28/04/2021 20:38 GMT+7

Không nên quay phim 18 - 20 tiếng một ngày

MI LY
MI LY

TTO - Các nhà sản xuất Charlie Nguyễn, Nguyễn Trinh Hoan nêu ý kiến về việc lập ủy ban điện ảnh hỗ trợ các đoàn làm phim, giúp quá trình sản xuất suôn sẻ và tránh tình trạng làm việc quá tải 18 - 20 tiếng một ngày.

Không nên quay phim 18 - 20 tiếng một ngày - Ảnh 1.

Hậu trường cảnh quay đánh nhau trên sông của phim "Lật mặt: 48h" - Ảnh: ĐPCC

Hôm 28-4, hội thảo Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam: Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế diễn ra tại Đại học Kinh tế TP.HCM (quận 10, TP.HCM). Sự kiện do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) phối hợp tổ chức.

Không nên quay đến 18 - 20 tiếng một ngày

Về thử thách sản xuất những bộ phim chất lượng cho cả thị trường Việt Nam và quốc tế, đạo diễn - nhà sản xuất Charlie Nguyễn nêu ý kiến nên lập "ủy ban điện ảnh" (film commission) của chính phủ hoặc tư nhân nhằm hỗ trợ, tư vấn pháp lý, hậu cần... để hoạt động làm phim chuyên nghiệp và suôn sẻ hơn, cũng như bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong ngành phim.

Anh nói: "Làm phim ở nước ngoài có trật tự, có những hiệp hội đảm bảo cho quyền lợi của người làm nghề. Ở Việt Nam, có những đoàn phim làm việc 17 - 18 tiếng một ngày mà không có ai can thiệp, bảo vệ sức khỏe cho mọi người".

Không nên quay phim 18 - 20 tiếng một ngày - Ảnh 2.

Đạo diễn Charlie Nguyễn trên trường quay phim "Chàng vợ của em" - Ảnh: ĐPCC

Trên thế giới, có khoảng 1.000 ủy ban điện ảnh đang hoạt động ở 100 quốc gia, chủ yếu là ở Mỹ, châu Âu và châu Á.

Nhà sản xuất kỳ cựu Nguyễn Trinh Hoan nói với Tuổi Trẻ Online: "Tôi có ý tưởng đơn giản hơn so với ủy ban điện ảnh. Đó là những người làm nghề, nhà sản xuất, đạo diễn nên ngồi lại để chia sẻ những dự định sắp tới. Làm vậy có thể tận dụng thế mạnh của một hiệp hội đông người, biết lịch ra rạp của các phim để sắp xếp".

Không nên quay phim 18 - 20 tiếng một ngày - Ảnh 3.

Các nhà sản xuất nên lập hội, hỗ trợ lẫn nhau về đạo cụ, bối cảnh. Trong ảnh là một số cảnh quay trong phim "Lật mặt: 48h", có sử dụng kỹ xảo cảnh đoàn tàu - Ảnh: ĐPCC

Về quyền lợi và sức khỏe của người lao động, Nguyễn Trinh Hoan cho rằng các nhà sản xuất cần hiểu đây là vấn đề quan trọng.

Ông nói: "Có những phim làm đến 14, 16, thậm chí 20 tiếng một ngày. Khi tất cả mọi người đều mệt như vậy thì liệu phim có hiệu quả không? Làm phim mà chỉ quay để cho xong cái lịch thì phim thất bại".

Không nên quay phim 18 - 20 tiếng một ngày - Ảnh 4.

Tại hội thảo, các nhà làm phim ở Việt Nam và quốc tế trao đổi thông qua ứng dụng công nghệ - Ảnh: MI LY

Bà Nguyễn Phương Hòa - cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - cho rằng VFDA có thể đứng ra làm một ủy ban điện ảnh để kết nối các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam.

Cần coi điện ảnh là ngành kinh doanh, quảng bá du lịch

Bà Ngô Phương Lan, chủ tịch VFDA, nhận định lâu nay chúng ta nghĩ điện ảnh chỉ là ngành nghệ thuật, nhưng điện ảnh còn là ngành kinh doanh, công nghiệp. Trước COVID-19, tổng doanh thu toàn thị trường năm 2019 đạt hơn 4.000 tỉ đồng so với dự báo 3.000 tỉ đồng.

Đạo diễn Phan Đăng Di nêu quan điểm: "Để quảng bá du lịch, văn hóa, con người Việt Nam qua phim ảnh, chúng ta cần thêm những bộ phim lớn của Hollywood quay tại Việt Nam. Trước đây từng có Người tình, Người Mỹ trầm lặng, Đông Dương, Pan... Nhưng kể từ Kong: Skull Island (2017), chưa có dự án tương đương được công bố".

Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để các nhà làm phim Hollywood quay lại Việt Nam?

Ông Freddie Yeo (giám đốc điều hành Infinite Studios - đơn vị từng hỗ trợ sản xuất phim truyền hình bom tấn Westworld và phim điện ảnh Crazy Rich Asians tại Singapore) nêu quan điểm: "Đừng nghĩ đây chỉ là hoạt động làm phim của HBO riêng với một công ty Singapore mà là sự chia sẻ của HBO với ngành du lịch Singapore. Điện ảnh là hoạt động kinh doanh mang lại rất nhiều lợi ích cho nước chủ nhà".

bo gia

"Bố già" chiếu tại Malaysia và Singapore với tên tiếng Anh "Dad, I'm Sorry" - Ảnh: ĐPCC

Điện ảnh Việt Nam cần bảng xếp hạng doanh thu?

Ông Nelson Mok (giám đốc kinh doanh, cố vấn điện ảnh tại Singapore) nói: "Rất ít khi tìm thấy thông tin phòng vé Việt Nam trên báo nước ngoài. Các nhà báo quốc tế không thể viết về điện ảnh Việt Nam khi chưa có thông tin cụ thể. Trong khi đó, Việt Nam có hệ thống chiếu bóng mạnh và thông tin phòng vé là cần thiết để các nhà đầu tư quyết định bỏ tiền".

Điện ảnh Việt: Sau năm 2020 nhọc nhằn, đã đến lúc đặt vấn đề Điện ảnh Việt: Sau năm 2020 nhọc nhằn, đã đến lúc đặt vấn đề 'tự cường'

TTO - Qua một năm 2020 nhọc nhằn vì COVID-19, nền điện ảnh toàn cầu như khựng lại. Trong khi nhiều bom tấn Hollywood lớn lùi đến giữa năm 2021, phim điện ảnh Việt đồng loạt ra rạp theo lời kêu gọi của các nhà rạp và hái quả ngọt giữa thời gian khó.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên