn chế đem chó đến chỗ đông người. Nhưng lúc rảnh rỗi, anh thường dắt Lucky đến công viên chó tại Q.7 để bé chạy, vừa an toàn, vừa không làm phiền đến nhiều người không thích chó.
"Việc chó đi vệ sinh là phản xạ bình thường của động vật. Tốt nhất, mình nên chuẩn bị theo túi để chó đi WC thì dọn dẹp ngay. Khi nuôi chó mèo, bạn phải có trách nhiệm với cộng đồng nếu như bạn thật sự yêu thương chúng", anh nói.
Rọ mõm mỏ vịt dễ thương được nhiều người nuôi chó nhỏ thích thú săn lùng
Nói về chó mèo, Trang Như (sinh năm 2003, sống tại Q.7, TP.HCM) vẫn còn ám ảnh chết khiếp khi từng vô thang máy chung với một con chó bự chà bá, không hề rọ mõm. Lần khác, cô ra công viên đi dạo, tập thể dục, phát hiện một em chó gần đó đang đi vệ sinh.
"Theo mình, đã ở chung cư thì phải sống vì cộng đồng chung, phải có ý thức. Nhiều người làm biếng hốt dọn, dẫn chó đi WC xong giả vờ không biết, ra ngoài không rọ mõm với lý do: ‘Chó tui hiền không cắn người’. Thậm chí, mình đang chờ thang máy, đến khi mở cửa thang ra thì một người dẫn chó nói: ‘Có thú dữ, đi chuyến sau đi’. Nếu mình nuôi chó ở chung cư, mình sẵn sàng rọ mõm cho nó", bạn nói.
Thanh Tâm (sinh năm 1995, sống tại Q.Gò Vấp) cho biết, có lần cô đưa hai em chó lên cơ quan chơi khi công ty làm thêm cuối tuần. Bên cạnh người thích thú, cũng có người khiếp vía khi nhìn thấy hai em chó cỏ hiền lành khiến Tâm bối rối.
Sau lần đó, thay vì đưa chó đến công ty, Tâm dành nhiều thời gian tìm các buổi offline của hội những người nuôi chó mèo. Cuối tuần, cô hay cho mấy bé ra giao lưu với nhau. "Hiện tại, người ta thu hẹp khu vực cho chó tại công viên chó lại. Có một số người không ý thức dắt bé ra, bé đi WC xong thì để luôn không dọn, ảnh hưởng đến người khác. Khi bạn nuôi thì bạn phải cam kết không làm ảnh hưởng đến người khác. Những người không thích động vật luôn khó chịu và có thành kiến với chó mèo, điều gì cũng khiến họ phiền lòng", Tâm nói.
Thế nhưng, khi được hỏi có sẵn sàng rọ mõm cho chó không, Tâm vẫn chần chừ, chưa sẵn sàng vì chó của cô hiền lắm.
Bạn nghĩ sao về việc rõ mõm cho chó khi dắt ra nơi công cộng? Vui lòng chia sẻ ý kiến của bạn về hòm thư tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận