02/11/2018 06:15 GMT+7

Không phải giám hộ, xem tin nhắn của trẻ coi chừng phạm luật

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Xung quanh chuyện các em học sinh lớp 10 ở Thanh Hóa bị nhà trường ra quyết định đuổi học, sau khi giáo viên đọc được nội dung nói xấu về trường, về thầy cô trong nhóm trên Facebook hiện có nhiều tranh cãi.

Không phải giám hộ, xem tin nhắn của trẻ coi chừng phạm luật - Ảnh 1.

Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Đối với những người không được quyền giám hộ trẻ mà tự ý xem trộm tin nhắn, điện thoại, chat trên Facebook... của trẻ thì coi chừng vi phạm pháp luật hình sự mà không hay biết

Trung tướng Trần Văn Độ

Hầu hết ý kiến đều không ủng hộ hành vi xúc phạm thầy cô của các học sinh, nhưng cũng bày tỏ băn khoăn về việc giáo viên vô tình hoặc cố ý mở ra xem thì có được phép hay không? Ai được quyền xem, theo dõi thư tín, điện thoại... của trẻ vị thành niên?

Bí mật thư tín được Hiến pháp bảo vệ

Theo trung tướng Trần Văn Độ, nguyên phó chánh án TAND tối cao, Hiến pháp 2013 quy định rất rõ về quyền được bảo vệ bí mật đời tư và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín. Không chỉ người trưởng thành được bảo vệ quyền này mà mọi công dân (bao gồm cả trẻ em) cũng được pháp luật mặc nhiên bảo vệ quyền này.

Luật cũng có quy định trong một vài trường hợp thì cơ quan chức năng, người có thẩm quyền được mở thư tín, xem tin nhắn, điện thoại để phục vụ một công việc khác. "Nhưng luật không quy định giáo viên hay nhà trường được phép mở điện thoại, tin nhắn hoặc thư tín của học sinh để xem. Việc thầy cô giáo tự ý mở điện thoại các em để xem cuộc trò chuyện bí mật là đã xâm phạm vào điều cấm của luật" - ông Độ nói.

Hơn nữa, sau khi xem thông tin trao đổi trong nhóm riêng, nhà trường đã ra hình thức kỷ luật đuổi học là điều khá lạ: "Không rõ nội quy, quy chế nhà trường như thế nào nhưng đuổi học là một hình thức không tích cực. Suy cho cùng, các cháu đều còn bé, nhận thức hoặc phát ngôn có thể chưa đủ chuẩn mực thì càng cần phải giáo dục, dạy dỗ chứ không phải đuổi học các cháu. Học sinh bị đuổi học sẽ đứng trước nhiều nguy cơ xấu trong đời hơn là việc giáo dục trong nhà trường. Đuổi học có nghĩa là sứ mệnh giáo dục của nhà trường đã không đạt được" - ông Độ băn khoăn.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Đại - giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM - cho rằng cũng cần phải xem lại thế nào là nói xấu thầy cô giáo. Những vấn đề các em nói có thật hoàn toàn là vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm thầy cô không. Giữa việc "nói xấu" hay "nói thật" hoặc bình luận về một hành động, ứng xử của thầy cô cần phải cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng. "Cũng là một người thầy đứng trên bục giảng, cá nhân tôi phải chấp nhận việc mình chưa hoàn hảo nên bị góp ý phê bình, thậm chí là nói xấu. Nhưng nếu chuyện nói xấu đó dựa trên cơ sở những gì có thật thì không thể coi là nói xấu. Bởi vậy, cần phải đánh giá lại cho đúng" - ông Đại nói.

Cha mẹ thì được, thầy cô thì không?

Liên quan đến chuyện "xem trộm điện thoại", nhiều bậc cha mẹ vẫn coi đây là một trong những cách kiểm soát con cái để điều chỉnh, định hướng cho phù hợp. Do đó, cũng có những ông bố bà mẹ thỉnh thoảng vẫn xem tin nhắn hay Facebook của con để biết con đang chơi với ai, con quan tâm đến vấn đề gì, xu hướng bạn bè của con ra sao. 

Chị Trần Kim Hương (ngụ Q.3, TP.HCM) thừa nhận thỉnh thoảng vẫn xem điện thoại của con để biết con giao du với bạn nào, các bạn nói chuyện gì để kịp thời định hướng và dạy dỗ. Chị Hương nói rằng con mình đang học lớp 10, độ tuổi rất nhạy cảm với tình yêu đầu và cũng rất dễ sa ngã bởi những cảm xúc tức thì. Do đó, chị xem điện thoại, đọc trộm tin nhắn của con là để biết và giúp đỡ con có đường đi đúng.

Qua sự vụ xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa), chị Hương cũng rất băn khoăn không biết hành động của mình có vi phạm quyền bí mật thư tín và quyền riêng tư của con không? Giải đáp thắc mắc này, trung tướng Trần Văn Độ cho rằng cha mẹ là người giám hộ đương nhiên của con, vậy nên ở góc độ nào đó, việc giám sát tin nhắn, điện thoại, thư tín là để quản lý và dạy dỗ các con là cần thiết, trừ khi trẻ đủ 18 tuổi, đủ quyền công dân thì việc giám hộ mới chấm dứt. "Bởi vậy, việc cha mẹ kiểm soát con cái để ngăn chặn cái sai, cái xấu của con. Nó hoàn toàn khác với việc thầy cô giáo xem điện thoại của học sinh rồi mang ra kỷ luật" - ông Độ nói.

Ông Đỗ Văn Đại cũng nói rằng ngoài quy định tại Hiến pháp 2013 thì việc bảo vệ bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân cũng được quy định cụ thể tại khoản 3, điều 38 Bộ luật dân sự. Theo đó, thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhà trường không phải là cơ quan có thẩm quyền để có thể đọc, kiểm soát thư tín, điện thoại điện tín của các học sinh trong trường.

"Vì vậy, đối với những người không được quyền giám hộ trẻ mà tự ý xem trộm tin nhắn, điện thoại, chat trên Facebook... của trẻ thì coi chừng vi phạm pháp luật hình sự mà không hay biết" - trung tướng Trần Văn Độ đưa ra lời khuyên. Theo ông Độ, Bộ luật hình sự 2015 quy định rất rõ về tội "xâm phạm bí mật đời tư, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín". Đây cũng là quan điểm của ông Vũ Phi Long, nguyên chánh tòa hình sự TAND TP.HCM. 

"Nếu đó là nhóm chat riêng mà thầy cô hay người không có quyền giám hộ mở ra xem khi chưa được sự đồng ý của trẻ là đã xâm phạm vào quyền riêng tư của các em. Quyền này, đặc biệt được quy định không chỉ ở pháp luật VN mà còn quy định trong công ước quốc tế về quyền trẻ em mà VN là thành viên" - ông Long nói.

duong trung quoc img7101-1541044725955542891644

ĐBQH Dương Trung Quốc trả lời báo chí tại hành lang Quốc hội sáng 1-11 - Ảnh: B.D.

"Tôi không bàn sâu về nguồn cơn, cơ chế hình thành sự việc, bối cảnh, việc đó để cơ quan chức năng xử lý. Nhưng việc vội vã để có những hình thức kỷ luật như thế thì không thích hợp."-ĐBQH Dương Trung Quốc nói vụ đuổi học 7 học sinh ở Thanh Hóa bên hành lang Quốc hội sáng 1-11.

Riêng về vụ các em học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) bị đuổi học do lộ thông tin nói xấu thầy cô và nhà trường, ông Đỗ Văn Đại nói: “Nhà trường có được quyền đuổi hay không còn tùy vào quy chế nhưng nếu chỉ vì nói xấu mà đuổi học thì không tương thích. Đuổi học là hình thức kỷ luật nặng, các em còn nhỏ nên đuổi học không phải là biện pháp giáo dục tốt. Trong chuyện này thầy cô cũng phải có trách nhiệm trong đó, phải xem lại vì sao học sinh lại nói xấu mình”.
HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên