29/08/2013 06:29 GMT+7

Không quá khó để ngăn chặn "hố tử thần"

TS LÊ TÂN (Tổng hội Địa chất VN)
TS LÊ TÂN (Tổng hội Địa chất VN)

TT - Hàng chục “hố tử thần” liên tục xuất hiện đang gây lo sợ cho người dân TP Cẩm Phả (Quảng Ninh). Còn tại TP.HCM, “hố tử thần” tiếp tục xuất hiện trên đường Hoàng Sa vào sáng 27-8.

TS Lê Tân đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết sau:

Nơm nớp trong vùng “hố tử thần”Sống trong sợ hãi giữa vùng “hố tử thần"

EsZG6imt.jpgPhóng to
Ông Lê Tân
Hiện tượng “hố tử thần” xuất hiện trong thời gian qua về cơ bản có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là do chất lượng thi công nền, móng công trình không đạt yêu cầu, hoặc các hạng mục ẩn giấu (cống, hầm ga, ống cáp ngầm...) trong quá trình thi công, khai thác gặp sự cố kỹ thuật (vỡ cống, mối nối cống bị hở...). Thứ hai là do vùng địa chất phía dưới nền, móng công trình không ổn định (túi bùn, đất yếu, cấu trúc địa tầng phức tạp...).

Thiết kế, thi công chưa chuẩn

Ở nguyên nhân thứ nhất, chủ yếu do chất lượng kết cấu áo đường (nền, móng, mặt đường) chưa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về: chất lượng vật liệu (cường độ, thành phần cấp phối, độ đồng nhất...), chất lượng thi công (độ chặt, môđun đàn hồi...), biện pháp thi công (công nghệ, phương án thi công). Ngoài ra, các cấu kiện ẩn giấu bên dưới kết cấu áo đường (nhất là hệ thống cấp nước và thoát nước) nếu chất lượng không đảm bảo cũng sẽ là tác nhân gây lún, sụp đường trong quá trình khai thác sử dụng. Vừa qua, tại Hà Nội và TP.HCM từng có nhiều trường hợp cống nằm trong thân đường bị rò rỉ, nứt, vỡ, nước trong cống có điều kiện thoát ra làm xói mòn xung quanh, làm mất ổn định kết cấu bên trên thân cống gây lún, sụp, tạo nên các “hố tử thần”.

Nguyên nhân thứ hai thường gặp ở những nơi tuyến đường (hoặc một phần tuyến đường) nằm trên vùng có địa chất không ổn định nên khi đưa vào khai thác sử dụng dễ dẫn đến những sự cố bất lợi: hiện tượng lún, nứt, sụt, trượt... phát sinh trong nội tại nền đường và trong bản thân kết cấu áo đường. Trường hợp này có thể do công tác khảo sát, thiết kế chưa thật chuẩn xác, đầy đủ, chưa lường hết được những yếu tố chủ quan và khách quan tác động trực tiếp cũng như gián tiếp vào tuyến đường xây dựng.

Ngoài ra, TP.HCM có rất nhiều tuyến đường ngập nước, đây cũng là nhân tố không nhỏ góp phần làm xuất hiện “hố tử thần”. Chúng ta đều biết khi bị ngâm nước lâu vật liệu trong kết cấu áo đường sẽ trương nở, từ đó giảm yếu cường độ; cộng thêm tác động thường trực của tải trọng xe cộ khiến mặt đường (bêtông nhựa) có thể bị lún, nứt, bong bật... Nếu không được xử lý kịp thời, toàn bộ kết cấu áo đường sẽ bị phá hoại theo thời gian.

hjOIgb70.jpgPhóng to
Hố sâu 1m, kéo dài hơn 1m xuất hiện trên đường Hoàng Sa (TP.HCM) sáng 27-8 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Kiểm soát chặt các dự án

Qua phân tích và tổng hợp các nguồn dữ liệu từ thực tế, có thể thấy nguyên nhân xuất hiện “hố tử thần” trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM chủ yếu do chất lượng thi công không đảm bảo (kết cấu áo đường không đạt yêu cầu, hệ thống cống bị rò rỉ hoặc nứt vỡ...). Xử lý triệt để vấn đề này không quá khó, chỉ cần chủ đầu tư triển khai và kiểm soát dự án thật chặt chẽ theo đúng các quy chuẩn hiện hành thì chắc chắn chất lượng công trình sẽ được đảm bảo, “hố tử thần” sẽ bị đẩy lui. Tất nhiên ở đây cũng đòi hỏi chính lương tâm và trách nhiệm của mỗi con người tham gia dự án để đảm bảo chất lượng các công trình.

Phải thừa nhận một thực tế, hệ thống cống (cấp nước và thoát nước) đang tồn tại trên các tuyến đường ở TP.HCM hiện nay chưa thể yên tâm hoàn toàn về chất lượng khi vận hành và sử dụng. Có rất nhiều hệ thống cống đã quá cũ, chất lượng không còn đảm bảo rất cần được rà soát và kiểm tra để có phương án sửa chữa, nâng cấp kịp thời nhằm tránh những sự cố đáng tiếc về sau, trong đó “hố tử thần” là một minh chứng sinh động nhất. Mặt khác, với đặc thù của thành phố là thường xuyên ngập nước, triều cường dâng cao, các điểm ngập úng hằng năm biến đổi khó lường... thì phải đặc biệt quan tâm đến các giải pháp thiết kế cho từng tuyến đường cụ thể (nhất là những tuyến đường đi qua vùng đất yếu, ngập nước, địa chất không ổn định thì phải có những biện pháp xử lý thích hợp, triệt để).

Một việc làm thiết thực để không bị động trong việc xử lý “hố tử thần” như hiện nay (và cũng chỉ có thể giải quyết được phần ngọn) là rất cần các cơ quan chức năng chuyên ngành của thành phố sớm vào cuộc để khảo sát, thống kê, đánh giá đầy đủ và toàn diện hiện trạng những tuyến đường đang phải chịu những tác động bất lợi (triều cường, ngập úng, hệ thống cống đã quá cũ, nền đất yếu...) có khả năng gây nên “hố tử thần” ở tương lai để có biện pháp ngăn chặn kịp thời và hữu hiệu.

TS LÊ TÂN (Tổng hội Địa chất VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên