09/11/2012 07:17 GMT+7

Không nên làm thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

X.LONG - L.HOÀI - T.PHÙNG
X.LONG - L.HOÀI - T.PHÙNG

TT - Đề xuất này được TS Lê Anh Tuấn - phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), thành viên ban tư vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) - đưa ra tại hội thảo các khuyến nghị quá trình ra quyết định của Ủy ban thế giới về đập do VRN tổ chức sáng 8-11 tại Hà Nội.

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6AThủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Đồng Nai muốn đưa ra Quốc hội

U6c73c8A.jpgPhóng to
TS Lê Anh Tuấn đề xuất không làm thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tại hội thảo ngày 8-11 - Ảnh: X.Long

Ông Tuấn cho biết về tính pháp lý, dự án thủy điện Đồng Nai 6 làm ngập vĩnh viễn diện tích tổng cộng 171,36ha, trong đó diện tích vườn quốc gia Cát Tiên thuộc rừng phòng hộ Nam Cát Tiên là 77,9ha. Dự án thủy điện 6A làm ngập vĩnh viễn 184,61ha, trong đó chiếm dụng diện tích thuộc vườn quốc gia Cát Tiên là 50,55ha. Theo nghị quyết số 49 của Quốc hội, dự án công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50ha trở lên phải trình Quốc hội quyết định, nhưng dự án này chưa thực hiện.

Vi phạm Luật đa dạng sinh học

Theo quy định của Luật đa dạng sinh học, trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch nếu có sự khác nhau giữa quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh thành... thì ưu tiên thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Như vậy, vườn quốc gia Cát Tiên quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đã có, việc Bộ NN&PTNT điều chỉnh đất của vườn quốc gia để làm thủy điện là vi phạm Luật đa dạng sinh học.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa đưa được các thông tin đầy đủ về tác động văn hóa, xã hội của dự án đến từng nhóm người. Đối với diện tích rừng bị mất do tích nước của hồ chứa sẽ được thực hiện trồng lại ở vị trí khác, tuy nhiên không có bản cam kết của ban quản lý vườn quốc gia Cát Tiên và UBND ba tỉnh (Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước) là chắc chắn có hơn 372,23ha đất trống dành riêng cho Tập đoàn Đức Long thực hiện chương trình trồng rừng lại.

Phần đánh giá về động đất và động đất kích thích chỉ dựa trên tổng kết của thế giới và điều kiện có thể xảy ra động đất kích thích, điều này là không đúng. Bài học thủy điện Sông Tranh 2 cho thấy động đất kích thích phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa chất trong vùng dự án. Vì vậy, các tính toán về tác động của động đất và động đất kích thích chưa được báo cáo đánh giá tác động môi trường phân tích và nghiên cứu một cách đầy đủ.

Mỗi mét đất không bằng cốc trà đá

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có chi phí bồi thường cho người dân siêu rẻ. Theo tính toán của báo cáo đánh giá kinh tế - xã hội của dự án, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 460 triệu đồng/197ha (Đồng Nai 6) và 558 triệu đồng/175ha (Đồng Nai 6A). Như vậy, bình quân 1m2 đất rừng của dự án Đồng Nai 6 chỉ có 230 đồng, còn dự án Đồng Nai 6A chỉ có 320 đồng. “Bồi thường như vậy tính ra mỗi mét vuông đất không bằng cốc trà đá. Công ty Đức Long Gia Lai là công ty tư nhân không thể thay mặt Nhà nước đưa ra mức giá bồi thường thấp như vậy” - ông Tuấn nhận định.

Do đó, ông Tuấn đề nghị hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án này chỉ thẩm định báo cáo khi nó có thay đổi và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời làm rõ những nghi ngại, vấn đề còn bỏ ngỏ và hoàn thiện tính toán chính xác về tác động, giải pháp sửa chữa, khắc phục khả thi.

“Nếu Chính phủ dừng, chúng tôi chấp nhận”

Ông Bùi Pháp, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, cho biết như vậy tại cuộc họp báo công bố thông tin về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư), diễn ra cùng ngày.

Về việc Đoàn đại biểu Quốc hội và UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị dừng thực hiện dự án, ông Pháp nói: “Chúng tôi chuẩn bị dự án hơn sáu năm. Đến nay đã có bảy bộ, ba tỉnh đồng tình kiến nghị Thủ tướng cho chúng tôi thực hiện rồi. Nếu không có cơ sở thì chúng tôi đâu đầu tư được. Tôi tin Đoàn đại biểu Đồng Nai chưa có đủ thông tin, thông tin đến các vị lãnh đạo chưa đầy đủ. Một số bộ phận, một số lợi ích riêng kết cấu với một số nhà báo, tờ báo đưa thông tin không chính xác. Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Thông tin - truyền thông vào cuộc cứu doanh nghiệp vì thông tin không đúng”.

Ông Bùi Pháp cho biết dự án có được trình Quốc hội thông qua hay không là do Chính phủ trình Quốc hội theo quy định. “Nếu dự án này ảnh hưởng đến môi trường, không điều chỉnh được, không giảm thiểu được thì việc này thuộc quyền quyết định của Chính phủ và chúng tôi chấp hành” - ông Pháp nói.

Ông Nguyễn Thành Trí (phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai): Sẽ trả giá rất đắt nếu làm thủy điện 6, 6A

Chiều 8-11, ông Nguyễn Thành Trí - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - nói việc xây dựng thủy điện 6, 6A đã được tỉnh “kêu” rất nhiều lần vì xét thấy có nhiều điều bất lợi, làm ảnh hưởng đến hàng triệu người dân ở vùng hạ lưu. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản chỉ rõ việc xây dựng thủy điện này sẽ tác động tiêu cực đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, ảnh hưởng đến vườn quốc gia Cát Tiên, khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai...

“Thật lạ, trong khi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới thì người ta lại hăm hở nhảy vào làm thủy điện” - ông Trí bức xúc. Cũng theo ông Trí, nhiều cử tri đặt câu hỏi sao trung ương lại không dành thời gian mổ xẻ chuyện thủy điện 6, 6A để làm rõ mọi vấn đề? Có gì đằng sau dự án thủy điện này mà nhiều quan điểm trái chiều như vậy?

Ông Trí đặt vấn đề: chuyện xây dựng thủy điện 6, 6A lùm xùm từ lâu, được bàn tán rất nhiều với nhiều ý kiến phản đối nhưng không hiểu vì sao các bộ ngành có trách nhiệm vẫn “án binh bất động”.

X.LONG - L.HOÀI - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên