21/11/2017 09:38 GMT+7

Không phải thu nhập thấp là dân phòng làm bậy!

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Phản hồi bài viết “Dân phòng...“làm luật”, ý kiến từ một số dân phòng cho rằng đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, còn đa số dân phòng vẫn tâm huyết với công việc dù thu nhập còn rất thấp.

Không phải thu nhập thấp là dân phòng làm bậy! - Ảnh 1.

Nhóm dân phòng ấp 3 (Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM) đuổi xe tải đậu trên đường để ép tài xế chi tiền - Ảnh: H.Lộc

Nhằm góp thêm một góc nhìn, dưới đây là một số ý kiến từ người trong cuộc.

Làm dân phòng bằng đam mê

Bài viết "Dân phòng... "làm luật"" có phần lý giải về việc thu tiền tài xế của một dân phòng, đại ý là do công việc tuần tra rất mệt mỏi, thường kéo dài từ 18h đến 1h sáng hôm sau, nên họ lấy ít tiền uống cà phê. 

Tôi không đồng ý với cách nói như vậy. Việc một số dân phòng tiêu cực như báo phản ánh là tùy thuộc vào đạo đức con người, chứ không phải ai thu nhập thấp cũng làm bậy. Do đó, ai sai thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.

Tôi hoạt động trong lực lượng dân phòng khoảng 4 năm nay. Mỗi ngày, tùy theo khu vực, các anh em dân phòng tự sắp xếp bố trí công việc trực 24/24 giờ. 

Mức lương hiện tại tôi nhận được là 1,5 triệu đồng/tháng. Với số tiền này thực tình không đủ tiền đổ xăng đi tuần chứ đừng nói đến trang trải chi tiêu cuộc sống. 

Bởi vậy, nhiều anh em phải tranh thủ làm thêm đủ nghề để kiếm sống. Như tôi, tranh thủ thời gian, tôi làm thêm việc chăm sóc cây cảnh, phụ vào lương dân phòng may ra mới đủ chi tiêu.

Khi các sự cố xảy ra, lực lượng dân phòng phải có mặt đầu tiên để bảo vệ hiện trường, và phải thường xuyên đối mặt với nạn trộm cắp, xì ke, đánh nhau... 

Cho nên trong quá trình làm việc, tôi gặp không ít nguy hiểm khi bị đối tượng trộm cướp tấn công. Những người thân trong gia đình cũng than vãn, bảo tôi nghỉ vì nguy hiểm. 

Tuy vậy, do đam mê công việc này, tôi chỉ trấn an người thân bằng việc cố gắng đề phòng và tự trang bị kỹ năng để bảo vệ mình.

Để gắn bó với công việc, tôi luôn quan niệm không làm thì thôi, còn chấp nhận làm phải làm hết trách nhiệm. Dù có hôm bị mệt, đến giờ trực tôi đều có mặt tại chốt cùng các anh em đi tuần giữ yên bình cho khu phố.

N.V.H. (một dân phòng ở P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Nên tăng phụ cấp cho dân phòng

Tôi thấy hiện tượng dân phòng "làm luật" như báo nêu không phải phổ biến, chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh". Tại nơi tôi công tác, các dân phòng chủ yếu làm việc vì đam mê, nhiệt huyết. 

Và để nuôi đam mê ấy, tôi và nhiều anh em dân phòng buộc phải làm thêm đủ nghề từ phụ hồ, chạy xe ôm, buôn bán... Bản thân tôi xác định, đam mê thì làm chứ nhiều khi tiền bạc cũng không quan trọng nữa.

Trên thực tế, khi xảy ra sự cố (cướp, đụng xe, cháy nổ...) các anh em dân phòng là lực lượng phải có mặt trước để bảo vệ hiện trường. 

Thậm chí có một số trường hợp cấp bách như đuổi bắt cướp thì dân phòng phải đối mặt để ngăn chặn, khống chế đối tượng dẫn đến bị thương, hư hỏng xe cộ. Những khoản này bản thân họ phải tự lo, việc hỗ trợ của cơ quan đơn vị cũng chẳng đáng là bao.

Hiện nay thu nhập của anh em dân phòng khá thấp. Cụ thể, đối với dân phòng chuyên trách mỗi tháng được 1,5 triệu đồng, còn bán chuyên trách chỉ 500.000 đồng. 

Với thu nhập như vậy, so sánh với cường độ trực đêm, đi tuần tra nhiều, anh em dân phòng sống cũng rất khó khăn. 

Tôi nghĩ cơ quan quản lý phải chú trọng tăng phụ cấp cho dân phòng để họ trang trải cuộc sống, chi phí cho những khoản ăn uống đi lại đêm hôm và khi có bất trắc xảy ra. Có như vậy, anh em dân phòng sẽ toàn tâm hơn với công việc.

Một dân phòng ở huyện Bình Chánh, TP.HCM

Lương không xứng thì tìm việc khác

Phản hồi của nhiều bạn đọc cũng cho rằng không thể chấp nhận lý do làm việc vất vả mà thu nhập thấp để làm bậy. Bạn đọc Huy viết: "Dân phòng cũng có lương, chế độ hằng tháng. Nếu thấy làm mà lương không xứng với sức mình bỏ ra thì xin nghỉ, chứ đừng viện cớ cực khổ mà làm việc sai trái như vậy".

"Không thể chấp nhận được với việc dân phòng "nhỏ tí" mà cũng nghĩ ra cách "ăn bẩn" được" - bạn đọc Văn bức xúc. Cũng từ bức xúc như vậy, đã có bạn đọc đặt vấn đề cần kiểm tra làm rõ liệu có sự bảo kê cho việc làm sai của nhóm dân phòng này hay không.

N.N. tổng hợp

Bà Nguyễn Thị Hương Thảo (chủ tịch UBND xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM): Đã chỉ đạo công an xác minh

Tôi đã nắm thông tin báo Tuổi Trẻ phản ánh dân phòng ấp 3 "làm luật" tài xế và đã giao cho công an xã lập hồ sơ điều tra. Qua đó, sẽ xác định trách nhiệm của những dân phòng liên quan nhằm có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp này.

Tuyến đường báo Tuổi Trẻ nêu không có cấm xe tải đậu. Tuy nhiên, thời gian qua do có một số xe vào đậu nhiều gây nguy hiểm nên người dân bức xúc. Từ việc này, UBND xã chỉ đạo lực lượng dân phòng điều tiết giao thông, đồng thời có biện pháp nhắc nhở tài xế nếu có đậu xe phải tấp sát vào lề đường để đảm bảo an toàn giao thông.

Qua xác minh, chúng tôi xác định những người liên quan trong phản ánh của Tuổi Trẻ không phải là dân phòng chuyên trách do xã quản lý. Lực lượng này hoạt động với hình thức tự quản, phối hợp với các lực lượng tuần tra 24/24 giờ để đảm bảo tình hình an ninh khi có sự cố. Để kiểm soát hoạt động của lực lượng này, UBND xã cũng chỉ đạo trưởng công an xã, trưởng ấp điều quân, trong quá trình đi tuần tra phải có sự phối hợp của công an.

HOÀNG LỘC ghi

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên